11 kỹ năng sống mà đứa trẻ nào cũng cần được dạy: Số 6 và số 10 quan trọng hàng đầu

Thanh Hương |

Hãy xem bạn đã trang bị cho con những kỹ năng nào dưới đây.

Năm học mới đang đến, nhiều bậc cha mẹ đã bắt đầu tất bật mua sắm các đồ dùng học tập cho con, cũng như cho con tham gia các lớp học thêm để mong rằng con có thể đạt được kết quả tốt trên lớp.

Tuy nhiên, bên cạnh việc học, trẻ cũng cần được trang bị những kỹ năng sống nhất định vì nó không chỉ có cần thiết cho việc học tập của các em, mà thậm chí sẽ còn mang lại lợi ích cho các em trong suốt cả cuộc đời.

Vậy những kỹ năng sống nào là quan trọng? Mời các bậc phụ huynh cùng tham khảo bài viết từ Family Education - 1 trang web uy tín về giáo dục tại Mỹ, ước tính mỗi tháng đã giúp được hơn 1,5 triệu bậc cha mẹ trong hành trình nuôi dạy con cái.

Theo các chuyên gia về giáo dục, càng thực hành và sử dụng những kỹ năng sống dưới đây thường xuyên thì con bạn sẽ ngày càng độc lập và thích ứng tốt hơn trong cuộc sống.


01.

Đưa ra quyết định

Có thể bạn không nhận ra, nhưng kỹ năng đưa ra quyết định cũng là điều mà trẻ nhỏ cần phải học, vì nó rất quan trọng và nếu được rèn luyện thường xuyên thì khi lớn lên, trẻ có thể tự tin đưa ra các quyết định cho cuộc sống của mình mà không cần phải dựa dẫm hay phụ thuộc vào ai.

11 kỹ năng sống mà đứa trẻ nào cũng cần được dạy: Số 6 và số 10 quan trọng hàng đầu - Ảnh 3.

(Ảnh minh họa: Internet)

Hãy bắt đầu từ những việc nhỏ bé, đơn giản hàng ngày như cho con tự quyết định sẽ mặc bộ gì đi học, sẽ ăn gì cho bữa sáng (trong số các món mà bạn có thể chuẩn bị) chẳng hạn. Trẻ em rất thích cảm giác chúng được làm chủ thay vì bị bắt phải làm việc này, việc kia.

02.

Độc lập

Là cha mẹ, chúng ta ai cũng ít nhiều trải qua cảm giác thà làm hết các việc cho con còn hơn để chúng tự làm, vì sẽ nhanh hơn, ít bừa bãi và stress hơn, thế nhưng nếu muốn con bạn trở thành những con người tự tin, độc lập và mạnh mẽ trong cuộc sống sau này, bạn phải cho chúng cơ hội được phát triển những kỹ năng này.

Trẻ cần biết cách thực hiện những nhiệm vụ hàng ngày của chúng một cách độc lập mà không cần sự giục giã từ bố mẹ, từ việc hoàn thành bài tập về nhà, cho đến dọn dẹp phòng ngủ cũng như chịu trách nhiệm bảo vệ các đồ đạc cá nhân của chúng...

Thông thường khi lên 10 - 13 tuổi, sẽ có những khoảng thời gian trẻ phải ở nhà một mình do bố mẹ đi vắng và việc sở hữu kỹ năng độc lập sẽ giúp trẻ tự tin chúng có thể tự chăm lo cho chính mình.

03.

Giữ vệ sinh ở mức cơ bản

Dạy con trẻ các kỹ năng giữ vệ sinh cần dựa vào số tuổi của con, từ kỹ năng đánh răng, rửa mặt, vệ sinh sau khi dùng toilet, cho đến việc tắm rửa, mặc quần áo, khi nào thì cần phải thay quần áo, khi nào cần dùng đến băng vệ sinh...

11 kỹ năng sống mà đứa trẻ nào cũng cần được dạy: Số 6 và số 10 quan trọng hàng đầu - Ảnh 6.

(Ảnh minh họa: Internet)

Mục đích của việc làm này không chỉ giúp con có thể tự chăm sóc bản thân, giữ cho cơ thể luôn sạch sẽ, thơm tho, tạo ấn tượng tốt cho những người xung quanh mà còn giúp các bé nâng cao sức khỏe, tránh bị đau ốm, bệnh tật...

04.

Dọn dẹp và làm việc nhà

Việc dọn dẹp hay làm các công việc nhà không nên là một hình phạt bố mẹ dành cho con khi con làm sai, mà nên là một hoạt động vui vẻ, tích cực mà các bé thực hiện mỗi ngày. Hãy đảm bảo bạn chọn đúng công việc phù hợp cho con, khuyến khích khi con làm tốt. Một số bố mẹ sẽ thưởng tiền sau khi con hoàn thành, nhưng đây không phải hình thức khen ngợi duy nhất.

Hãy bắt đầu từ việc yêu cầu con cất đồ chơi vào đúng nơi quy định, cho quần áo bẩn vào rổ giặt đồ, dọn dẹp bát đĩa sau khi ăn, trải bàn ăn, cho thú cưng ăn, tưới cây, dọn giường, gấp chăn, đổ rác...

Khi con lớn hơn, hãy yêu cầu con rửa bát, vận hành máy giặt, dọn nhà vệ sinh...

05.

Nấu ăn

Việc học cách nấu ăn sẽ giúp những đứa trẻ đạt tới thành công khi lớn lên. Dù rằng chỉ biết nấu những món cơ bản thì việc có thể chuẩn bị một bữa ăn cũng là một kỹ năng rất quan trọng trong cuộc sống.

11 kỹ năng sống mà đứa trẻ nào cũng cần được dạy: Số 6 và số 10 quan trọng hàng đầu - Ảnh 9.

(Ảnh minh họa: Internet)

Khi trẻ lên 6 hoặc 7 tuổi, các bé có thể giúp bố mẹ tham gia vào quá trình nấu ăn, ví dụ dùng như rửa rau quả, nhào bột, trộn salad, cắt bánh sandwich với một con dao nhựa... Có nhiều công thức nấu ăn thân thiện với trẻ nhỏ để các bé học được các kỹ năng nấu nướng cơ bản để phụ huynh tham khảo.

Sau khi trẻ tự tin hơn trong việc bếp núc, hãy cùng con chuẩn bị một bữa ăn đơn giản cho gia đình. Các trẻ ở tuổi teen (khoảng từ 13 tuổi trở lên) có thể dùng lò vi sóng, bếp ga để nấu nướng. Bố mẹ có thể giao cho trẻ nhiệm vụ chuẩn bị một bữa ăn cho cả gia đình trong một tuần hoặc nửa tháng... để trẻ nâng cao "tay nghề" và tính trách nhiệm của mình.

06.

Sơ cứu ban đầu

Các kỹ năng sơ cứu ban đầu (làm sạch vết thương, băng bó vết thương, làm CPR...) cũng như kỹ năng gọi cấp cứu trong các tình huống khẩn cấp là vô cùng cần thiết và nên được học càng sớm càng tốt, vì không những có thể cứu được con mà còn có thể giúp cho nhiều người khác nữa, trong đó có thể có chính bạn.

Trước khi con ở nhà 1 mình, hãy đảm bảo con biết địa chỉ nhà mình và số điện thoại của bố mẹ, người thân cũng như các dụng cụ sơ cứu ban đầu trong nhà và cách sử dụng các dụng cụ đó. Ngoài ra, việc dạy con giữ bình tĩnh trong lúc chờ xe cứu thương đến cũng là điều rất quan trọng.

07.

Giải quyết vấn đề và học cách thích nghi

Kỹ năng giải quyết vấn đề và thích nghi là các kỹ năng đôi khi còn làm khó cả người trưởng thành. Chính vì thế, nếu bạn trang bị cho con các kỹ năng này càng sớm thì con càng có nhiều thời gian học hỏi và hoàn thiện chúng để sử dụng trong cuộc sống hàng ngày. Có thể ban đầu, con sẽ thất vọng, vì thế hãy dạy chúng cách quản lý cảm xúc và dần dần vượt qua thử thách.

Nên nhớ, cha mẹ sẽ là tấm gương gần nhất để con noi theo, vì thế trước khi dạy con, bạn hãy bảo đảm bản thân giữ được sự kiên nhẫn và duy trì tư duy tích cực trong những thời điểm khó khăn.

08.

Tương tác với mọi người 1 cách thích hợp

11 kỹ năng sống mà đứa trẻ nào cũng cần được dạy: Số 6 và số 10 quan trọng hàng đầu - Ảnh 13.

