Từ xa xưa con người đã biết hái lượm và săn bắt, rồi tiến tới biết tròng trọt và thuần hóa thú rừng để chăn nuôi. Trong những con vật ấy, phải kể đến con lợn, gà, dê, chó.
Là con vật trước hết để ăn thịt, lợn chiếm một vị trí quan trọng trong lịch sử loài người. Theo lịch phương Đông cổ đại, mỗi con giáp gồm 12 năm, mở đầu là Tý (Chuột) và đóng lại là năm Hợi (Heo).
Mùa xuân Kỷ Hợi này, xin điểm qua một vài nét về hình tượng lợn trong mỹ thuật tạo hình dân gian Việt Nam.
Trong các di chỉ khảo cổ học thuộc thời kì Hậu Đồ Đá Mới (tức khoảng 8000 đến 3000 năm trước đây) ở khu vực Phùng Nguyên, Đồng Đậu, và Hoa Lộc, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã tìm thấy nhiều xương cốt các con vật nuôi trong nhà như heo, chó, trâu bò nuôi, gà, vịt…
Qua di chỉ khảo cổ học cho thấy, nuôi heo khá thịnh hành vào thời Hùng Vương, vì tỉ lệ xương heo trong tầng văn hóa ở đây cao hơn xương heo rừng và các gia cầm khác.
Truyền thuyết kể rằng: Tại Chùa Nhất Trụ, còn gọi là Chùa Một Cột ở Cố đô Hoa Lư tỉnh Ninh Bình ngày nay, còn tồn tại một cột đá bia khá lớn (khoảng 3m) làm năm 996, trên đỉnh có một đài sen.
Truyền rằng trước đây ban đêm thường có đàn lợn vàng (mẹ con) chạy từ cột ra, nhờ đó mà dân làm ăn phát đạt, mùa màng bội thu. Nhưng một hôm có kẻ gian tìm tới, chúng nhấc đài sen, lấy đi chất tinh khiết của đá thần…từ đó đàn lợn không xuất hiện nữa.
Với hàng nghìn năm vắng bóng, phải đến tận thế kỷ XV lợn mới thoáng xuất hiện dưới dạng một con vật khác khi đã được thiêng liêng hóa. Tại lăng của Nguyễn Thị Ngọc Huyên, khu di tích Lam Kinh, tỉnh Thanh Hóa, có hình tượng một con tê giác, mà toàn bộ hình thức từ đầu đến đuôi là một chú lợn nguyên vẹn được bổ sung thêm chiếc sừng gắn trên mũi. Con "lợn" nhỏ vè này cùng với ngựa và các linh vật khác mang đầy chất dân gian.
Đình Thụy Phiêu tọa lạc tại làng Thụy Phiêu, xã Thụy An, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội. Đây là ngôi đình cổ nhất Việt Nam, được dựng năm 1531, trên cột của gian gác thờ, được làm bổ sung vào thế kỷ XVII, có chạm trổ hình rồng với đường nét chạm khắc mang tính nghiêm nhặt, nhưng ở đuôi rồng phía trên người nghệ nhân tạc một con lợn béo, khối thô mộc.
Cột bên cạnh phía dưới, một con thạch sùng dường như đang vờn với con rồng. Con rồng tâm linh và con lợn, con thạch sùng hiện thực. Đó là hai thế giới đối lập nhau và ở đó còn chứa đựng một nụ cười về thế sự, nhân sinh.
Tại Chùa Cự Trữ (có tên khác là Thanh Quang) được xây vào năm 1556, xã Phương Định, huyện Trực tỉnh Nam Định. Có chú Heo được tạc ở tam quan chùa, chú heo đang thanh thản bên máng ăn. Hình tượng heo cũng đơn giản, nhưng chi tiết thật rõ nét: mõm vểnh, mắt híp, lưng võng, bụng xệ.
Ở Đình Phất Lộc tên tự là (đình Phúc Lộc) thuộc thôn Phất Lộc, xã Thái Giang, huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình. Đình có niên đại và phong cách chạm khắc gỗ thời Lê thế kỷ XVII.
Bức chạm trên cốn bên phải của gian giữa đình, mô tả rất dễ hiểu: Một người đàn bà đang ngồi vừa cho con bú, vừa cho heo ăn. Em bé đang rất "tranh thủ": Chân đứng dưới đất, đầu luồn qua nách mẹ để bú. Ngược lại, chú heo rất thong dong, nghếch mõm, đủng đỉnh bước tới...
Tạo dáng heo đơn giản nhưng rõ rệt đặc điểm: mõm, tai, lưng võng, bụng phệ, chân ngắn....
Vào giai đoạn phát triển của đình làng ở cuối thế kỷ XVII, thời mà mỹ thuật dân gian đã chiếm đỉnh cao con lợn cũng dè dặt xuất hiện. Chúng ta thấy một con lợn trong tư cách biểu hiện sự trù phú của cuộc sống ấm no thôn dã, nó đi liền với cảnh người mẹ cho con bú, để rất hồn nhiên gợi về một sự thanh bình.
Đó là cảnh ở đình Kiên Bái thuộc Thủy Nguyên, Hải Phòng. Cũng có khi trên gỗ hình tượng con lợn thoáng leo trên râu rồng, như phản ánh một kết quả về mối tình rộng mỡ giữa rồng với với muôn loài.
Hình tượng con lợn đích thực, phải tới tận thế kỷ XVII, mới được thể hiện trên vạc đồng của chúa Nguyễn. Hai chiếc vạc đồng lớn nhất, hiện đặt trước Tả vu, Hữu Vu (Tả Vu và Hữu Vu là hai công trình phối thuộc của Điện Cần Chánh trong Tử Cấm Thành của Kinh thành Huế.
Tả Vu là toà nhà dành cho các quan văn, còn Hữu Vu là toà nhà dành cho các quan võ; đây là nơi các quan chuẩn bị nghi thức trước khi thiết triều, nơi làm việc của cơ mật viện, nơi tổ chức thi đình và yến tiệc. Tả Vu và Hữu Vu đều được xây dựng vào đầu thế kỷ XIX).
Trên vạc đồng, kiểu thức lợn thể hiện trong các ô hộc khép kín nhưng lạ thay, vẫn sống động tài tình. Trên chiếc vạc phía trước Tả Vu, con heo mang vẻ hoang dã và dữ tợn với bộ lông tua tủa, mắt to, mõm dài với hàm răng sắc nhọn, đuôi dài và thẳng, cứng, được đúc nổi trong những ô khép trên thân vạc.
Phía Hữu Vu, một chú heo nữa xuất hiện trên chiếc vạc với bộ dạng hiền từ hơn, thân hình mập mạp, mõm ngắn, đuôi to và ngắn hơn, đứng chúi mõm xuống như đang ăn đám dây lá trước mặt: hình ảnh của một chú heo đã được thuần dưỡng, một thân hình béo tốt với sống lưng được tỉa rất kỹ, đôi mắt hau háu cùng mõm hé mở, đôi tai vểnh ra phía trước...một hình ảnh rất sống động.
Vào thế kỷ XIX và XX con lợn lại xuất hiện nhiều trên tranh dân gian của nhiều miền đất Bắc, đó là tranh Đông Hồ và tranh Kim Hoàng.
Tranh dân gian Đông Hồ thuộc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, nằm trên bờ nam sông Đuống. Đề tài của dòng tranh Đông Hồ rất mộc mạc, giản dị và phong phú, gần gũi với cuộc sống.
Cách vẽ khoáng đạt, xoay quanh chủ đề nông thôn, những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống lao động, những con người, cảnh vật đập vào mắt họ, bình dị, thân thương, gần gủi, con lợn, con gà, con trâu, con bò, tôm, cá…tất cả đi vào tác phẩm một cách dễ dàng, ngây thơ, ngộ nghĩnh một cách đáng yêu, để rồi có những bức tranh sống động đã đi vào tâm thức con người bao đời nay.
Tranh lợn, thường có tranh: "Lợn độc" và "Lợn ăn lá dáy" và "Lợn nái". Với 2 bức tranh: "Lợn ăn lá dáy" và "Lợn nái", đều có cái nhìn mang tính trang trí cao, hình tượng được chắt lọc và điển hình hóa. Những cơ thể trù phú được thể hiện bởi một đường viên mãn, cùng với hai vòng tròn "lưỡng nghi" biểu hiện sự đối đãi của âm dương trong quy luật phát sinh phát triển, con lợn trên tranh như một biểu hiện cho mọi nguồn hạnh phúc no đủ.
Bức tranh "Lợn đàn": gồm một lợn mẹ và năm con. Tượng hình con vật được cách điệu dùng những mảng màu lớn, có khi là màu đỏ chói chạy dọc theo sóng lưng, quanh má và khối mông. Có thêm vòng tròn "lưỡng nghi". Lợn mẹ có chiếc mõm khá rộng và có vài nếp nhăn biểu hiện sự vui cười. Đó là một chi tiết phụ nhưng lại bộc lộ cái thần của bức tranh.
Tranh lợn Đông Hồ được in bằng nhiều bản ván, mỗi ván một màu. Tranh "Lợn ăn cây dáy" in ba bản màu một bản nét, tranh "Lợn nái" nhiều màu hơn, có đến bốn bản màu. Màu của tranh Đông Hồ là màu truyền thống làm bằng các chất liệu có sẵn trong tự nhiên và được gọi là "thuốc cái".
Màu trắng là màu đặc trưng nhất của tranh Đông Hồ được làm từ vỏ điệp, sắc trắng có ánh lấp lánh rất quý. Màu vàng từ hoa hoè hay hạt dành dành, màu đỏ vang từ gỗ cây vang, đỏ son từ đất son, xanh lá cây là xanh lá cây là gỉ đồng, xanh chàm từ lá chàm và đen là than rơm nếp.
Một dòng tranh dân gian phát triển khá mạnh từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XVIII, đó là tranh Kim Hoàng, thuộc làng Kim Hoàng, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây cũ, nay là Hà Nội. Tranh Kim Hoàng cũng đã cho ta những bức tranh đẹp, trong đó có tranh vẽ "Con lợn độc" chẳng kém tranh Đông Hồ.
Trên nền đỏ của giấy điều là con lợn được in bằng mảng đen với các nét vẽ thêm vào bằng màu trắng,cái đẹp của sự tương phản giữa đỏ-đen-trắng làm cho tranh có vẻ khúc chiết, cô đọng, mang tính tượng trưng.Mũi lợn không thể hiện gần với thực mà thay vào là cụm văn hoa dấu hỏi chung một gốc, biểu tượng chỉ về nguồn phát sáng (tinh tú, mặt trời).
Rồi tai lợn cụm xoắn nhiều vòng, cũng như trên thân lợn điểm một xoắn kiểu khác, mà theo tạo hình cổ truyền, biểu tượng này rất gần với sấm chớp. Như vậy, lợn trên trạnh theo tư duy nông nghiệp đã được thiêng hóa nhằm chứa đựng trong nó mầm mống của sự cầu mong nguồn nước phồn thực!
Chú lợn trong nét đẹp xưa và nay vẫn mãi bổ sung cho nhau. Nghệ thuật dân gian và nghệ thuật hiện đại luôn hài hòa và phát triển. Chúng ta không thể không trân trọng bảo tồn và phát triển.
Hình tượng Lợn biểu trưng cho văn hóa phồn thực, sự no đủ, sung túc, thanh bình. Cầu mong cho năm Kỷ Hợi 2019, đất nước ngày càng phát triển, phồn thịnh; mùa màng tươi tốt, cơ quan, xí nghiệp, nhà nhà an lành, thịnh vượng!