Giáo dục trẻ từ xưa đế nay luôn là một đề tài nóng được những người làm cha mẹ hết sức quan tâm. Hy vọng con trẻ sau này trưởng thành, thành công là mong muốn, là khát vọng chung của mọi phụ huynh.
Cũng bởi mong muốn này, họ luôn cố gắng, nỗ lực hết mình để tạo cho con những nền tảng vững chắc nhất về mọi mặt để phát triển bền vững.
Trong vô số cách dạy dỗ, bảo ban con trẻ được chia sẻ bằng nhiều hình thức khác nhau như hiện nay, nội dung bài viết "Trước khi đi ngủ, ngày nào mẹ cũng kiên trì nói với con 2 câu này, không sớm thì muộn trẻ sẽ cảm ơn bạn!" được đăng tải trên nhiều trang báo của Trung Quốc thời gian gần đây cũng có một giá trị nhất định.
Trong bài viết này, tác giả đã chia sẻ những kinh nghiệm có thật từ một người bạn đến tất cả những người đang làm cha mẹ. Chúng ta hãy cùng đọc, ngẫm, kiên trì thực hiện và kiểm định hiệu quả của biện pháp này xem sao.
Nội dung bài viết như sau:
Bạn tôi – Na Na có một cô con gái 6 tuổi. Sau khi sinh con, cô nghỉ hẳn việc ở nhà để có thể toàn tâm, toàn ý chăm sóc con. Cho đến khi cô bé đi mẫu giáo, Na Na mới trở lại làm việc, dốc sức kiếm tiền để lo cho con sau này.
Con của bạn tôi rất ngoan. Cô bé có thể tự làm mọi việc trong khả năng của một đứa trẻ như tự mặc quần áo, tự ăn cơm… Các cô giáo ở trường cũng thường xuyên dành lời khen cho bé.
Tuy nhiên có một thời điểm, Na Na cảm thấy hành vi của con gái có điều gì đó lạ lùng. Bạn tôi quyết định sẽ phải nói chuyện với con để tìm hiểu rốt cục đã xảy ra chuyện gì.
Ảnh minh họa.
Lúc đầu, bé không muốn nói nhưng sau bị mẹ hỏi dồn, bé mới kể cho mẹ nghe sự tình: Trong lớp, cô bé bị 3 bạn bắt nạt, thậm chí còn lấy bút chì chọc vào người.
Vội lật áo của con lên kiểm tra, bạn tôi phát hiện trên cánh tay con gái có vết hằn mờ. Trong khoảnh khắc ấy, Na Na suy sụp vì cảm thấy mình là một bà mẹ thất bại.
"Mặc dù hiện tại đang dốc sức làm việc để kiếm tiền lo cho tương lai của con nhưng bản thân mình là lơ là những tổn thương mà con đang phải đối mặt, vậy thì sự nỗ lực của bản thân đâu còn ý nghĩa gì nữa?" – Na Na chia sẻ.
Kể từ lúc đó, bạn tôi thay đổi cách cô giao lưu với con gái – trước khi đi ngủ, ngày nào hai mẹ con cũng nói chuyện và có 2 câu hỏi, không ngày nào Na Na quên hỏi con, đó là:
1. Hôm nay ở trường con có chuyện gì vui không? Kể cho mẹ nghe với, được không?
Có những đứa trẻ "ngoan" hoặc "sợ mẹ giận", khi bị bạn bè bắt nạt ở trường, các bé thường có tâm lý giấu chặt trong lòng không dám nói ra.
Tuy nhiên, vì còn là trẻ con nên các bé không thể khống chế được cảm xúc của mình.
Thế nên mục đích chính của câu hỏi này không phải là để bố mẹ nghe con trả lời mà quan trọng hơn là từ cách bé trả lời, bố mẹ có thể quan sát xem biểu cảm trên nét mặt trẻ có thay đổi hay không.
Nếu trẻ nhỏ thực sự bị ấm ức, nét mặt của bé sẽ lập tức có biểu hiện rất lạ. Khi đó, mẹ cần chú ý và kịp thời giải tỏa những kìm nén trong lòng bé.
Hãy hỏi và quan sát thái độ của con, điều đó sẽ giúp phụ huynh nắm bắt được tâm lý của trẻ và can thiệp kịp thời nếu bé thực sự đang gặp vấn đề.
Nếu trẻ không gặp khó khăn gì, câu hỏi dưới đây sẽ giúp các bé tự tổng kết được "thu hoạch" của bản thân.
2. Hôm nay ở trường con đã học được những gì?
Giả sử trẻ không gặp phải bất cứ ấm ức hay khó khăn gì khi đi học, câu hỏi này sẽ giúp các bé tự tổng kết được "thu hoạch" của bản thân trong một ngày.
Làm như vậy, trẻ có thể tổng kết lại các sự việc, hình thành nên "kinh nghiệm" cho chính các bé. Nếu không, thứ mà các bé đã trải qua trong một ngày chỉ dừng lại ở mức "trải nghiệm" mà thôi. Và như thế, trẻ sẽ khó có thể rút ra bài học cho mình, cũng không thể cố định lại kiến thức trong đầu.
Tịnh chung lại, hướng dẫn trẻ học cách tổng kết là cách có thể giúp trẻ ngày càng tự tin, mạnh mẽ, giúp trẻ tự xử lý được những việc trong khả năng một cách độc lập. Khi đó, người làm cha mẹ có thể yên tâm, mới hoàn toàn tin tưởng khi con nói "không sao đâu"!