"Tôi đã nuốt 40 viên thuốc và uống một chai rượu trắng. Xin hỏi bao lâu thì ra đi?".
Đây chính là câu hỏi mà Tiểu Tào phải trả lời cho người bên kia đầu dây.
Tiểu Tào năm nay 28 tuổi, sau khi tốt nghiệp đại học, cô trở về quê nhà Tú Thiên (Giang Tô, Trung Quốc) và làm nhân viên chăm sóc khách hàng tại JD.com (công ty thương mại điện tử có trụ sở tại Bắc Kinh).
Tháng 3/2020, bộ phận chăm sóc khách hàng của JD.com đã thành lập nhóm dự án "Cầu nối sinh mệnh" (tạm dịch) để giải cứu những người có xu hướng tự vẫn. Tiểu Tào đã chủ động đăng ký tham gia dự án này.
Họp nhóm "Cầu nối sinh mệnh".
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới năm 2021, gần 800.000 người trên thế giới chết do tự tử mỗi năm và trung bình cứ 40 giây lại có 1 người tự kết thúc đời mình, nhưng chưa đến 7% người chọn cách tìm kiếm sự giúp đỡ.
Đường dây nóng sinh tử
Tiểu Tào còn nhớ rõ thời gian làm việc tại nhà vào tháng 3/2022. Một ngày nọ, cô đang trực ca đêm thì bất ngờ nhận được tin nhắn cầu cứu từ một bác sĩ trên Internet: một bệnh nhân nam nói rằng đã nuốt hơn 40 viên cephalosporin và uống hết 1 chai rượu trắng, còn hỏi bác sĩ trực tuyến bao lâu thì qua đời.
Nhận được tin nhắn này, Tiểu Tào không dám chậm trễ, lập tức gọi điện thoại cho đầu dây bên kia.
Tiểu Tào đã cố gắng tìm lấy chi tiết để cứu vớt người đàn ông trẻ tuổi khỏi ý nghĩ tiêu cực trong đầu. Có lẽ chính sự quan tâm này đã khiến người đàn ông cảm động. Thế là anh chia sẻ bản thân năm nay 29 tuổi, sống ở Liên Vân Cảng và vừa mới ly hôn.
Tuy nhiên, đối phương không muốn nói thêm nữa: "Cảm ơn đã liên lạc với tôi, nhưng đừng bảo ai đó đến cứu", nói xong liền cúp điện thoại.
Tiểu Tào nhanh chóng đổi chủ đề: “Anh xem này, anh ở Liên Vân Cảng, chúng ta đều ở Tú Thiên, khá gần nhau đấy”. Nam thanh niên hơi thả lỏng cảnh giác: “Chúng ta cách nhau 1 con sông, tôi đang ngồi bên bờ sông Nghi”.
Đây là một manh mối quan trọng. Tiểu Tào lập tức thông báo manh mối cho đồng nghiệp, nhanh chóng liên lạc với cảnh sát ở Liên Vân Cảng.
Trung tâm chăm sóc khách hàng ở JD.com tại Tú Thiên
Khi một người được phát hiện có xu hướng làm liều, Tiểu Tào và các đồng nghiệp sẽ gọi cho đối phương càng sớm càng tốt để xác định tình hình cảm xúc và liệu họ có ở một mình hay không. Càng thu thập nhiều thông tin của đối phương càng tốt, đồng thời phối hợp với lực lượng chức năng địa phương để ngăn chặn thảm kịch xảy ra.
Chạy đua với Tử thần
Quá trình “cứu rỗi người có ý định kết thúc sinh mệnh” như một cuộc chạy đua với Tử thần.
Tiểu Tào cho rằng chìa khóa để cứu sống thành công người đang tiêu cực cực độ nằm ở cách lấy thông tin nhanh nhất.
Tiểu Tào nhớ lại một trường hợp mà cô đã cứu hồi tháng 4/2021. Đối tượng là chàng trai 19 tuổi tự làm hại mình sau khi uống rượu. Nam thanh niên còn gửi thêm ảnh chụp cổ tay với vết thương sâu.
Sau khi nhận được tin nhắn, Tiểu Tào lập tức gọi điện thoại cho chàng trai và phát hiện đối phương vẫn tỉnh táo nhưng cảm xúc đang mất kiểm soát. Trong cuộc gọi, Tiểu Tào mới biết chàng trai này có tiền sử bệnh trầm cảm, đang khó khăn trong vấn đề tìm việc làm. Chàng trai đã tự hủy hoại bản thân nhiều lần, nhưng gia đình không hề hay biết.
Tiểu Tào lập tức tìm ra vị trí của đối phương thông qua số điện thoại di động, đồng thời liên hệ với cảnh sát và xe cấp cứu.
Sau khi cúp máy, Tiểu Tào đã thêm WeChat (ứng dụng nhắn tin của Trung Quốc) của chàng trai. Cô chủ động nói với chàng trai rằng bản thân có đứa em trai trạc tuổi: "Em có thể nói với chị bất cứ điều gì, chúng ta tâm sự với nhau lúc nào cũng được nhé. Tìm việc là một quá trình lựa chọn hai chiều. Em có thể học cao hơn để lấy thêm bằng cấp. Người có tri thức giỏi thì không bao giờ sợ thất nghiệp".
Cuối cùng, chàng trai đã chủ động băng bó vết thương trước khi xe cứu thương đến.
Với kinh nghiệm thuyết phục thành công nhiều lần, Tiểu Tào cho rằng chìa khóa để đối phương bỏ ý định xấu và thoát khỏi tuyệt vọng là lắng nghe và thấu hiểu.
Nhân viên chăm sóc khách hàng của "Cầu nối sinh mệnh"
"Sau mỗi lần giải cứu thành công, chứng kiến người được mình hỗ trợ mạnh mẽ sống tiếp khiến tôi cảm thấy cuộc đời này thật giá trị và ý nghĩa. Điều này không phải công việc nào cũng có thể tạo ra", Tiểu Tào cho biết.
Nắm chặt lấy những sinh mệnh đang ở bờ vực sự sống
Trong 2 năm qua, hầu hết những người được Tiểu Tào giải cứu đều còn rất trẻ.
Hầu hết các lý do đằng sau hành vi tiêu cực xuất phát từ áp lực trong cuộc sống. Tiểu Tào kết luận: "Thất vọng trong công việc, mối quan hệ không hạnh phúc, gia đình tan vỡ đều là những tình huống tương đối phổ biến. Bản thân một số người còn có tiền sử trầm cảm và rất dễ mất lý trí khi gặp chuyện không hay".
Tiểu Tào nhận thấy không ít lần người trong cuộc có ý định quyên sinh vì giây phút yếu đuối và không còn nơi nào để giải tỏa cảm xúc, chỉ cần ai đó cùng ngồi xuống tâm tình, đó chính là tia hy vọng để cứu rỗi một sinh mạng.
Tiểu Tào cho biết, kể từ khi thành lập, nhóm dự án "Cầu nối sinh mệnh" của JD.com đã cứu được tổng cộng 565 người.
Điều khiến Tiểu Tào và các đồng nghiệp hài lòng nhất là nhiều người từng nghĩ đến chuyện kết liễu đời mình nay đã tìm lại được hy vọng và có một cuộc sống mới.
Trong tương lai, Tiểu Tào và các cộng sự dự định sẽ tiếp tục công việc này. Họ tin chắc rằng dù khó khăn đến đâu, chỉ cần không bỏ cuộc, “ranh giới sinh tử” sẽ trở thành “ranh giới hy vọng”. Những người đã từng đứng bên bờ vực cuối cùng sẽ được sống lại nhờ đôi bàn tay níu lấy và giữ chặt kịp thời của nhân viên chăm sóc khách hàng dự án “Cầu nối sinh mệnh”.
Nguồn: Thepaper