Theo Shanghaiist, trước ngày khai mạc lễ hội thịt chó thường niên 21-6 năm nay tại địa khu Ngọc Lâm, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, các nhà bảo vệ động vật đã thu thập được 11 triệu chữ ký của những người ủng hộ vào đơn kiến nghị tập thể.
Lá đơn này đã được đệ trình lên văn phòng chính quyền Ngọc Lâm tại Bắc Kinh nhằm kêu gọi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ban hành lệnh cấm tổ chức lễ hội thịt chó tai tiếng.
Theo Tổ chức Nhân đạo quốc tế, mỗi năm Trung Quốc tiêu thụ 10.000 - 20.000 con chó, hầu hết đều là thú cưng bị bắt trộm hoặc đánh bẫy.
Trong đó, có một phần không nhỏ là lượng chó bị giết thịt trong lễ hội thịt chó ở Ngọc Lâm vào cuối tháng 6 hằng năm.
Ngay từ đầu năm nay, các tổ chức bảo vệ động vật trong nước và quốc tế đã tổ chức lấy chữ ký cho lá đơn kiến nghị tập thể.
Theo họ, việc cấm lễ hội thịt chó là cần thiết vì cả lý do đạo đức lẫn thực tiễn.
Bên cạnh việc phản đối hành vi dã man với vật nuôi, nhất là với chó vốn là loài vật thân thiết, trung thành với con người, đơn kiến nghị cũng chỉ ra những tổn thất về hình ảnh đất nước Trung Quốc trong mắt cộng đồng thế giới vì lễ hội này.
Có người còn nói vì lễ hội thịt chó mà Ngọc Lâm trở thành “nỗi nhục rất lớn của Trung Quốc”.
Ở một số vùng miền Trung Quốc, thịt chó được xem như các loại thịt gia cầm, vật nuôi khác. Những người ủng hộ việc ăn thịt chó cho rằng thịt chó cũng không khác gì những loại thịt vật nuôi khác.
Tuy nhiên trong những năm gần đây, ngày càng nhiều người hơn coi chó là vật nuôi thân thiết trong nhà chứ không phải một loại thú nuôi ăn thịt nữa.
Chưa kể dư luận phản đối cũng dẫn tới hệ lụy của nạn trộm chó và tình trạng gia tăng số ca bị bệnh dại do ăn thịt chó.