12 quả tên lửa, 20 UAV: Cơn thịnh nộ Mỹ đã bị kích hoạt, Iran sẽ hứng "mưa bom bão đạn"?

Anh Tú |

Theo tiết lộ mới nhất thì Mỹ đã xác định được vị trí trên lãnh thổ Iran để từ đó các tên lửa hành trình và UAV được phóng đi để tấn công 2 cơ sở lọc dầu của Saudi Arabia.

Những tuyên bố mạnh mẽ

Mặc dù Tổng thống Donald Trump chưa chính thức lên tiếng cáo buộc Iran nhưng các quan chức cấp cao nước này đã đổ lỗi cho Tehran đứng đằng sau vụ tấn công vào hai cơ sở dầu lửa trọng yếu của Saudi Arabia hôm 14/9 vừa qua khiến sản lượng dầu thô của thế giới sụt giảm 5% gây ra những tác động to lớn tới nền kinh tế toàn cầu.

Phát biểu trên kênh truyền hình ABC, một quan chức cấp cao chính phủ Mỹ nói rằng Iran đã phóng gần 12 quả tên lửa hành trình và hơn 20 máy bay không người lái từ lãnh thổ của mình để tấn công các cơ sở dầu lửa Saudi Arabia.

Theo tiết lộ mới nhất từ hãng tin BBC thì Mỹ đã xác định được vị trí trên lãnh thổ Iran để từ đó các tên lửa hành trình và UAV được phóng đi để tập kích vào 2 cơ sở lọc dầu của Saudi Arabia.

Cụ thể, đây là những địa điểm nằm ở miền Nam Iran, thuộc phần cực Bắc Vịnh Ba Tư. Các hệ thống phòng không của Saudi Arabia đã không đánh chặn số tên lửa và UAV này bởi khi đó chúng đang hướng sự theo dõi về phía Nam để ngăn chặn các cuộc tấn công từ Yemen.

Iran phủ nhận sự can dự của mình tới các cuộc tấn công ngày 14/9 vừa qua nhưng lực lượng vũ trang Houthi do Tehran hậu thuẫn đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ việc.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper gọi đây là một vụ tấn công "chưa từng có tiền lệ", đồng thời tuyên bố Mỹ sẽ hợp tác chặt chẽ với các quốc gia đồng minh và bạn bè để "bảo vệ trật tự dựa trên luật pháp quốc tế đang bị Iran làm suy yếu".

Chia sẻ trên kênh truyền hình CBS, một quan chức cấp cao Mỹ cho biết, một đội công tác đặc biệt của Mỹ đã có mặt tại hiện trường ở Abqaiq để xác định danh tính các tên lửa và UAV được sử dụng trong vụ tấn công. Các mảnh vỡ của chúng sẽ được phân tích và sử dụng để làm bằng chứng cho thấy rằng Iran chính là bên phải chịu trách nhiệm về vụ việc.

Trong khi đó, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cũng tuyên bố mạnh mẽ rằng Washington đang xem xét tất cả các bằng chứng và sẽ "tiến hành bất cứ hành động gì cần thiết để bảo vệ đất nước, binh lính và các đồng minh trong khu vực".

12 quả tên lửa, 20 UAV: Cơn thịnh nộ Mỹ đã bị kích hoạt, Iran sẽ hứng mưa bom bão đạn? - Ảnh 1.

Vệ tinh của chính phủ Mỹ cho thấy thiệt hại tại cơ sở lọc dầu lớn nhất thế giới ở Saudi Arabia

Mọi ánh mắt nghi ngờ đều đổ dồn về phía Iran

Thông tin về những loại vũ khí đã được phong trào vũ trang Houthi do Iran hậu thuẫn sử dụng cũng như địa điểm chúng được phóng đi hiện vẫn còn gây tranh cãi. Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tiên Houthi sử dụng tên lửa hành trình hay máy bay không người lái (UAV) để tấn công các mục tiêu dân sự của Saudi Arabia.

Suốt 4 năm vừa qua, lực lượng Houthi ở Yemen đã kết hợp sử dụng nhiều loại tên lửa và UAV thu giữ được từ quân đội Yemen và dựa vào các bằng chứng từ số vũ khí bị bắn hạ, người ta thấy được gốc tích của chúng có xuất xứ từ Iran.

Các cuộc tấn công bằng tên lửa của Houthi, thường là sử dụng tên lửa đạn đạo tầm ngắn Scud của Liên Xô cũ và các bản sao Scud do Iran cải tiến, đã thu hút sự chú ý của giới truyền thông trong quá khứ.

12 quả tên lửa, 20 UAV: Cơn thịnh nộ Mỹ đã bị kích hoạt, Iran sẽ hứng mưa bom bão đạn? - Ảnh 2.

Houthi tuyên bố tự chế tạo được UAV Qaseth năm 2017

Sau vụ tấn công vào sân bay Riyadh của Saudi Arabia năm 2017, các quan chức Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ cáo buộc Iran vi phạm lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với việc xuất khẩu công nghệ tên lửa đạn đạo bằng cách trưng bày những mảnh vỡ tên lửa và máy bay không người lái được sử dụng trong các cuộc tấn công.

Đáng chú ý là tại sự kiện được cho là để tung ra bằng chứng tổ chức tại Căn cứ Không quân Anacostia-Bolling ở Washington DC tháng 12/2017, Mỹ còn chỉ rõ những UAV do Iran chế tạo mà Houthi sử dụng.

Trong số này có máy bay không người lái Qaseth-1 (Striker-1), một phiên bản phát triển từ dòng UAV Abave-2 của Iran và được Tehran sản xuất từ ​​cuối những năm 1980. Loại UAV cũng từng được Hezbollah vận hành dưới tên gọi Mirsad-1 cho đến năm 2018.

12 quả tên lửa, 20 UAV: Cơn thịnh nộ Mỹ đã bị kích hoạt, Iran sẽ hứng mưa bom bão đạn? - Ảnh 3.

Các bộ phận của UAV Qaseth rất giống với những thiết bị sử dụng trên loạt máy bay không người lái Ababil của Iran

Theo phân tích của Tổ chức Conflict Armament Research, Qaseth-1 đã được Houthi sử dụng ít nhất là từ năm 2017, gồm cả các cuộc tấn công nhằm vào các hệ thống radar trang bị cho tổ hợp tên lửa Patriot của Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).

Đây là những máy bay không người lái "sát thủ" bay theo lộ trình đã được lập trình sẵn và dẫn đường bằng GPS dựa trên nguồn thông tin mở trước khi chúng tiếp cận tọa độ mục tiêu rồi khai hỏa.

Các UAV này sử dụng động cơ hai xi-lanh do Trung Quốc chế tạo và có tầm hoạt động một chiều lên đến 250 km. Qaseth-1 có thể mang được trọng tải khoảng 30 kg, tương đương với một quả bom ​​đường kính nhỏ hoặc tên lửa không đối đất cỡ nhỏ nên rất hiệu quả trong việc chống lại các mục tiêu nhỏ hơn.

Tháng 2/2017, Houthi đã trưng bày Qaseth-1 cùng với 3 loại máy bay không người lái khác mà lực lượng này tuyên bố là do họ tự sản xuất. Nhưng các bộ phận của UAV Qaseth bị thu giữ cho thấy ngoài các động cơ của Trung Quốc thì chúng đều có nguồn gốc từ Iran.

Houthi cũng đã từng sử dụng tên lửa hành trình trong quá khứ, trong đó có cuộc tấn công vào sân bay Abha của Saudi Arabia vào tháng 6/2019 khiến 26 dân thường bị thương.

Dựa trên những hình ảnh chụp được thì có thể thấy các tên lửa dường như là bản sao của tên lửa hành trình phóng từ trên không KH-55 thời Liên Xô được cải tiến để phóng từ mặt đất. Iran đã thu được 12 tên lửa hành trình KH-55 từ Ukraine vào năm 2001.

Houthi cũng tiết lộ về các tên lửa hành trình mới vào tháng 7 vừa qua và tuyên bố sở hữu cả máy bay không người lái tầm xa mới.

Không giống như Qaseth-1, phiên bản KH-55 mà Iran bắt chước có thể đạt tầm bắn lên tới 2.500 km. Điều đó cho phép, từ lãnh thổ Yemen, Houthi đủ khả năng tấn công các mục tiêu ở xa như Israel và hầu hết địa bàn ở phía Đông châu Phi.

Tháng 12/2017, Houthi tuyên bố đã tấn công một nhà máy điện hạt nhân của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất bằng một tên lửa hành trình nhưng UAE phủ nhận điều này.

Như vậy, bất kể bên nào đã phát động cuộc tấn công vào các cơ sở dầu lửa của công ty Aramco hay chúng đã sử dụng phương tiện gì thì tất cả các bằng chứng dường như đều cho thấy các vũ khí cho phép thực hiện những đòn tấn công chính xác đều đến từ Iran.

Tổng thống Donald Trump ngày 17/9 cho biết, ông không muốn xảy ra một cuộc chiến tranh với "bất cứ ai" nhưng những diễn biến gay cấn gần đây cùng với các phát biểu cứng rắn từ các quan chức cấp cao Mỹ liên quan tới Iran cho thấy rằng "thùng thuốc súng" Trung Đông đang đứng trước nguy cơ có thể phát nổ bất cứ lúc nào.

Abqaiq sở hữu nhà máy lọc dầu lớn nhất thế giới

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại