Động đất, sóng thần và phun trào núi lửa chắc chắn là thảm họa thiên nhiên với sức tàn phá khủng khiếp, nhưng những thảm họa do con người tạo ra có thể nguy hiểm hơn thế.
Những thảm họa do con người tạo ra, chúng không chỉ có thể gây ra thương vong cho hàng ngàn con người, mà còn gây ra tác hại lớn cho môi trường trong hàng trăm năm. Hậu quả của những thảm họa kinh hoàng đó không khỏi khiến con người giật mình khiếp sợ.
Ký ức về những thảm họa là một bài học quan trọng đối với nhân loại, bởi vì thiên tai có thể gây hại cho chúng ta nhưng không phải hành tinh mà là do con người tạo ra mối đe dọa đối với toàn bộ thế giới xung quanh. Và đó cũng là lời cảnh báo trước sự tàn phá thiên nhiên khủng khiếp của con người.
Sau đây là 10 thảm họa 'nhân tạo' khủng khiếp nhất lịch sử loài người do trang Popmech tổng hợp:
Thảm họa đoàn tàu chở dầu thô bị trật bánh ở thị trấn Lac-Megantic. Ngày 6/7/2013, trung tâm thị trấn Lac Megantic, thành phố Quebec, Canada đã bị phá hủy trên diện rộng bởi một đám cháy dữ dội, sau khi một chiếc tàu hỏa chở dầu thô trật bánh và phát nổ. Một đoàn tàu hỏa của Công ty Montréal, Maine & Atlantic (Canada) chở 73 toa dầu thô bị trật đường ray và phát nổ. Hơn một nửa các tòa nhà ở trung tâm thành phố đã bị phá hủy bởi vụ nổ và hỏa hoạn, trong đó có khoảng 50 người thiệt mạng.
Vụ nổ tại nhà máy sản xuất nhựa vận hành bởi công ty Phillips Petroleum vào ngày 23/10/1989, Pasadena, Texas. Do sự bất cẩn trong giám sát của các nhân viên, một vụ rò rỉ khí đốt lớn đã xảy ra và gây ra các vụ nổ lớn tương đương với 2,5 tấn chất nổ. Phải mất hơn 10 giờ lính cứu hỏa mới dập tắt được ngọn lửa. Vụ nổ khiến 23 người thiệt mạng, 314 người khác bị thương.
Vụ nổ mỏ than ở thị trấn Centralia, quận Columbia, bang Pennsylvania, Mỹ ngày 25/3/1947, khiến 111 người thiệt mạng, 8 người khác được giải cứu nhưng sau đó cũng qua đời vì bị thương quá nặng. Trong vụ tai nạn, chỉ có 31 người thoát chết. Thị trấn hiện được biết đến nhiều hơn với ngọn lửa ngầm vĩnh cửu, từng là nguyên mẫu của ngọn lửa trong trò chơi và bộ phim “Ngọn đồi im lặng” (Silent Hill). Cụ thể, thị trấn Centralia bắt đầu bốc cháy từ năm 1962, rác thải ở một hố than đã đốt cháy một mạch than ở dưới lòng đất bị bỏ hoang lâu năm, lượng than này bị cháy đã dẫn tới gây cháy các mạch than đá khác, tạo ra một đám cháy khủng khiếp. Chính quyền bang đóng cửa Centralia năm 1992 và phần lớn cư dân đã rời đi. Ngày nay, chỉ có hơn chục người còn sống ở đó.
Vụ nổ Halifax vào ngày 6/12/1917 là thời điểm đánh dấu khoảnh khắc kinh hoàng tại Halifax (bang Nova Scotia, Cananda), nơi chứng kiến vụ va chạm trên biển khủng khiếp bậc nhất trong lịch sử nhân loại. Vụ nổ mang tên Halifax xảy ra giữa tàu SS Mont-Blanc của Pháp và tàu SS Imo của Na Uy tại bến cảng Halifax (Canada). Trong khi đó, tàu SS Mont-Blanc chở loại “hàng hóa rất nguy hiểm” gồm hàng trăm thùng chứa thuốc nổ TNT, axit Picric, nhiên liệu rất dễ cháy benzole và bông thuốc súng. Vụ va chạm đã khiến gần 12.000 người thương vong, toàn bộ các công trình, tòa nhà trong bán kính 800 m sụp đổ trong tro bụi.
