10 vấn đề không thể làm ngơ với điện thoại và laptop

Vnreview |

Nếu bạn sở hữu một chiếc điện thoại hoặc máy tính (mà chắc chắn là bạn có), sẽ có những lỗi và những phiền toái mà bạn phải học cách sống chung.

Mặt khác, cũng sẽ có những vấn đề mà nếu chú ý, chúng sẽ cho bạn biết về điều gì đó nghiêm trọng hơn nhiều đang xảy ra với thiết bị của bạn - những thứ bạn không nên chấp nhận mà phải giải quyết sớm nhất có thể.

Bài viết dưới đây, được tổng hợp từ Gizmodo, sẽ chỉ ra một số dấu hiệu của những vấn đề nghiêm trọng nhất mà bạn có thể gặp phải trên điện thoại hoặc chiếc laptop của mình.

Chúng ta sẽ không đi quá sâu vào giải pháp cho từng vấn đề, nhưng bạn sẽ biết được nên xử lý theo hướng nào. Phần lớn các cách sửa lỗi khá giống nhau, bao gồm quét malware, đặt lại phần mềm hoặc thay thế phần cứng.

1) Tốc độ giảm trầm trọng

Mọi thiết bị đều trở nên chậm hơn khi chúng cũ đi, một sự thực đáng tiếc không thể tránh khỏi, nhưng nếu thiết bị bất chợt chậm đi hoặc sự chậm chạp đó không có vẻ ăn khớp với tuổi thọ phần cứng thì chắc chắn đã đến lúc phải nghiên cứu thêm.

Nếu chiếc điện thoại hoặc laptop của bạn đang dần trở nên chậm như rùa bò, nhưng tuổi đời lại chưa đến vài năm, thì nhiều khả năng có thứ gì đó đang chạy ngầm dưới nền.

iều này khá phổ biến trên máy tính, nhưng thỉnh thoảng cũng là vấn đề trên những chiếc smartphone - bất kỳ thứ gì, từ những malware nguy hiểm đến một trình đào tiền mã hóa, đều có thể đã chiếm quyền root mà bạn không hề hay biết.

Không dễ để khắc phục lỗi này, nhưng vẫn cần phải giải quyết. Một vài cách bạn nên thử qua bao gồm: dùng một phần mềm uy tín để quét triệt để hệ thống, gỡ bỏ bất kỳ ứng dụng hoặc những chương trình nào bạn không nhận ra (hoặc tin cậy), và vô hiệu hóa mọi tiện ích mở rộng của trình duyệt mà bạn cài đặt gần đây.

2) Những biểu hiện bất thường

10 vấn đề không thể làm ngơ với điện thoại và laptop - Ảnh 1.

Nếu một số dạng keylogger hoặc ứng dụng theo dõi hệ thống xâm nhập được vào máy tính hoặc điện thoại của bạn, nó sẽ có một số biểu hiện khác nhau, bao gồm những hành vi lạ bên trong ứng dụng và hệ điều hành - giống như có một con ma đang hoạt động bên trong hệ thống của bạn vậy.

Bạn có thể cho rằng một hay hai rắc rối như thế là những sự cố nhỏ, nhưng nếu nó vẫn tiếp tục diễn ra, có thể thứ gì đó tồi tệ hơn mới chính là nguyên nhân. Các chương trình hay ứng dụng đóng mở ngẫu nhiên, hay các hộp thoại đột nhiên xuất hiện, là những dấu hiệu cảnh báo đáng lưu ý.

Các loại công cụ theo dõi này thường tự che giấu rất tốt, vì vậy có thể bạn phải đặt lại toàn bộ thiết bị của mình (đừng quên sao lưu tất cả dữ liệu trước) hoặc quét bảo mật toàn diện. Trên điện thoại, những dấu hiệu lạ thường (như chữ cái lặp lại) cũng có thể là lỗi màn hình cảm ứng, vì thế bạn nên tìm một số lời khuyên hữu ích từ các chuyên gia về những việc cần làm tiếp theo.

3) Những email bất ngờ

Hành vi trộm cắp danh tính có rất nhiều hình thức, và rất khó xác định thứ gì bạn phải cẩn thận trông chừng nếu đã bị nhắm đến, nhưng những email bất ngờ đích thị là lời cảnh báo - chúng có thể đến từ những người hoặc công ty bạn chưa từng nghe đến, hoặc dạng email xác nhận đơn đặt hàng bạn không hề đặt.

Nếu ai đó đang lợi dụng địa chỉ email của bạn cho những hành vi mờ ám, nhiều khả năng chúng cũng đang lợi dụng một số thông tin khác của bạn, vì vậy hãy thu thập càng nhiều thông tin càng tốt từ các email đó và theo dõi.

Liên hệ với người gửi hoặc công ty đó để xem chuyện gì đã xảy ra (lưu ý: bạn không nên bấm vào bất kỳ liên kết nào trong các email bạn nhận được, hãy sử dụng các thông tin trong email và tự mình liên hệ trực tiếp). Bạn cũng nên kiểm tra tài khoản email để xem liệu có bất kỳ bộ lọc hay quy tắc nào mà bạn không biết hay không.

