230 máy bay Mỹ - Hàn rầm rộ tập đối phó Triều Tiên

NHI NGÔ |

Ngày 4-12, một tuần sau khi Triều Tiên tuyên bố đã thử nghiệm tên lửa tiên tiến nhất Hwasong-15, Mỹ và Hàn Quốc đã tiến hành cuộc tập trận chung trên không với quy mô lớn nhất từ trước đến nay.

Cuộc tập trận hai năm/lần của liên quân Mỹ-Hàn có tên Vigilant Ace sẽ kéo dài tới ngày 8-12, với hơn 230 máy bay tham gia, trong đó có sáu máy bay chiến đấu tàng hình F-22 Raptor được triển khai.

Theo phát ngôn viên không lực Mỹ tại Hàn Quốc, các máy bay F-35 hiện đại nhất cũng góp mặt trong cuộc tập trận. Ngoài ra còn có sự tham gia của một lượng lớn máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm.

230 máy bay Mỹ - Hàn rầm rộ tập đối phó Triều Tiên - Ảnh 1.

Máy bay tàng hình F-22 Raptor của Mỹ cất cánh từ căn cứ không quân Hàn Quốc ở Gwangju, cách Seoul 329 km về phía Tây Nam. Ảnh: EPA

Có khoảng 12.000 quân nhân Mỹ, bao gồm cả thủy quân lục chiến và hải quân sẽ góp mặt diễn tập với lực lượng quân đội Hàn Quốc. Các máy bay tham gia sẽ được triển khai bay huấn luyện từ tám cơ sở quân sự của Mỹ và Hàn Quốc.

Truyền thông Hàn Quốc cho biết trong tuần này máy bay ném bom B-1B Lancer cũng có thể sẽ tham gia tập trận. Tuy nhiên, phát ngôn viên không lực Mỹ chưa xác nhận tin tức này.

Cuộc tập trận chung được tiến hành nhằm tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu và để đảm bảo hòa bình và an ninh trên bán đảo Triều Tiên, quân đội Mỹ tuyên bố trước khi cuộc tập trận bắt đầu.

Hoạt động diễn tập sẽ chú trọng giả lập đánh bom tiêu diệt cơ sở hạt nhân và các địa điểm phóng tên lửa của Triều Tiên, cũng như diễn tập khả năng phát hiện và tiêu diệt các xe chở tên lửa.

Triều Tiên đã lên tiếng chỉ trích cuộc tập trận này là hành động khiêu khích. Bình Nhưỡng cũng chỉ trích Tổng thống Mỹ Donald Trump đã làm gia tăng tình hình căng thẳng và cảnh báo cuộc tập trận Vigilant Ace đang đẩy tình hình trên bán đảo Triều Tiên tới "bùng nổ xung đột", theo truyền thông Triều Tiên.

230 máy bay Mỹ - Hàn rầm rộ tập đối phó Triều Tiên - Ảnh 2.

Pháo tự hành K-55 của Hàn Quốc tham gia vào cuộc tập trận gần khu vực phi quân sự ở Paju, Hàn Quốc ngày 29-11-2017. Ảnh: REUTERS

Ngày 3-12, Ủy ban tái thống nhất hòa bình Triều Tiên lên tiếng chỉ trích cuộc tập trận sẽ "đẩy tình hình vốn đã căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên tới bờ vực chiến tranh hạt nhân".

Ngày 2-12, hãng thông tấn Triều Tiên KCNA dẫn lời một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao rằng chính phủ ông Trump đang “cầu xin chiến tranh hạt nhân bằng cách tạo ra một canh bạc hạt nhân vô cùng nguy hiểm trên bán đảo Triều Tiên".

Một tuần trước đó, Triều Tiên tuyên bố đã thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tiên tiến nhất bất chấp sự lên án và các lệnh trừng phạt từ quốc tế. Bình Nhưỡng cho hay tên lửa Hwasong-15 có "đầu đạn hạt nhân siêu lớn" có khả năng tấn công toàn bộ lục địa Mỹ.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng Triều Tiên vẫn chưa làm chủ được công nghệ cho phép tên lửa có thể chịu được áp suất trong quá trình bay trở lại bầu khí quyển của Trái đất.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại