Năm 2018, theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong danh sách các quốc gia sống lâu nhất thế giới, Nhật Bản đứng ở vị trí đầu tiên với số tuổi thọ trung bình là 84,2 tuổi (nữ là 87,1 tuổi; nam là 81,1 tuổi). Bên cạnh đó, tỷ lệ người béo phì ở Nhật Bản cũng thấp nhất thế giới. Tuy nhiên, đối với người Nhật, "cuộc sống không nằm ở tập thể dục". Bí quyết sống lâu, sống khoẻ của họ khá đơn giản - đó là cách họ ăn uống hằng ngày, trong đó có 2 món người Nhật thường hạn chế ăn nhất có thể còn người Việt lại khá yêu thích.
1. Hạn chế những món ăn có nhiều gia vị
Trong "Thực hành ẩm thực Nhật Bản", Shijo Takahiko, hậu duệ đời thứ tư của Shijo-ryu Nhật Bản đã có phát ngôn rõ ràng về nền ẩm thực nước nhà: "Ẩm thực Nhật Bản có một nguyên tắc là độ ngon của nó không thể che lấp được hương vị ban đầu của các nguyên liệu".
Bởi vậy, trong cách nấu ăn thông thường hằng ngày, người Nhật luôn chú ý lượng calo thấp và ít chất béo bằng cách chủ yếu hấp, luộc, để nguội hoặc ăn sống, hạn chế dầu mỡ và cay để duy trì dinh dưỡng của thực phẩm nguyên bản. Ngay cả món "tempura" (món chiên tẩm bột) tiêu biểu nhất cũng được chiên lớp áo mỏng, không thấm nhiều dầu.
Các nhà khoa học ở Anh và Nhật Bản đã đưa ra kết quả nghiên cứu những người có khẩu vị ăn đậm đà dễ mắc bệnh hơn những người thường ăn nhạt vì lí do người ăn nhiều muối có nguy cơ gây hại cho mạch máu, hại tim, thận và gây cao huyết áp... Đồ ăn nhiều màu sắc, đa dạng gia vị có thể giúp bắt mắt nhưng việc tiêu thụ nhiều muối gây nhiều bất lợi cho sức khoẻ.
2. Hạn chế món tráng miệng, đồ ngọt
Mochi là một trong món đồ ngọt nổi tiếng của người Nhật, tuy nhiên họ chỉ thường ăn đồ ngọt trong những dịp lễ Tết đặc biệt còn trong cuộc sống đời thường họ lại hạn chế các món ăn có chứa bơ sữa, hàm lượng đường cao. Vì thế, món bánh mochi cũng được sử dụng bột gạo, hạn chế tối đa chất béo, đường và các phụ gia... để không ảnh hưởng sức khoẻ.
Bên cạnh đó, nước có ga khiến cho nhiều người cảm thấy giải quyết cơn khát của họ rất nhanh. Tuy nhiên, hàm lượng đường cao hoặc chất cồn cùng nhiều nguyên liệu khác nhau tác động xấu đến chức năng chuyển hóa và giải độc của thận và các cơ quan quan trọng trong cơ thể con người. Vì thế, người Nhật lựa chọn uống nước lọc đun sôi làm loại nước chính để bổ sung nước cho cơ thể, giúp cơ thể khỏe mạnh và sống lâu hơn.
Vậy chế độ ăn của người Nhật thực tế như thế nào?
- Thích ăn rau và hải sản: Khỏi phải nói, sashimi là một món ăn nổi tiếng của người Nhật và cũng là món ăn đặc trưng khi nhắc đến xứ sở mặt trời mọc. Trên bàn ăn của người Nhật cũng vậy, tuy có nhiều món nhưng hầu hết các món là rau hoặc hải sản, nhiều món tươi sống, ít món chiên rán. Trong đó, rau nhiều chất xơ, giúp giảm mỡ máu và ung thư còn cá hồi, cá ngừ chứa nhiều chất béo không bão hòa, giảm đông máu, tốt cho tim mạch.
- Đa dạng thức ăn: Vào năm 1985, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đưa ra "Hướng dẫn về Ăn uống và Sống lành mạnh" và ủng hộ việc ăn 30 loại thành phần mỗi ngày. Vì thế, cơ cấu chế độ ăn của một gia đình Nhật thường tiêu biểu như sau: nấu cá, sashimi hoặc cá nướng, ăn kèm với đậu phụ lạnh, rau luộc, rau tía tô, súp miso, rong biển, dưa chua... Đặc biệt, nước tương rất được coi trọng.
- Ăn nhiều trái cây: Vì trái cây rất giàu các nguyên tố vi lượng và vitamin cần thiết cho sự tồn tại của con người nên người Nhật thường xuyên ăn trái cây để duy trì một lượng dinh dưỡng cân bằng.
- Chú trọng 3 bữa chính: Đối với người Nhật, bữa sáng là bữa quan trọng nhất trong ba bữa ăn. Vì thế, phụ nữ Nhật rất cầu kì trong việc chuẩn bị đa dạng các món ăn trong bữa sáng. Hơn hết, người Nhật cũng không mấy khi đi ăn hàng quán ở ngoài, thay vào đó, họ lựa chọn mang cơm trưa tới văn phòng hoặc chuẩn bị cơm cho con để đảm bảo lượng dinh dưỡng.
- Ăn sữa chua lên men: Đây là một trong những thức uống dễ tìm nhất ở khắp mọi nơi ở Nhật Bản từ siêu thị, bệnh viện, khách sạn cao cấp cho tới căn bếp của từng gia đình. Trẻ em Nhật Bản được khuyên nên dùng sữa chua hằng ngày vì sữa chua lên men có chứa nhiều vi khuẩn có lợi, giúp phòng ngừa bệnh đường ruột và tăng cường sức đề kháng.