Tất nhiên, bạn có thể bỏ qua các email spam và lừa đảo một cách an toàn, bởi chúng đơn giản là những email "cố đấm ăn xôi" mà thôi. Có những điểm khác biệt cơ bản giữa các email spam/lừa đảo và các email nhằm trộm cắp danh tính, bạn cần nghiên cứu để nắm được một cách rõ ràng.

4) Cài đặt hệ thống bị vô hiệu hóa

10 vấn đề không thể làm ngơ với điện thoại và laptop - Ảnh 2.

Khi phần mềm độc hại cài cắm vào điện thoại hoặc máy tính (chủ yếu là máy tính), nó sẽ tìm cách vô hiệu hóa các cài đặt mà bạn có thể sử dụng để tìm hoặc ngăn chặn hoạt động của nó. Nếu bạn phát hiện các cài đặt hệ thống chủ chốt bị mất hoặc bị vô hiệu hóa, thì có thể bạn đã cài đặt một thứ gì đó không tốt chút nào trên thiết bị của mình.

Virus rất muốn vô hiệu hóa phần mềm diệt virus, vì vậy nếu trình bảo vệ an ninh hệ thống của bạn không hoạt động thì đó chính là một dấu hiệu cảnh bảo khác cần được điều tra càng sớm càng tốt (bạn có thể sử dụng các chương trình quét theo yêu cầu như Microsoft Safety Scanner hay ClamWin Portable trên Windows).

Có thể một cài đặt hay menu cụ thể không khả dụng bời bạn đã thực hiện một thay đổi nào đó đối với cấu hình hệ thống, nhưng tốt hơn nên cẩn thận. Một vài thao tác tìm kiến trên mạng sẽ nhanh chóng chỉ ra bạn có cần lo lắng về vấn đề này hay không.

5) Các cài đặt của ứng dụng bị thay đổi

Cũng như các cài đặt bị vô hiệu hóa, các cài đặt trong các ứng dụng riêng rẽ bị thay đổi cũng là một dấu hiệu cần xem xét. Trang chủ trên trình duyệt bị thay đổi mà bạn không hề hay biết là một dấu hiệu cực kỳ phổ biến, nhưng bạn cũng có thể sẽ thấy những sự đổi thay trên giao diện chương trình hay các tùy chọn nào đó bị gỡ bỏ, hoặc các hộp thoại bổ sung xuất hiện.

Bạn không nhất thiết phải quá lo lắng về điều này. Có thể các nhà phát triển đang tung ra các bản cập nhật mới mà thôi, nhưng chú ý một chút vẫn tốt hơn là không. Bạn có thể dễ dàng kiểm tra xem liệu mình có thể đặt lại một số thiết lập nhất định hay không, hoặc tìm kiếm trên mạng để xem giao diện cụ thể của một chương trình sẽ trông như thế nào.

Malware ít xuất hiện hơn trên điện thoại (trừ khi bạn đang sử dụng Android và thường xuyên mạo hiểm dùng các ứng dụng khác không phải trong Google Play Store), nhưng không phải là không có. Hãy chú ý các ứng dụng có các quyền đột nhiên được thay đổi, hay các tính năng mới trong các ứng dụng hiện có âm thầm xuất hiện mà không thông qua bất kỳ bản cập nhật nào.

6) Rất nhiều tin nhắn pop-up

10 vấn đề không thể làm ngơ với điện thoại và laptop - Ảnh 3.

Pop-up là một phần của web và một phần của mọi hệ điều hành hiện đại, bạn sẽ thấy nó mỗi khi thử và lưu file, nhưng nếu bỗng nhiên điện thoại và laptop của bạn tràn ngập pop-up, thì đây là lúc cần phải xem xét kỹ hơn.

Điều này thường xảy ra nhất bên trong trình duyệt của bạn, nhưng nó còn có thể cho thấy một thứ gì đó đang xảy ra ở mức độ sâu hơn trên hệ thống. Hãy xem kỹ các tiện ích bổ sung bạn đã cài đặt, gỡ bỏ chúng nếu cần thiết; đồng thời hãy dọn sạch bộ nhớ cache trình duyệt và dữ liệu tạm thời.

Nhiều ứng dụng di động miễn phí hiển thị quảng cáo một cách hợp pháp trong lúc sử dụng, bạn không cần lo lắng, nhưng số lượng quảng cáo vượt quá mức cho phép có thể xuất phát từ một nguyên nhân không ngờ - đặc biệt nếu quảng cáo được tải trong cửa sổ ẩn phía sau trình duyệt của bạn. Như thường lệ, bạn nên quét malware triệt để.

7) "Sập" hệ thống ngẫu nhiên và nhiều vấn đề liên quan khởi động hệ thống

Một hay lần hệ thống của bạn đang hoạt động bỗng nhiên "sập", đó không phải là điều quá lo lắng. Nhưng nếu sự cố này xảy ra mỗi ngày, hay nhiều lần mỗi tuần, bạn nên tìm hiểu ngay nguyên nhân thôi.

Không may là xác định nguyên nhân gốc rễ của những vấn đề máy tính và smartphone không phải là điều dễ dàng. Có thể do phần mềm độc hại, các thành phần trong hệ thống bị quá nhiệt, hoặc cũng có thể thành phần đó sắp ngừng hoạt động (hoặc không được kết nối đúng cách).

Hãy thử nhớ lại lần cuối trước khi vấn đề xuất hiện và xem liệu có bất cứ sự thay đổi nào về phần cứng hoặc phần mềm có thể là nguyên nhân của vấn đề hay không.

Bạn có thể đưa điện thoại và máy tính về trạng thái xuất xưởng (factory reset/full reset) nếu vấn đề vẫn tiếp diễn, và nếu bạn lại gặp sự cố trong lần khởi động tiếp theo, nhiều khả năng nguyên nhân do phần cứng bị lỗi hoặc hỏng. Có lẽ đã đến lúc bạn cần nâng cấp điện thoại hay laptop của mình.

8) Hiệu suất pin rất kém

10 vấn đề không thể làm ngơ với điện thoại và laptop - Ảnh 4.

Chúng ta đều biết pin sẽ bị chai theo thời gian, và chiếc điện thoại bốn năm tuổi của bạn sẽ không thể hoạt động như mới được, đồng thời pin cũng sẽ giảm dần dù cho đó là smartphone hay laptop. Nếu hiệu năng sử dụng bỗng nhiên giảm xuống, rõ ràng thiết bị đã vấn đề.

Trong trường hợp này, hoặc pin của thiết bị sắp hỏng hoàn toàn - bạn cần lưu lại mọi dữ liệu cần thiết ở một nơi nào đó - hoặc có một ứng dụng không mong muốn đang chạy nền và ngốn hết mọi tài nguyên hệ thống của bạn (có thể là một malware hoặc trình đào tiền mã hóa). Trong cả hai trường hợp, bạn đều cần phải hành động ngay.

Một khả năng khác là có sự cố với cổng sạc hoặc dây cáp, vô tình gây tổn hại đến tuổi thọ của pin, và các cửa hàng sửa chữa điện thoại sẽ có thể tư vấn cho bạn. Dù bất cứ điều gì xảy ra, đây cũng không phải là một vấn đề có thể cải thiện hoặc thậm chí là trở nên ổn định lâu dài - bạn cần phải tìm hiểu xem có chuyện gì đang xảy ra.

9) Âm thanh lạ phát ra từ ổ cứng của bạn

Nếu ổ cứng laptop của bạn đang phát ra những âm thanh lạ, đó có thể là báo hiệu rằng nó sắp... chết. Bạn sẽ có thể xác định được âm thanh này bởi chúng khác với bất kỳ thứ gì bạn từng nghe - tiếng lách cách, ù ù, khò khè – và một công cụ chẩn đoán miến phí như DiskCheckup có thể giúp bạn xác minh có điều gì sai khác hay không.

Các SSD có trong hầu hết các laptop đời mới, và công nghệ lưu trữ tương tự trên các chiếc smartphones, sẽ không có chung một kiểu âm thanh hư hỏng và ít khi bị như vậy. Tuy nhiên, chúng vẫn sẽ có lúc hỏng hóc: các sự cố khi lưu file hay khi khởi động là những dấu hiệu cảnh báo đáng xem xét.

Dù loại ổ đĩa bạn đang sử dụng là gì, nếu bạn nghĩ chúng sắp hư thì hãy đảm bảo mình đã sao lưu toàn bộ dữ liệu. Một khi bạn biết các dữ liệu của mình an toàn, thì có nghĩ đến việc thay thế ổ đĩa (trên laptop) hoặc nâng cấp thiết bị hoàn toàn.

10) Mức sử dụng dữ liệu tăng đột ngột

10 vấn đề không thể làm ngơ với điện thoại và laptop - Ảnh 6.

Có phải một trong những ứng dụng của bạn đang sử dụng nhiều dữ liệu hơn mức thông thường của nó? Đây là lý do bạn nên bắt đầu giám sát dữ liệu sử dụng trên điện thoại và laptop: có một trong các chương trình của bạn có thể đang chuyển dữ liệu hơn trước hoặc có thứ gì đó trên thiết bị mà bạn không biết.

Task Manager trên Windows, Activity Monitor trên macOS, Network & Internet trong cài đặt Android, và Cellular trong cài đặt iOS sẽ có thể cung cấp cho bạn thêm thông tin. Bạn có thể nhận thấy một số ứng dụng khác như Netflix hay Spotify sẽ khá chật vật trong việc kết nối nếu một ứng dụng chiếm khá nhiều băng thông.

Nếu bạn có thể xác định ứng dụng đang gây ra vấn đề, hãy kiểm tra xem liệu có bất kỳ bản cập nhật nào khả dụng hay có bất kỳ cài đặt nào bên trong ứng dụng gây nên việc sử dụng dữ liệu quá mức hay không, nếu không bạn nên gỡ bỏ nó. Nếu có thứ gì đó "ẩn nấp" dưới nền, bạn nên sử dụng phần mềm bảo mật trên thiết bị để quét ngay lập tức.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại