Mục tiêu quyết định tương lai của một đứa trẻ. Là cha mẹ, chúng ta phải giúp con tìm ra mục tiêu ngay từ khi còn nhỏ và hướng dẫn chúng làm việc chăm chỉ vì mục tiêu của mình. Đó chính là thông điệp nhiều phụ huynh nhận ra sau khi theo dõi câu chuyện về hai anh em sinh đôi cùng đỗ vào Đại học Thanh Hoa (một trong những ngôi trường top đầu Trung Quốc và châu Á).
Hai anh em Đỗ Nhất Lang, Đỗ Hựu Lang đến từ Đức Hồng, Vân Nam (Trung Quốc). Người anh đạt 703 điểm trong kỳ thi tuyển sinh đại học, và em trai đạt 730 điểm. Cả hai đều đỗ Đại học Thanh Hoa. Đây thực sự là niềm mơ ước của nhiều bậc cha mẹ.
Hai anh em Đỗ Nhất Lang, Đỗ Hựu Lang (bên trái ảnh)
Tuy nhiên trên thực tế, đằng sau mọi đứa trẻ ưu tú đều có lý do. Trong các cuộc phỏng vấn, cha của cặp đôi đã hé lộ nguyên nhân con của ông đạt điểm số cao chỉ trong một câu nói.
Hóa ra vào năm 2013, người cha đã đưa hai anh em đến Bắc Kinh du lịch. Sau khi tham quan Đại học Thanh Hoa, hai anh em quyết tâm thi vào ngôi trường này. Ông bố nghĩ rằng con chỉ nói chuyện phiếm bình thường, không bao giờ nghĩ rằng trong 10 năm, từ lớp ba tiểu học đến cấp ba, hai con ông đã làm việc, học tập không mệt mỏi vì mục tiêu này. Và quả thực đến ngày hôm nay, các con đã đạt được ước mơ.
Điều này không khỏi làm nhiều người nhớ đến câu nói James Allen - một doanh nhân và triết gia nổi tiếng người Anh: "Động cơ của giấc mơ là hạt giống của thực tế - thành tựu vĩ đại nhất".
Sự kiên định của mục tiêu là gốc rễ của mọi nỗ lực, nó có thể ăn sâu vào mọi ngóc ngách trong cơ thể trẻ và gieo niềm tin, thôi thúc trẻ kiên trì và không ngừng tiến về phía trước.
Nói cách khác: Mục tiêu là chìa khóa thành công của trẻ. Những đứa trẻ có mục tiêu từ nhỏ có nhiều khả năng thành công hơn.
Trẻ em có và không có mục tiêu, khoảng cách lớn như thế nào?
Tác giả Lý Tiếu Lai (Trung Quốc) từng nói: "Đa số người trên thế giới này đều sẽ nhảy vào 3 cái hố sai lầm: Hóng chuyện, chạy theo số đông và lao tâm khổ tứ vì người khác". Những lý do quan trọng nhất tại sao họ làm điều này là: Không có mục tiêu rõ ràng cho riêng mình.
Một người kể trường hợp về anh họ của mình:
Thấy tất cả các bạn cùng lớp xung quanh mình đã đăng ký trường luyện thi, cậu ta cũng làm theo, nhưng không học hành chăm chỉ sau đó.
Khi phân chia phân ban ở trường trung học, thấy tất cả những người bạn giỏi của mình đều chọn các môn khoa học, cậu cũng chọn theo dù đó không phải là năng khiếu và thế mạnh của mình. Kết quả là cậu chỉ đỗ vào một trường cao đẳng ở địa phương.
Tốt nghiệp xong, thấy người khác mở siêu thị kiếm tiền, cậu cũng mở siêu thị. Sau mấy năm ngơ ngác, anh ta chẳng những làm ăn thất bát mà còn nợ nần chồng chất.
Một đứa trẻ không có mục tiêu trong tim thì dưới chân không có phương hướng. Một cuộc sống không có phương hướng sẽ lãng phí thời gian, năng lượng, và cuối cùng chẳng đạt được gì. Ngược lại, những đứa trẻ có mục tiêu sẽ như một mũi tên nhọn nhắm vào hồng tâm, dũng cảm tiến lên.
Mẹ của Đường Sở Nguyệt, học giả khoa học số một Vũ Hán năm 2020, từng chia sẻ những tâm sự của con gái mình 11 năm trước trong nhật ký: Điểm cao nhất trong kỳ thi tuyển sinh đại học là 720 điểm và điểm tối thiểu sẽ không thấp hơn 590 điểm.
Với hoài bão này, cô bé đặt mục tiêu, kế hoạch học tập rõ ràng cho bản thân và cố gắng hết sức để hoàn thành. Cuối cùng, Sở Nguyệt đã vào Đại học Bắc Kinh với số điểm 725 và hiện thực hóa ước mơ thuở nhỏ của mình.
Nhà văn Mỹ Henry David Thoreau đã từng nói: “Nếu một người dũng cảm và tự tin tiến về phía trước theo hướng ước mơ của mình, để thực hiện lý tưởng và cống hiến tất cả những gì có thể với khả năng tốt nhất, thì sự nghiệp của anh ta sẽ thành công”.
Con đường dẫn đến thành công được lát bằng các mục tiêu. Đó là động lực thôi thúc trẻ không ngừng theo đuổi, là điểm tựa chắp cánh cho những ước mơ của trẻ, là khởi đầu cho cuộc đời rộng mở của trẻ. Chỉ có hướng dẫn trẻ sớm xác định mục tiêu sống của bản thân thì trẻ mới có được tinh thần chiến đấu bất khuất, kiên trì hướng tới thành công.
Một chuyên gia từng thực hiện một cuộc khảo sát về mục tiêu cuộc sống và nhận thấy rằng: Chỉ 3% số người trên thế giới có thể có mục tiêu xác định và biết cách thực hiện chúng. 97% còn lại hoặc không có mục tiêu nào cả, hoặc mục tiêu không rõ ràng, hoặc họ không biết cách đạt được chúng.
Mười năm sau, ông tiến hành một cuộc khảo sát khác về những người này và nhận thấy:
Hóa ra 3% những người có mục tiêu đã đạt được thành công đáng kể trong lĩnh vực tương ứng của họ. Và 97% người ngoài việc già thêm chục tuổi thì hầu như không cải thiện được gì về công việc, cuộc sống, thành tích cá nhân.
Cha mẹ phải giúp trẻ học cách đặt mục tiêu
1. Giúp con bạn đặt mục tiêu dài hạn rõ ràng và mạnh mẽ
Nhà tâm lý học Cooper Smith đã từng tiến hành một thí nghiệm tâm lý rất nổi tiếng. Ông cùng cộng sự thiết lập hai mục tiêu: Xa và gần rồi yêu cầu những đứa trẻ tham gia tự do lựa chọn mục tiêu để bắn. Họ cũng khuyến khích các em dự đoán điểm của mình. Kết quả khá bất ngờ: Những đứa trẻ ban đầu chọn mục tiêu ở xa cuối cùng lại đạt điểm cao hơn chúng nghĩ. Ngược lại, hầu hết các em chọn mục tiêu gần đều không đạt điểm như kỳ vọng trước đó.
Nhà văn Charles nói: "Với những mục tiêu dài hạn, bạn sẽ không nản lòng trước những thất bại tạm thời". Các mục tiêu dài hạn rõ ràng có thể mang lại cho trẻ động lực lâu dài, kỷ luật tự giác mạnh mẽ hơn và khả năng chống lại nghịch cảnh trở nên can đảm hơn khi chúng cảm thấy thất vọng.
Trẻ em không có mục tiêu dễ bị chểnh mảng hoặc mất động lực do những thất bại. Vì vậy, chúng ta phải giúp trẻ thiết lập một mục tiêu dài hạn rõ ràng, để trẻ có thể biết rõ ràng mình muốn trở thành người như thế nào và muốn có cuộc sống như thế nào.
2. Đừng giới hạn mục tiêu học tập của con bạn
Nếu quan sát kỹ, chúng ta sẽ thấy xung quanh chúng ta có rất nhiều đứa trẻ như vậy: Một số em không quan tâm đến việc học và chỉ muốn chơi hàng ngày. Một số chỉ muốn đạt điểm cao trong kỳ thi và vào một trường tốt, ngoài ra, họ không có quá nhiều sở thích và sự tò mò khám phá. Cũng có một số em điểm trên trung bình nhưng bị ép học từ nhỏ, áp lực học hành nặng nề, lâu lâu lại cảm thấy chán nản, thậm chí có xu hướng trầm cảm.
Sau kỳ thi đại học, những em này sẽ dễ rơi vào vòng xoáy của "căn bệnh rỗng tuếch" và trở thành kẻ ba không: Không hứng thú, không mục đích, không động lực.
Nhà tâm lý học William Damon đã nói trong cuốn sách "A Sense of Purpose": "Mục tiêu của một đứa trẻ không nên bị giới hạn trong một inch vuông (2,45 cm vuông). Thi đỗ và được nhận vào trường danh tiếng, những mục tiêu ngắn hạn này là phương tiện để đạt được những mục tiêu quan trọng hơn chứ không phải "mối quan tâm cuối cùng", không phải mục tiêu thực sự".
Hứng thú là nguồn động lực và là tiền đề cho ý thức về mục đích của trẻ. Chỉ bằng cách giúp trẻ khám phá và hiểu rõ bản thân, chúng ta mới có thể giúp con vạch ra mục tiêu cuộc đời và tìm thấy ý nghĩa lâu dài.
Tuy nhiên, trẻ con khó tránh khỏi có những lúc ý chí đi xuống, khả năng tự chủ kém. Nếu muốn giúp trẻ thực hiện ước mơ của mình, chúng ta phải giúp trẻ học cách kiên trì. Đằng sau mỗi đứa trẻ thực hiện tới cùng ước mơ của mình, có những bậc cha mẹ tuyệt vời và đầy quyết liệt.
Chỉ bằng cách nuôi dưỡng ý thức về mục đích của trẻ ngay từ khi còn nhỏ và cùng trẻ học cách kiên trì, trẻ mới có cơ hội đạt đến đỉnh cao của cuộc sống. Đây chính là thành công lớn nhất của cha mẹ và là món quà tuyệt vời nhất của cuộc đời mà cha mẹ có thể dành tặng cho con cái.