Thảm họa Bhopal, ngày 3/12/1984, một trong những thảm họa nhân tạo lớn nhất trong lịch sử xảy ra ở thành phố Bhopal của Ấn Độ. Nhà máy thuốc trừ sâu UCIL thuộc Công ty Đa quốc gia Mỹ Union Carbide (UCC) gặp sự cố gây rò rỉ khí chết người Methyl Isocyanate (MIC) khiến hàng nghìn người thiệt mạng. 42 tấn chất độc chứa trong bình khí nén để tại hầm ngầm đã chảy ra hết. Những đám khói nồng nặc thoát ra quanh vùng làm cho 200.000 người bị ngộ độc, hơn 1.500 người chết ngay tại chỗ, hầu hết họ là những người lao động nghèo tại trung tâm thành phố Bhopal. Trong những năm tiếp theo và hàng trăm nghìn người bị ảnh hưởng, những tàn dư của vụ việc vẫn đeo bám và ám ảnh cuộc sống người dân nơi đây.
Vụ sập nhà ở thành phố Savara của Bangladesh, ngày 24/4/2013. Tòa nhà 8 tầng Rana Plaza nơi đặt một nhà máy may mặc, một ngân hàng và hàng chục cửa hàng đã sụp đổ vào giờ cao điểm do không tuân thủ các biện pháp phòng ngừa an toàn trong quá trình xây dựng. Vụ tai nạn khiến 1.127 người thiệt mạng, 2.500 người khác bị thương. Được biết, các vụ sập nhà xảy ra thương xuyên ở Bangladesh, nơi các tòa nhà nhiều tầng vi phạm các quy định về xây dựng.
Vụ nổ tại một nhà máy hóa chất ở thành phố Oppau, Đức, ngày 21/9/1921. Tại nhà máy nơi xảy ra thảm họa, một tháng trước một vụ nổ đã xảy ra giết chết hàng trăm người. Nhưng không có biện pháp phòng ngừa nào được thực hiện và vụ tai nạn tiếp theo đã cướp đi sinh mạng của 600 nhân viên và làm bị thương 2.000 người. 12 tấn hỗn hợp sunfat và amoni nitrat đã phát nổ với lực 5 kiloton TNT. Các công nhân ở đây đã dùng một lượng chất nổ nhỏ để làm tơi hỗn hợp hóa cứng trong phân bón có chứa amoni sulfat và ammonium nitrat mà không biết rằng hai chất này cũng có thể gây cháy nổ.
Vụ nổ ở nhà máy điện nguyên tử ở Chernobyl, thị trấn Pripyat, Ukraine xảy ra vào ngày 26/4/1986. Đây được coi là vụ tai nạn hạt nhân trầm trọng nhất trong lịch sử năng lượng hạt nhân. Vụ nổ lò phản ứng tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl đã ném chất phóng xạ vào khí quyển, do không có tường chắn, đám mây bụi phóng xạ tung lên từ nhà máy lan rộng Liên bang Xô viết, Đông và Tây Âu, Scandinavia, Anh quốc, và đông Hoa Kỳ. Nhiều vùng rộng lớn thuộc Ukraine, Belarus và Nga bị ô nhiễm nghiêm trọng. Khoảng 60% đám mây phóng xạ đã rơi xuống Belarus. Thảm họa dẫn tới việc phải sơ tán và tái định cư cho hơn 336.000 người. Chỉ có 31 người thiệt mạng, nhưng hàng trăm nghìn người phải chịu tác động của phóng xạ.
Vụ nổ mỏ than Benxihu (Honkeiko) ngày 26/4/1942 ở tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc. Trong Thế chiến II, mỏ than Bensihu của Trung Quốc nằm dưới sự kiểm soát của Nhật Bản và những người khai thác được đối xử như những nô lệ. Một vụ rò rỉ khí gas đã gây thiệt mạng 1.549 thợ mỏ Trung Quốc. Phải mất một tuần lực lượng cứu hộ mới đưa tất cả người thiệt mạng ra khỏi mỏ.
Thảm họa vỡ đập Bản Kiều vào ngày 8/8/1975 tại tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Siêu bão Nina trút mưa lớn xuống khu vực khiến đập Bản Kiều vỡ, tạo ra một trong những thảm họa vỡ đập khủng khiếp nhất thế giới, khiến 26 nghìn người chết, hàng trăm ngàn người bị thương. Số người bị ảnh hưởng bởi thảm họa là hơn 10 triệu người trong khi gần 6 triệu căn nhà bị phá hủy. Khi đập Bản Kiều vỡ, con nước với vận tốc lên tới 50km/h ào về phía thung lũng bên dưới, cuốn đi 62 đập khác như hiệu ứng domino. Trong vài phút, toàn bộ các làng mạc với hàng nghìn cư dân bị nhấn chìm.