Vẫy taxi, vừa lên xe được vài phút, tài xế đột ngột đỗ xe vào bên đường, cất giọng run run: "Cô ơi, cô đợi tôi một chút được không, tôi vẫn chưa ăn cơm tối, tôi bị bệnh tiểu đường…"
Nói xong, người lái xe vội vã chạy ra ra phía sau xe, mở chiếc hộp lấy ra một cái bánh mỳ khô, vội vã nuốt thật nhanh vào bụng.
Cạnh chỗ đỗ xe có một sạp báo, tôi mua một bình nước đưa cho anh ta. Nhìn nét mặt người lái xe, tôi thấy trên đó hiện rõ hai chữ ngạc nhiên, ánh mắt long lanh.
Khi đó trong đầu tôi chỉ có một suy nghĩ: Người đàn ông này là bố của ai, là chồng của ai?
Xuýt chút nữa, tôi đã khóc. Đó hoàn toàn là sự thật, bởi nhiều năm trước, bố tôi – một người lái xe taxi cũng đã trải qua một việc hệt như thế này.
Hồi đó, điều kiện kinh tế gia đình tôi không khá giả cho lắm. Bố tôi vì muốn kiếm thêm tiền để gánh vác gia đình nên làm việc rất cực nhọc.
Chỉ 3 phút, bố tôi đã ăn xong một suất cơm hộp và hầu như ông chẳng bao giờ được ăn cơm đúng giờ. Thường thì ông đều tranh thủ những lúc chờ đèn đỏ để ăn tạm vài miếng bánh mỳ, bánh bao.
Cứ như vậy trong khoảng thời gian dài, bố tôi mắc chứng loét dạ dày.
Có một hôm, bố tôi thở không ra hơi trở về nhà lúc chạng vạng sáng, gương mặt xanh nhợt nhưng khi nhắc đến hai vị khách cuối cùng mà bố tôi chở đêm qua, ông đã xúc động đến rơi nước mắt.
Thực ra cả tối hôm trước, bố tôi bị cơn đau dạ dày hành hạ, uống thuốc cũng không thuyên giảm. Cậy có sức khỏe tốt, bố tôi cứ gắng gượng chịu đau để tiếp tục làm việc.
Thế nhưng chưa đưa được hai vị khách cuối cùng hôm đó đến điểm cần đến, bố tôi không cố thêm được nữa, đành phải đỗ xe vào bên đường, xin lỗi họ và nhờ họ bắt xe khác.
Cặp đôi tình nhân đó dường như phát hiện ra điều bất thường nên sau khi xuống xe đã không bỏ đi ngay.
Ngày đó điện thoại còn chưa phổ biến như bây giờ nên việc gọi điện cho người nhà hay bệnh viện đều rất bất tiện. Bố tôi tay run lập cập xé gói thuốc và cho cả vào miệng, nuốt khô và gục xuống vô lăng, thở dốc đợi cơn đau qua đi.
Thế nhưng gói thuốc chẳng mang lại hiệu quả như kỳ vọng của ông. Khi cơn buồn nôn ập đến, bố tôi vội vã đẩy cửa xe, bò trên mặt đất nôn hết sạch mọi thứ có trong dạ dày.
Ông dường như cảm thấy mình rất không ổn. Hai vị khách kia thấy bố tôi như vậy thì chạy lại đỡ ông nên và hỏi có cần đến bệnh viện.
Bố tôi khi đó đau đến mức không thể nói thành lời. Họ quyết định người cõng người đỡ, mang thẳng bố tôi vào bệnh viện (may mắn là bệnh viện cách chỗ đó không xa).
Sau khi được tiêm thuốc, cơn đau giảm dần, bố tôi mới phát hiện thức ăn do ông nôn ra đã dính cả vào người hai vị khách. Thế nhưng cô gái trẻ tốt bụng vẫn mua cho bố tôi một bình sữa nóng để khi nào ông uống thuốc thì dùng.
Bố tôi vội trả tiền nhưng nói thế nào họ cũng không nhận và nói rằng coi như đó là tiền ngồi xe. Trước khi đi, họ cũng nhất định không để lại phương thức liên lạc hay danh tính.
Tấm lòng lương thiện, sự chân thành là vô giá. Ảnh minh họa.
Sự việc này đã qua rất lâu, rất lâu rồi nhưng mỗi lần bố tôi nhắc lại, giọng vẫn rất xúc động và ấm áp: "Người tốt nhất định sẽ nhận được báo đáp tử tế!"
Cách đây vài năm, tôi đại diện cho bệnh viện đến một viện dưỡng lão bàn về việc hợp tác khám sức khỏe cho các cụ già. Người quản lý ở đó cố tình làm khó, đưa ra các điều kiện hết sức hà khắc, đồng thời ám thị đòi hỏi phải có tiền bồi dưỡng riêng.
Tôi vốn đã nghĩ đến việc bỏ qua, không làm nữa nhưng bất chợt lại nghĩ đến việc của bố năm nào, tôi lại động viên bản thân cố thêm một lần nữa, không được thì coi như thôi.
Sau khi vào viện dưỡng lão, người quản lý không ở đó, trong sân chỉ cỏ một ông lão đang quét dọn. Tôi đành chọn một chỗ ngồi xuống, vừa đợi vừa nói chuyện với người đàn ông cao tuổi.
Ông lão ho dữ quá, tôi nhìn thấy vậy mà không kìm được lòng, liền đưa cho ông cốc trà của ông và giúp ông vỗ lưng một lúc cho đờm long ra.
