2 nước “giáng đòn” Kiev sau vụ Wagner bị 1000 tay súng phục kích: Bên thứ 3 sắp vào cuộc, Mỹ can thiệp khẩn

Tùng Chi |

Theo Le Monde, một "cơn bão" lớn đang ập đến với Ukraine, khi nước này liên tiếp nhận tin xấu chỉ trong 3 ngày.

Nội dung chính

  • 1000 tay súng phiến quân phục kích đẫm máu lính Wagner ở Mali.
  • Tình báo Ukraine tuyên bố đã hỗ trợ phiến quân Mali tiến hành vụ phục kích.
  • Mali, Niger đồng loạt giáng đòn Kiev. Nước thứ 3 sắp nhập cuộc.

Đòn giáng kép vào Ukraine

Hãng tin Reuters (Anh) ngày 8/8 cho hay, 2 nước châu Phi, bao gồm Mali và Niger đã đồng loạt tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Ukraine. Với diễn tiến này, tờ Le Monde (Pháp) cho rằng, Ukraine đang hứng chịu "cơn bão ngoại giao lớn".

Nguyên nhân xuất phát từ vụ hàng chục lính đánh thuê Wagner thiệt mạng trong cuộc phục kích của quân nổi dậy tại Mali cuối tháng 7 vừa qua.

Theo hãng tin CNN (Mỹ), khoảng 1.000 tay súng thuộc nhóm phiến quân Tuareg, cùng với chi nhánh tổ chức khủng bố al Qaeda ở Sahel - JNIM (Jama'at Nusrat al-Islam wal-Muslimin) đã tiến hành một "cuộc phục kích tinh vi" xóa sổ đoàn xe của Wagner khi lực lượng này cùng quân đội chính phủ Mali tuần tra gần biên giới Algeria.

2 nước “giáng đòn” Kiev sau vụ Wagner bị 1000 tay súng phục kích: Bên thứ 3 sắp vào cuộc, Mỹ can thiệp khẩn- Ảnh 1.

Phiến quân Mali bên cạnh một chiếc xe thiết giáp bị phá hủy sau cuộc phục kích hôm 28/7. Ảnh: Telegraph

Hãng tin Mỹ cho biết, cuộc tấn công đẫm máu này đã đánh dấu tổn thất nặng nề nhất của Wagner ở châu Phi. Theo tuyên bố của JNIM ngày 28/7, đã có tới 50 lính Wagner thiệt mạng, một số bị bắt làm tù binh. Trong khi đó, nhóm phiến quân Tuareg cho biết, con số chính xác là 84.

Đáng lưu ý, theo tờ Guardian (Anh), chỉ 1 ngày sau tuyên bố của JNIM, Tổng cục tình báo Ukraine (GUR) lên tiếng xác nhận sự tham gia của họ vào vụ tập kích lính Wagner ở Mali.

Đại diện GUR Andrey Yusov cho biết, nhóm phiến quân Tuareg "đã nhận được các thông tin cần thiết từ GUR để tiến hành một chiến dịch quân sự thành công nhằm chống lại Wagner PMC".

Cũng trong ngày 29/7, tờ Kyiv Post của Ukraine công bố một bức ảnh chụp cận cảnh phiến quân Mali cầm cờ Ukraine và cho biết, hình ảnh đã được "một nguồn tin quốc phòng tại Kiev xác thực".

2 nước “giáng đòn” Kiev sau vụ Wagner bị 1000 tay súng phục kích: Bên thứ 3 sắp vào cuộc, Mỹ can thiệp khẩn- Ảnh 2.

Phiến quân Tuaregs cầm lá cờ của Ukraine sau khi phục kích lính Wagner. Ảnh: Kyiv Post

Diễn tiến này đã khiến Mali nổi giận. Chính phủ Mali hôm 4/8 tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Kiev.

Đại tá Abdoulaye Maiga – người phát ngôn của chính phủ Mali cho biết, "quyết định cắt đứt quan hệ được đưa ra ngay lập tức, sau khi quan chức Ukraine lên tiếng về việc Kiev có liên quan tới cuộc tấn công của quân nổi dậy ở Mali".

Không lâu sau Mali, Niger – một quốc gia khác tại châu Phi – cũng bất ngờ tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Kiev ngay trong ngày 6/8.

Đại diện chính phủ Niger nhấn mạnh "quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao (với Ukraine) có hiệu lực ngay lập tức", đồng thời cáo buộc Kiev đã hậu thuẫn "các tổ chức khủng bố".

Trong một tuyên bố trên truyền hình, ông Amadou Abdramane – người phát ngôn của chính phủ Niger cho biết thêm rằng, nước này sẽ yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc họp bàn về "hành động gây hấn" của Ukraine.

Trước đó vài ngày, chính quyền Senegal cũng đã triệu tập đại sứ Ukraine Yurii Pyvovarov, đồng thời cáo buộc Kiev hậu thuẫn vụ tấn công tại Mali sau khi một đoạn video về vụ việc được đăng trên tài khoản Facebook của Đại sứ quán Ukraine rồi bị xóa đi.

Nước thứ 3 sắp nhập cuộc, Mỹ vội can thiệp

Theo sau Niger và Mali, tờ Nigeria Leadership ngày 8/8 cho biết, Burkina Faso cũng có thể sắp cắt đứt quan hệ ngoại giao với Ukraine, bởi cả 3 quốc gia này đều là thành viên của Liên minh Sahel.

"Sẽ hoàn toàn hợp lý khi Burkina Faso đưa ra quyết định tương tự về việc cắt đứt quan hệ ngoại giao với Ukraine, bởi nước này cùng với Mali và Niger đã thành lập một khối duy nhất" - Nigeria Leadership cho hay.

2 nước “giáng đòn” Kiev sau vụ Wagner bị 1000 tay súng phục kích: Bên thứ 3 sắp vào cuộc, Mỹ can thiệp khẩn- Ảnh 4.

Sau Mali, Niger tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Mali. Ảnh: Reuters

Trước tình hình đó, theo hãng thông tấn TASS ngày 8/8, chính phủ Mỹ đã phải lên tiếng thúc giục các nước châu Phi đừng vội cắt đứt quan hệ ngoại giao với Ukraine.

Trong cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller nói: "Chúng tôi luôn tin rằng quan hệ ngoại giao rất quan trọng. Sẽ tốt hơn nếu các quốc gia đối thoại với nhau và cho nhau cơ hội giải quyết các tranh chấp, cũng như giải quyết các vấn đề phát sinh".

"Tôi xin nhắc lại, ngoại giao rất quan trọng, do đó chúng tôi khuyến khích các quốc gia này tiếp tục đối thoại với nhau" – Ông Miller nói, đề cập tới việc Mali và Niger cắt đứt quan hệ ngoại giao với Kiev.

Về phần mình, Bộ Ngoại giao Ukraine chỉ trích Mali đã cắt đứt quan hệ mà không xem xét kỹ lưỡng tình hình, và gọi quyết định của Niger là "một động thái đáng tiếc". Kiev cho rằng, động thái của 2 nước này đều dựa trên những cáo buộc vô căn cứ và không đúng sự thật.

Bộ Ngoại giao Ukraine đồng thời bác bỏ mọi cáo buộc về việc Kiev "ủng hộ chủ nghĩa khủng bố quốc tế".

"Những cáo buộc chống lại Ukraine được trích dẫn trong tuyên bố của đại diện chính phủ Niger là vô căn cứ và không phù hợp với thực tế" – Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ukraine cho hay.

Nga cảnh cáo Ukraine "mở mặt trận châu Phi"

Sau khi Mali và Niger tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Ukraine, theo tờ Al Jazeera, Moscow đã cảnh báo Ukraine đang "mở mặt trận thứ 2 chống Nga".

Hãng thông tấn RIA Novosti dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết: "Trong bối cảnh không thể đánh bại Nga trên chiến trường, chính quyền Kiev đã mở mặt trận thứ 2 ở châu Phi".

Bà Zakharova đồng thời cáo buộc rằng, Kiev đang "tiếp tay cho khủng bố tại các quốc gia thân thiện với Nga trên lục địa này".

2 nước “giáng đòn” Kiev sau vụ Wagner bị 1000 tay súng phục kích: Bên thứ 3 sắp vào cuộc, Mỹ can thiệp khẩn- Ảnh 6.

Chuyên gia phân tích Thổ Nhĩ Kỳ Evrim Ağacı bày tỏ sự ngạc nhiên khi Ukraine không mở mặt trận thứ hai ở Đông Âu mà là ở sâu bên trong lục địa châu Phi.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga cho thấy cuộc xung đột Nga-Ukraine hiện tại đang lan rộng ra bên ngoài biên giới truyền thống.

Rõ ràng từ những diễn biến này, cuộc chiến - ban đầu được nhìn nhận qua lăng kính căng thẳng Nga-Ukraine - đã bắt đầu bao hàm lợi ích và tham vọng của các quốc gia cách xa nguồn gốc xung đột.

Với các lợi ích địa chính trị gia tăng và xung đột lan rộng sâu sắc, chuyên gia Ağacı cho rằng, thế giới có thể sẽ sớm chứng kiến cách các quốc gia châu Phi điều chỉnh lại quan hệ đối ngoại và chiến lược quân sự của họ, tương tự như những gì Mali và Niger đang làm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại