12 dự án thua lỗ ngành Công Thương: Tổng dư nợ giảm thêm 124 tỷ đồng

Nguyễn Thảo |

Ông Dương Duy Hưng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Công Thương cho biết, sau 2 năm, tổng dư nợ của 12 dự án thua lỗ của ngành Công Thương đều giảm, đến thời điểm hiện tại, đã giảm thêm 124 tỷ so với đầu năm 2018.

Thông tin tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 17/10 về tình hình xử lý 12 dự án thua lỗ của ngành Công Thương, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Dương Duy Hưng cho biết, đến nay, các dự án đều có chuyển biến tích cực.

Theo đó, đã có 2 nhà máy từng bước hoạt động hiệu quả (trong 8 tháng đầu năm 2018, Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng đã có lãi 147,68 tỷ đồng và Nhà máy Thép Việt - Trung có lãi 527,2). Sau 2 năm, tổng dư nợ của 12 dự án đều giảm, đến thời điểm hiện tại, đã giảm thêm 124 tỷ so với đầu năm 2018.

Vụ trưởng Vụ Kế hoạch cũng cho biết, quan trọng hơn là các dự án này đã hoạt động ổn định, đi vào nề nếp. Ông cũng kỳ vọng, đến năm 2020 xử lý dứt điểm được các dự án thua lỗ theo đúng lộ trình Chính phủ đã đề ra.

Cũng theo Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, 12 dự án này, các vấn đề khó khăn vướng mắc rất nhiều (bởi vì có dự án kéo dài hơn chục năm), trong đó đặc biệt là vấn đề liên quan tới việc xử lý các tranh chấp tại các hợp đồng EPC.

Tuy nhiên, nhờ sự vào cuộc sát sao của Chính phủ, các Bộ, ngành, 12 dự án yếu kém từng bước được cải thiện, bên cạnh đó, còn xử lý được các vấn đề liên quan đến môi trường, an sinh xã hội... tạo tiền đề để xử lý hiệu quả các vấn đề còn tồn đọng, yếu kém.

12 dự án thua lỗ của Bộ Công Thương gồm Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình, nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc, nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng và DAP số 2 - Lào Cai, Nhà máy nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi, nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ và nhà máy nhiên liệu sinh học ở Bình Phước, Nhà máy thép Việt Trung và dự án mở rộng giai đoạn 2 nhà máy Gang thép Thái Nguyên, Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ (PVTex), Công ty TNHH Một thành viên Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS), Nhà máy sản xuất bột giấy Phương Nam.

Thống kê của Bộ Công Thương trước đó cho thấy, tổng mức đầu tư ban đầu của 12 Dự án trên là: 43.673,63 tỷ đồng, và sau đó được phê duyệt điều chỉnh tăng lên: 63.610,96 tỷ đồng (tăng 45,65%). Trong đó: Vốn chủ sở hữu là: 14.350,04 tỷ đồng, chiếm 22,56%; vốn vay là: 47.451,24 tỷ đồng, chiếm 74,6%; còn lại 2,84% là từ các nguồn khác.

Trong tổng số vốn vay: Vốn vay các ngân hàng trong nước: 41.801,24 tỷ đồng, trong đó vay Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB) là: 16.858,63 tỷ đồng và vay nước ngoài có bảo lãnh của Chính phủ là: 6.617,24 tỷ đồng.

Tổng số lỗ luỹ kế của 10 nhà máy đang sản xuất hoặc đã dừng sản xuất tới thời điểm 31 tháng 12 năm 2016 là 16.126,02 tỷ đồng, trên tổng số vốn chủ sở hữu của các nhà máy này còn lại là: 3.985,14 tỷ đồng; Tổng tài sản của 12 nhà máy là 57.679,02 tỷ đồng; Tổng nợ phải trả là: 55.063,38 tỷ đồng.

Trong đó, nợ phải trả VDB là: 10.633,43 tỷ đồng và nợ phải trả nước ngoài có bảo lãnh của Chính phủ là 4.299,83 tỷ đồng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại