Nước có mức giảm lượng phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới trong năm 2019 là Pháp, với mức giảm 15%. Đứng ở vị trí thứ hai là Vương quốc Anh, giảm 13%. Nghiên cứu của chương trình Ngân sách carbon toàn cầu - bản phân tích toàn diện nhất về sản lượng carbon của thế giới cho thấy, mức giảm kỷ lục 7% trên toàn cầu (khoảng 2,4 tỷ tấn carbon) đã kéo lượng khí thải tự nhiên từ nhiên liệu hóa thạch xuống còn khoảng 34 tỷ tấn carbon dioxide (CO2) vào năm 2020.
Mặc dù vậy, các nhà khoa học tham gia nghiên cứu cho rằng, gần như chắc chắn lượng khí thải nhà kính sẽ tăng trở lại trong năm tới bởi sự sụt giảm trong năm 2020 là kết quả của những thay đổi tạm thời trong hành vi chứ không phải đến từ cải cách cơ cấu.
Đáng chú ý, báo cáo chỉ ra rằng lượng khí thải của Trung Quốc không giảm, thậm chí có thể ở mức ngang bằng hoặc tăng nhẹ so với năm 2019. Nguyên nhân là do Trung Quốc quay trở lại các hoạt động sản xuất bình thường sau khi khống chế được dịch bệnh sớm hơn so với các nước khác.
Lượng khí thải carbon tăng trở lại vào năm 2021 sau khi giảm kỷ lục vì Covid-19 (Ảnh minh họa: PA)
Corinne Le Quéré, Giáo sư khoa học về biến đổi khí hậu tại Đại học East Anglia, người có đóng góp vào phân tích cho biết: “Rõ ràng là lượng khí thải đang có dấu hiệu tăng trở lại mức năm 2019, nhưng còn quá sớm để nói rằng sự phục hồi sẽ như thế nào vào năm 2021. Cho dù lượng khí thải có quay trở lại mức năm 2019 hay thậm chí cao hơn nữa thì các gói kích thích kinh tế chính là yếu tố sẽ tạo ra sự khác biệt”.
Bà Le Quéré chỉ ra rằng cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009 là lần gần đây nhất thế giới chứng kiến lượng khí thải giảm; đồng thời cảnh báo: “Sẽ có sự tăng trở lại lớn sau năm 2020, bắt nguồn từ các gói kích thích kinh tế của các chính phủ”.
Thực tế cho thấy, qua đại dịch Covid-19, các chính phủ vẫn có cơ hội thực hiện một số thay đổi. Ví dụ, nếu có nhiều người tiếp tục làm việc từ xa, nếu các thành phố trở nên thân thiện hơn với nhiều người lựa chọn đi bộ hoặc đi xe đạp thì điều đó sẽ giúp làm giảm lượng khí thải carbon trong thời gian dài.
Các nhà khoa học tham gia nghiên cứu chỉ rõ, một số thay đổi khác về mặt cấu trúc, chẳng hạn như xây dựng nhiều nhà máy sử dụng năng lượng tái tạo hơn hay như chuyển sang dùng xe điện sẽ mất nhiều thời gian nhưng điều này là khẩn cấp để có thể giảm lượng khí thải trong tương lai.
"Sự phục hồi xanh" trên toàn thế giới bị đình trệ
Phân tích của Guardian và Vivid Economics đã chỉ ra rằng "sự phục hồi xanh" trên toàn thế giới đã bị đình trệ, với việc các chính phủ tiếp tục đổ tiền vào các hoạt động sản xuất làm phát thải carbon.
Hơn 70 nhà lãnh đạo thế giới dự kiến sẽ xác nhận cam kết giảm phát thải vào cuối tuần này tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu do Thủ tướng Anh Boris Johnson, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres chủ trì. Hội nghị là dịp đánh dấu kỷ niệm 5 năm Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu được ký kết và là bước chuẩn bị quan trọng cho Hội nghị Thượng đỉnh của Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu lần thứ 26 - COP26 sẽ được tổ chức tại Vương quốc Anh vào tháng 11 năm sau - nơi các quốc gia phải đề ra kế hoạch cắt giảm mạnh mẽ việc phát thải carbon trong 10 năm tới để hoàn thành các mục tiêu Paris.
“Những cam kết [để đạt được mức phát thải ròng bằng 0] là không đủ. Hành động của các nước cực kỳ chậm trễ và hầu hết họ không có kế hoạch cho việc đạt được mức phát thải ròng bằng 0”, bà Le Quéré nói.
Giáo sư Dave Reay tại Đại học Edinburgh nhận định, mức giảm kỷ lục trong năm nay trên thực tế vẫn chỉ là “giọt nước trong đại dương” nếu so sánh lượng CO2 mà con người đã phát thải vào khí quyển. Trong khi đó, Cameron Hepburn, Giám đốc của Trường Doanh nghiệp và Môi trường Smith thuộc Đại học Oxford cho rằng quy mô của vấn đề đòi hỏi các chính phủ phải hành động mạnh mẽ hơn nhiều.
“Đại dịch cho thấy những thay đổi triệt để trong hành vi của mỗi cá nhân là một phần của câu chuyện. Điều cần thiết hơn phải là sự thay đổi của hệ thống, bao gồm việc chuyển sang sử dụng công nghệ sạch để có thể đạt được mục tiêu là mức phát thải ròng bằng 0”, Hepburn nói.
Thủ tướng Anh Boris Johnson đã cam kết cắt giảm 68% lượng khí thải của Vương quốc Anh vào năm 2030 so với mức phát thải của năm 1990. Động thái này được cho là để khuyến khích các quốc gia khác thực hiện kế hoạch tương tự tại Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu được tổ chức ngày 12/12.
Anh mới đây cũng đã công bố 68 dự án với tổng trị giá gần 40 triệu bảng để phục hồi các con sông, bảo vệ các dòng suối, phát triển thêm đồng cỏ, trồng thêm 800.000 cây xanh, nghiên cứu bảo tồn loài hải cẩu xám…
Bộ trưởng Môi trường Anh Rebecca Pow nhấn mạnh: “Những dự án này sẽ thúc đẩy các kế hoạch trên khắp đất nước để khôi phục và biến đổi cảnh quan của chúng ta, tạo ra môi trường xanh và việc làm xanh, đồng thời là một phần quan trọng giúp chúng ta xây dựng cuộc sống xanh hơn từ sau đại dịch Covid-19”.