Khi đó, tôi mặc một chiếc váy sáng màu. Trong lúc đưa cốc trà qua lại, vài giọt nước trà xanh bắn vào váy của tôi. Ông lão thấy vậy vội luôn miệng xin lỗi, nhưng tôi không vì chuyện này mà bận tâm.
Khi cơn ho đã dịu đi, ông lão bắt đầu hỏi tôi đến viện làm gì. Tôi trả lời có một nghiệp vụ cần bàn bạc nhưng e rằng khó thành công.
Nhìn ông lão nhấp từng ngụm trà nóng, bất giác tôi nhớ đến người ông ngoại đã qua đời vì bệnh ung thư thực quản của mình. Lúc còn sống, ông cũng thích dùng bình giữ nhiệt uống nước nóng.
Bất chợt, lòng trắc ẩn nhắc tôi phải nói với ông lão đừng dùng bình giữ nhiệt ngâm trà, uống nước nóng quá sẽ không tốt cho thực quản. Tôi cũng vận dụng kinh nghiệm của một bác sĩ phổ cập cho ông một số kiến thức giữ sức khỏe phổ biến.
Nói chuyện một hồi, vị quản lý kia cũng về. Thấy tôi và ông lão quét sân ngồi nói chuyện, người đó không ngờ tiến lại và cúi người chào: "Tổng giám đốc Trần!"
Trong tích tắc, tôi đờ người!
Không ngờ thần tăng quét sân trong phim truyền hình có thể xuất hiện giữa đời thực như vậy!
Sự việc về sau như thế nào, tôi cũng không cần nói nhiều nữa. Lần đó, không chỉ hoàn thành nhiệm vụ, tôi còn ký thêm được nhiều hợp đồng với các khách sạn do ông Trần đầu tư. Cũng kể từ lần đó, chúng tôi duy trì quan hệ hợp tác rất ăn ý.
Cơ hội luôn khảo nghiệm sự chân thành của người ta vào lúc ta không ngờ nhất.
Một câu chuyện tương tự
Sa mạc Sahara trong một thời gian rất dài được mệnh danh là vùng đất chết, phàm là người dấn thân vào hoang mạc đều không thoát được kiếp có đi không có về.
Vào năm 1814, một đoàn khảo cổ đã đạp tan "lời nguyền" nói trên.
Khi đó, ở bất cứ nơi nào trên sa mạc cũng có thể nhìn thấy xương người.
Trưởng đoàn đã đề nghị mọi người dựng lại, chọn những nơi đất cao để đào hố sau đó đưa xương người xuống đó chôn và dùng thân cây hoặc đá để làm tạm một chiếc bia mộ đơn giản.
Tuy nhiên, xương người trong sa mạc quá nhiều nên việc chôn cất đã chiếm một khoảng thời gian quá lớn. Các thành viên trong đoàn oán thán: "Chúng ta đến đây làm công tác nghiên cứu khảo cổ, đâu có phải đến đây để thu dọn xương người."
Vị đội trưởng cố chấp nói: "Mỗi đống xương trắng đều từng là đồng nghiệp của chúng ta, chúng ta làm sao có thể nhẫn tâm để họ phơi xương nơi hoang dã như thế này?"
Một tuần sau đó, đoàn khảo cổ phát hiện được rát nhiều di chỉ của người cổ đại và những văn vật đủ sức nặng để gây chấn động trên toàn thế giới.
Khi họ rời đi, bão cát bỗng nổi lên, liên tục trong vài ngày liền không một ai có thể nhìn thấy mặt trời.
Tiếp đó, la bàn cũng hỏng. Đoàn khảo cổ hoàn toàn bị mất phương hướng, nước uống và lương thực cạn dần, họ mới biết tại sao các đồng nghiệp của họ không thể trở về.
Trong lúc nguy nan, vị trưởng đoàn đột nhiên nói: "Đừng vội tuyệt vọng, khi đến đây, chúng ta đã đánh dấu đường rồi!"
Và thế là họ men theo những bia mộ đã lập lúc trước trên đường mà tìm được đường ra khỏi sa mạc.
Về sau, khi trả lời phỏng vấn của báo chí, các thành viên của đoàn khảo cổ đều cảm động nói rằng: "Lương thiện đã giúp chúng tôi thoát khỏi sa mạc khi đó!"
Không sai, trong sa mạc mênh mông, sự lương thiện đã thôi thúc họ làm một việc nhân văn và chính công việc đó vô tình là mở ra lối thoát duy nhất cho cả đoàn tìm được đường về.
Trong suốt cuộc đời mỗi con người, lương thiện cũng chính là chiếc kim chỉ nam trong tim mỗi con người, giúp chúng ta nhìn thật rõ nội tâm của chính mình, vĩnh viễn không bao giờ bị nhầm đường lạc lối.
Tôi bắt đầu cho rằng, thiện là thứ tình cảm có thể nói là mềm mại nhưng cũng giàu sức mạnh nhất tiềm ẩn trong nhân tính của con người. Bất kể gian nan thế nào, chúng ta cũng nên kiên trì tấm lòng lương thiện; bất kể cô độc ra sao, chúng ta cũng cần duy trì sự cao thượng của nhân cách.
Trên thế giới này, cuộc sống của mỗi người đều có những khó khăn riêng. Hy vọng rằng mỗi trường hợp bi thương sẽ đều nhận được những tấm lòng bao bọc, để tất cả mọi người đều được hưởng cái gọi là ấm áp tình người.