Đầu tiên, có vẻ như Ai Cập muốn thể hiện vai trò một quốc gia trung gian trong giải quyết các vấn đề xung đột tại Libya khi các lực lượng đánh thuê người Nga và binh sĩ LNA rút khỏi Tripoli hồi đầu tháng 6. Hôm 6-6, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi thông báo một sáng kiến đơn phương do Ai Cập soạn thảo nhằm chấm dứt cuộc nội chiến tại nước láng giềng Libya.
Phát biểu tại một cuộc họp báo quan trọng ở Cairo (có sự hiện diện của các đại sứ Nga, Pháp, Italy), Tổng thống Sisi cho biết kế hoạch của ông bao gồm một lệnh ngừng bắn và chấm dứt việc theo đuổi giải pháp quân sự cho cuộc xung đột tại Libya, có thể bắt đầu thực hiện ngay từ trung tuần tháng 6.
Theo ông Sisi, kế hoạch bao gồm việc hình thành một hội đồng tổng thống trong đó bao gồm đại diện của 3 vùng lớn nhất Libya. Hội đồng này sẽ điều hành đất nước Libya trong giai đoạn chuyển tiếp kéo dài một năm rưỡi trước khi tiến hành cuộc bầu cử toàn quốc.
Kế hoạch cũng bao gồm cả việc thống nhất tất cả các định chế tài chính và cơ quan quản lý việc khai thác dầu mỏ, giải tán các nhóm bán quân sự, lấy lực lượng LNA làm nòng cốt và bao gồm một số đơn vị an ninh và lực lượng dân quân khác xây dựng lực lượng quân đội Libya để đảm nhiệm vai trò đảm bảo an ninh quốc gia.
Tổng thống Sisi kêu gọi rút hết các lực lượng nước ngoài tại Libya, bao gồm hàng nghìn lính đánh thuê của cả hai bên.
Kế hoạch của Ai Cập đã nhận được sự ủng hộ của tướng Haftar, Chủ tịch Quốc hội miền Đông Libya Aguila Saleh, cũng như các quốc gia trong khu vực ủng hộ tướng Haftar như Mỹ, UAE, Saudi Arabia và Jordan.
Bộ Ngoại giao UAE cho rằng giải pháp chính trị là chọn lựa duy nhất chấp nhận được để Libya đạt được sự “ổn định và tịnh vượng”. Tuy nhiên, hiện chưa biết phía GNA sẽ phản ứng thế nào.
Giới phân tích phương Tây không ủng hộ tướng Haftar và không ủng hộ sáng kiến của Ai Cập cho rằng GNA rất khó chấp nhận sáng kiến này vì “nó bỏ ngỏ tất cả các vấn đề gây tranh cãi đã từng làm thất bại nhiều sáng kiến hòa giải trong quá khứ”.
Việc chỉ giao cho lực lượng LNA của tướng Haftar nòng cốt đảm trách an ninh quốc gia sẽ không nhận được sự đồng thuận của các lực lượng còn lại.
Cuộc xung đột tại Libya đang đứng trước 2 kịch bản tương lai khác nhau: các bên cùng xuống thang hoặc sẽ bùng phát một cuộc chiến tranh đại diện với sự can thiệp của các cường quốc khu vực và quốc tế.
Ông Haftar nói hôm 6-6 rằng sự can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ làm tăng thêm tình trạng phân cực trong khu vực và quốc tế, đồng thời khiến cho cuộc xung đột tại Libya kéo dài thêm. Sự can thiệp sâu và nặng của Thổ Nhĩ Kỳ có thể thúc đẩy Ai Cập hành động bằng cách can thiệp quân sự vào Libya nhằm “cân bằng” lực lượng và cán cân quyền lực tại nước láng giềng.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tại Tripoli, đầu tháng 6.
Trên thực tế GNA vẫn đang thúc đẩy hành động quân sự về phía Đông, tỏ rõ quyết tâm đánh chiếm thành phố biển chiến lược Sirte, quê hương cố lãnh đạo Muammar Gaddafi, nơi rất giàu dầu mỏ, có hệ thống khai thác và truyền dẫn dầu thô lớn nhất Libya.
Các khu khai thác dầu tại thành phố này đã bị lực lượng thân tướng Haftar đóng cửa vào đầu năm nay để ngăn chặn tổn thất do chiến tranh. Tuy nhiên, việc đóng cửa khu mỏ dầu Sirte đã khiến cho chính quyền Libya ở Tripoli bị mất đi nguồn thu nhập rất lớn, gây khó khăn nhiều mặt.
Nhân chuyến kiểm tra các đơn vị không quân và biệt kích trú đóng tại căn cứ Sidi Barrani hôm 20-6, Tổng thống Ai Cập Sisi đã lên tiếng cảnh báo cuộc tiến công của các lực lượng thân GNA vào thành phố cảng Sirte là “lằn ranh đỏ” cần phải dừng lại, nếu không nó có thể châm ngòi cho một cuộc can thiệp quân sự trực tiếp từ phía Ai Cập.
Ngoài ra, ông Sisi cũng cảnh báo việc đánh chiếm căn cứ sân bay Jufra nằm sâu trong đất liền cũng sẽ gây hiệu ứng dây chuyền xung đột quân sự can thiệp tự nước ngoài.
Phát biểu của ông Sisi ngay lập tức bị phía chính quyền GNA bác bỏ và được giới quan sát đón nhận một cách thận trọng vì nó hàm chứa một lời cảnh báo nghiêm trọng, một nguy cơ xung đột vũ trang lớn tại Libya.
Theo giới phân tích, về mặt chiến lược, việc tiến chiếm thành phố Sirte có thể mở ra cánh cổng cho các lực lượng thân GNA tiến quân sâu hơn về phía Đông Libya, tiềm tàng khả năng chiếm giữ và kiểm soát các cơ sở khai thác dầu mỏ lớn, các tuyến ống dẫn dầu quan trọng không chỉ mang lại nguồn thu tài chính lớn mà còn mở ra hướng hợp tác khu vực Đông Địa Trung Hải mà chính quyền GNA đã có ký kết thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ và một số đồng minh.
Nếu quân GNA đánh chiếm Sirte, không chỉ Ai Cập can thiệp quân sự trực tiếp mà khả năng còn lôi kéo cả những đồng minh thân cận ủng hộ tướng Haftar tham gia vào cuộc chiến quy mô lớn.
Bên phía ủng hộ tướng Haftar có UAE, Ai Cập, Jordan, Saudi Arabia, thậm chí cả Nga, Pháp; trong khi bên phía GNA sẽ bao gồm Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ, Italy, có thể cả Anh, Mỹ. Sự can thiệp của các cường quốc lớn trong khu vực và quốc tế sẽ biến Libya thành một cuộc “chiến tranh thế giới” thu nhỏ, một Syria thứ hai với quy mô lớn hơn rất nhiều lần.