(Ảnh minh họa: Internet)

Chúng ta đang sống trong một thời kỳ hiện đại với tư duy đổi mới và sự lịch sự có thể giúp bạn đi đường dài. Hãy dạy con bạn cách tôn trọng người xung quanh, biết cảm ơn và xin lỗi đúng chỗ, kiên nhẫn, lịch sự và tử tế với người khác từ những hành động nhỏ, ví dụ như giữ cửa sau khi đi qua nếu đằng sau có người... Tất cả những điều này sẽ giúp con bạn tạo được ấn tượng tốt với người khác và từng bước tạo lập một tương lai thành công cho con, không chỉ về mặt công việc mà còn về mặt xã hội.

09.

Quản lý tài chính

Nhiều phụ huynh nghĩ con trẻ thì chỉ cần quan tâm đến việc ăn uống, ngủ nghỉ và học tập, chuyện kiếm tiền và tiêu tiền là của bố mẹ. Tuy nhiên, bạn càng dạy sớm cho trẻ về cách tiêu tiền đúng cách (ví dụ với số tiền mừng tuổi chẳng hạn), tiêu tiền hiệu quả thì càng có lợi. Trẻ sẽ hiểu được giá trị của từng đồng tiền, từ đó biết chi tiêu hợp lý, không phung phí, thậm chí còn biết cách tiết kiệm tiền để mua những món đồ cần thiết hay dành dụm cho các trường hợp khẩn cấp.

Tỷ phú nổi tiếng người Mỹ Warren Buffet là một trong những người tiên phong kêu gọi việc dạy cho trẻ các kỹ năng về tài chính. Vào năm 2011, nhà tiên tri xứ Omaha đã giúp tạo ra 1 series phim hoạt hình cho trẻ em có tên là Câu lạc bộ triệu phú bí mật, trong đó Warren Buffett đóng vai 1 người thầy dạy những đứa trẻ biết cách kinh doanh. Thậm chí trong vài năm đầu tiên, ông còn tự lồng tiếng cho nhân vật của mình.

10.

Tự vệ

Mặc dù chẳng cha mẹ nào muốn con mình có cơ hội sử dụng kỹ năng này, nhưng hãy thực tế một chút, thế giới này đâu phải lúc nào cũng an toàn, và việc sở hữu những kỹ năng tự vệ sẽ giúp bảo vệ con tốt hơn, giúp con tránh bị bắt cóc hoặc bị thương.

11 kỹ năng sống mà đứa trẻ nào cũng cần được dạy: Số 6 và số 10 quan trọng hàng đầu - Ảnh 16.

(Ảnh minh họa: Internet)

Hãy bắt đầu từ những điều cơ bản nhất, như học cách làm giảm sự căng thẳng trong các tình huống (không nói lại, không tranh cãi hay gây hiềm khích với người khác), không vào thang máy khi trong đó chỉ có 1 người hoặc có vài người nhưng đem lại cảm giác bất an, không đi ra đường lúc tối muộn, không đi vào đường vắng, không nói chuyện, nhận quà hay lên xe của người lạ...

Bên cạnh đó, cha mẹ có thể cho con tham gia các lớp học võ, vừa để rèn luyện sức khỏe, vừa để tăng thêm tự tin và bảo vệ bản thân.

11.

Quản lý thời gian

Có một thực tế là ai trong chúng ta cũng chỉ có 24 giờ/ngày. Thế nhưng, tại sao có những người giải quyết được một lượng công việc lớn, lại cũng có những người luôn đánh vật với lịch trình mỗi ngày, đó chính là sự khác biệt giữa người biết quản lý thời gian và người không có kỹ năng này.

Do đó, cha mẹ nên giúp con phân chia các khung thời gian trong ngày sao cho hợp lý để thực hiện các công việc, ví dụ như từ mấy giờ đến mấy giờ là dành cho việc ăn sáng, ăn trưa, ngủ nghỉ, ôn tập bài, làm việc nhà, vui chơi giải trí với giới hạn thời gian rõ ràng. Khi con đã quen với lịch trình này, hãy cho con quyền tự quyết trong việc phân bổ thời gian và bố mẹ chỉ can thiệp khi cần thiết.

Theo Family Education

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại