Câu chuyện 1: Cậu bé và chim bồ câu
Có một cậu bé 9 tuổi rất thích chim bồ câu, sáng nào cậu cũng ra quảng trường cho chim bồ câu ăn.
Dần dần, những con chim bồ câu đó đã trở nên quen thuộc với cậu bé. Mỗi khi cậu tới chơi, chúng sẽ bay đến chân cậu bé mà không có bất cứ sự cảnh giác hay nghi ngờ nào cả. Thậm chí, không ít chú chim dũng cảm còn bay lên, đậu trên vai và lòng bàn tay của cậu, để cậu được vuốt ve chúng thỏa thích.
Một ngày nọ, giáo viên mỹ thuật ở trường chuẩn bị cho lớp học vẽ động vật. Mô hình đầu tiên của họ là một chú chim bồ câu.
Cậu bé nói: “Con có thể mang một con chim bồ câu thật đến lớp cho mọi người vẽ cũng được, nhất định sẽ đẹp hơn nhiều!”
Giáo viên và các bạn đều vô cùng tò mò, họ hứng khởi không biết cậu có làm được hay không.
Thế là, ngày hôm sau, cậu tới quảng trường từ sớm. Ngay khi các chú bồ câu vui vẻ tới gần, cậu đã bắt lấy một con ở gần mình nhất, rồi nhét nó vào lồng, mang tới lớp.
Suốt cả buổi mỹ thuật đó, ai cũng khen cậu thật tài giỏi. Các học sinh cũng rất vui vẻ tới gần ngắm nghía bồ câu cẩn thận.
Sau hôm đó, cậu trở lại quảng trường và thả chú chim bồ câu ra. Nhưng lạ một nỗi, cả đàn bồ câu bắt đầu nhìn chằm chằm cậu với vẻ kinh hoàng. Ngay khi cậu có ý định đến gần bất kỳ con chim bồ câu nào, tất cả đều đồng loạt vỗ cánh bay đi chỗ khác.
Kể từ đó, cho dù cậu mang theo bao nhiêu thức ăn, không một con chim bồ câu nào chịu bay đến chơi với cậu nữa.
Bài học nhận ra:
Chỉ cần bị phản bội niềm tin một lần, bạn bè thân thiết đến mấy cũng sẽ mất lòng tin. Trong cuộc sống, cho dù đó là mối quan hệ kiểu gì, tình thân hay tình yêu, hay thân bằng bạn hữu, đều không có chỗ cho sự dối lừa.
Một ý định phản bội, một suy nghĩ lợi dụng, một hành động toan tính cũng có thể tạo ra khoảng cách không thể hàn gắn. Cho nên mới nói, lòng tin là một vật báu vô giá, một khi đã mất đi thì không gì có thể đánh đổi được.
Câu chuyện hai: Người phụ nữ ghen tuông hỏi thiền sư
Một người vợ hay ghen tuông đến gặp thiền sư và giãi bày với thiền sư về sự đau khổ của mình.
Người phụ nữ cho biết: "Nhiều năm nay, tôi vẫn luôn nghi ngờ chồng mình đang ngoại tình bên ngoài. Tuy nhiên, bao nhiêu năm trôi qua, tôi vẫn không thể tìm ra bằng chứng chứng minh điều đó. Vì vậy, tôi luôn cảm thấy bất an mỗi ngày".
Thiền sư hỏi: "Tại sao bà lại nghi ngờ chồng mình?"
Người phụ nữ cho biết: "Ngay từ trước khi kết hôn cùng chồng, anh ấy là một kẻ nghèo hèn, không có chút gia sản nào cả. Tôi nhận thấy anh ấy là người có bản lĩnh và năng lực, nhân phẩm cũng rất tốt cho nên mới gật đầu đồng ý gả. Nhưng hôm nay, chồng tôi đã trở thành người thành đạt, sự nghiệp không ngừng phất lên. Anh ấy lại là người hào phóng, rộng lượng, nghiễm nhiên sẽ trở thành mục tiêu theo đuổi của nhiều phụ nữ. Nhưng năm tháng trôi qua, sức hấp dẫn của tôi đã giảm đi rất nhiều. "
Người phụ nữ tiếp tục kể khổ: “Một người phụ nữ tìm kiếm bạn đời cũng giống như mua cổ phiếu. Khi bạn mua phải cổ phiếu rác với giá thành rẻ, dù gì bạn cũng sẽ cảm thấy thất vọng uể oải; tuy nhiên, một khi bạn đầu tư vào những cổ phiếu chất lượng cao với giá thành lớn, bạn lại càng cảm thấy băn khoăn bất an. Xem ra, trên đời này chẳng có gì có thể tin tưởng hoàn toàn.”
Vị thiền sư suy nghĩ một lúc rồi chọn một quả táo trên bàn. Sau khi đưa nó cho người phụ nữ xem, vị thiền sư lấy một con dao và bắt đầu gọt táo.
Ông mới nói: “Đây là một quả táo trông thật ngon, nhưng tôi nghi ngờ rằng có sâu bọ trốn trong quả táo này.” Nói xong, vị thiền sư bắt đầu dùng dao gọt vào thịt quả theo từng vòng tròn.
Mỗi một vòng qua đi, quả táo lại càng nhỏ. Cuối cùng chỉ còn cái lõi trơ trọi mà không tìm ra con sâu nào.
Vị thiền sư lại lên tiếng: "Bà thấy đấy, tôi đã mất rất nhiều thời gian để tìm kiếm sâu bọ. Càng không tìm thấy chúng, tôi càng cảm thấy khó chịu, sau đó, tôi có gọt táo nhanh hơn. Đến cuối cùng thì sao?”
Người phụ nữ im lặng không đáp, chỉ nhìn cái lõi táo trơ trọi và vô số thịt táo bị tước bỏ.
Vị thiền sư mỉm cười hiền lành rồi thấm thía nói: “Bà xem, ban đầu, nó còn là một quả táo thật xinh đẹp. Chỉ vì tôi sinh lòng nghi ngờ, cứ cho rằng nó có chứa sâu bọ, tôi đã không ngừng bào mòn nó để chứng minh sự nghi ngờ của mình một cách vô lý.
Đến cuối cùng, tôi cũng chỉ có thể phát hiện ra rằng, đây thực sự là một quả táo rất ngon, không phát hiện bất cứ dấu vết bị sâu nào cả. Nhưng đợi đến khi chúng ta hiểu ra sự thật này thì bản thân quả táo đã biến mất, thứ duy nhất còn lại là một cái lõi trơ trọi, cùng với những giá trị đã bị lãng phí suốt thời gian qua. Bà nói đúng không?”
Bài học nhận ra:
Trên đời này, nếu có điều gì đáng sợ hơn nỗi đau, thì đó chính là sự nghi ngờ. Một khi đã có mầm mống của sự nghi ngờ được gieo vào trong suy nghĩ, dù là đi đâu, làm gì, gặp bất cứ ai, sự nghi ngờ này cũng sẽ nảy nở, ngày một sinh sôi và chiếm đoạt tâm trí của chúng ta.
Do đó, lúc nào chúng ta cũng sợ bóng sợ gió, cảnh giác và luôn nghi ngờ mọi chuyện, mọi người xung quanh.
Thiếu niềm tin tưởng vào người khác cũng là một cách gián tiếp chứng minh bạn không có niềm tin vào chính mình. Giống như người phụ nữ trong câu chuyện, vì cho rằng bản thân đã không còn sức hấp dẫn nữa nên luôn nghi ngờ chồng đi ngoại tình.
Đến sau cùng, chính lòng nghi ngờ đó sẽ khiến bạn rơi vào một vòng lặp luẩn quẩn, không thể thoát ra khỏi những lối suy nghĩ đầy tiêu cực. Tự bạn sẽ hủy hoại chính mình cũng như mọi người xung quanh với con đường tư duy như vậy.