Thảm họa bất ngờ thành thiên thời: Trung Quốc nắm "lợi khí" làm lung lay ghế tổng thống của ông Trump

Hải Võ |

Hai nguồn tin của Reuters ngày 1/6 tiết lộ Trung Quốc yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước ngừng mua đậu tương và thịt lợn Mỹ, nhằm trả đũa Washington hủy quy chế đặc biệt với Hồng Kông.

Rộ tin Trung Quốc tạm ngưng nhập đậu tương và thịt lợn Mỹ?

Theo các nguồn tin, các đơn hàng số lượng lớn của Trung Quốc đối với ngô và bông của Mỹ cũng bị tạm hoãn.

Ngoài ra, Bắc Kinh có thể mở rộng phạm vi yêu cầu trên đối với các nông sản khác của Mỹ, nếu Washington tiến xa hơn trong hành động liên quan đến luật an ninh mà Trung Quốc sắp ban hành tại Hồng Kông.

"Trung Quốc đã yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước then chốt đình chỉ thu mua số lượng lớn một số nông sản quan trọng của Mỹ như đậu tương và thịt lợn, nhằm trả đũa phản ứng của Mỹ đối với Hồng Kông," nguồn tin nói với Reuters.

"Chúng tôi sẽ theo dõi xem Mỹ sẽ làm gì tiếp theo".

Một nguồn tin nói các nhà nhập khẩu Trung Quốc đã hủy các đơn vận chuyển 10.000-20.000 tấn thịt lợn Mỹ, tương đương với lượng đơn hàng trong khoảng 1 tuần ở những tháng gần đây.

Tuy nhiên, ông Zhang Xiaoping, giám đốc khu vực Trung Quốc thuộc Hội đồng xuất khẩu đậu tương Mỹ, xác nhận với Thời báo Hoàn Cầu rằng các doanh nghiệp Trung Quốc đã tiến hành mua lô đậu tương mới thu hoạch của Mỹ vào hôm thứ Hai, 1/6, minh chứng nước này tiếp tục tiếp tục mua đậu tương Mỹ theo quy luật thị trường, không chịu tác động bởi các nhân tố bên ngoài.

Theo Reuters, hiện chưa rõ lý do Trung Quốc tiếp tục mua nông sản Mỹ sau thông điệp của Bắc Kinh, song các nhà buôn Mỹ nói Trung Quốc vẫn chưa nhập đủ đậu tương cho nhu cầu lớn trong tháng 10 và 11 tới.

"Tình hình khá mơ hồ và khó nói," một nhà xuất khẩu Mỹ nói với Reuters. "Có thể họ muốn giảm giá một vài cent, hoặc có vấn đề khác. Nhưng họ cần số đậu đó."

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 29/5 (giờ miền Đông) tuyên bố ông đã chỉ đạo chính quyền bắt đầu quy trình hủy bỏ những chính sách đãi ngộ đặc biệt dành cho Hồng Kông - bao gồm hiệp ước dẫn độ cho đến quản lý xuất khẩu, sau khi Quốc hội Trung Quốc ngày 28/5 thông qua quyết định mở đường cho việc soạn thảo và ban hành đạo luật an ninh quốc gia tại đặc khu.

Trong kịch bản xấu nhất, nếu Trump tiếp tục leo thang hành động nhằm vào Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ phải hủy bỏ thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 mà song phương vừa ký hồi tháng 1.

"Bắc Kinh không thể nào mua hàng hóa từ Mỹ khi liên tục đón nhận công kích từ ông Trump," nguồn tin thân cận với kế hoạch của chính phủ Trung Quốc nói.

Theo thỏa thuận đã ký, Trung Quốc sẽ mua bổ sung 32 tỉ USD nông sản Mỹ (so với số liệu năm 2017) trong vòng hai năm. Năm nay, Trung Quốc đã tiến hành thu mua đậu tương, ngô, lúa mạch và dầu đậu nành Mỹ để thực thi cam kết, đồng thời tăng thêm nhập khẩu thịt lợn Mỹ sau khi dịch tả lợn châu Phi càn quét đàn lợn của nước này vào năm ngoái.

Bộ Nông nghiệp Mỹ báo cáo, Trung Quốc đã mua 1.028 tỉ USD đậu tương và 691 triệu USD thịt lợn trong Quý I năm nay.

Theo nguồn tin thứ ba của Reuters, các doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc chưa nhận chỉ thị về việc ngưng mua hàng nông sản Mỹ, song các nhà buôn thương mại cũng hết sức thận trọng trong thời điểm này.

Một nguồn tin khác cũng xác nhận có sự trì hoãn "kim ngạch giao dịch xác định" với Mỹ do căng thẳng trong nhiều vấn đề, nhưng đây không phải là sự đình trệ hoàn toàn. Dù vậy, nguồn tin này nhấn mạnh Trung Quốc có thể dễ dàng tìm được các nhà cung cấp nông sản khác thay thế Mỹ.

Trung Quốc đang có "thiên thời" để tấn công thỏa thuận thương mại

Trong khi các thông tin về việc Trung Quốc yêu cầu doanh nghiệp ngừng mua đậu tương Mỹ xuất hiện, các nhà phân tích chỉ ra rằng trên thực tế nhu cầu đậu tương tại Trung Quốc hiện nay không lớn, do đó Bắc Kinh hoàn toàn có điều kiện để thực hiện hành động trên.

Hao Hong, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu và là chiến lược gia trưởng ở Ngân hàng giao thông Trung Quốc, nói: "Một phần, sự bùng phát dịch bệnh [COVID-19] thực sự làm suy yếu các thỏa thuận vận tải giữa Mỹ-Trung, và sau khi dịch bệnh đi qua thì chúng tôi chứng kiến nhu cầu quốc nội ở Trung Quốc thực sự sụp đổ."

Ngay cả khi kinh tế Trung Quốc lấy lại đà phục hồi, người dân sẽ không chi tiêu hay đi ăn ở nhà hàng nhiều như trước, qua đó làm giảm nhu cầu với đậu tương - đặc biệt là trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi.

"Với lo ngại về vận chuyển và sự lao dốc của nhu cầu trong nước, không khó để thấy Trung Quốc sẽ cần ít hơn đầu vào về đậu tương," Hong nói với CNBC (Mỹ) ngày 2/6.

Trong tháng 4, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa Mỹ của Trung Quốc giảm 11.1% so với cùng kỳ, tính theo đồng USD.

Ông Trump cần thỏa thuận thương mại với Bắc Kinh để tái đắc cử

Đài CNN hồi cuối tháng 5 đánh giá, tổng thống Trump đang đối mặt với vấn đề hiệu quả của thỏa thuận thương mại giai đoạn 1. Sau khi thỏa thuận được ký, sức mua hàng Mỹ của Trung Quốc kém xa so với mục tiêu kỳ vọng. Nhiều người Mỹ, đặc biệt là người nông dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc chiến thương mại từ năm 2018, đã hy vọng rằng khoản xuất khẩu 200 tỷ USD sang Trung Quốc như thỏa thuận sẽ giúp khôi phục lợi nhuận.

Nhưng cho đến nay, sức mua của Trung Quốc ở các mặt hàng năng lượng, nông nghiệp và các mặt hàng khác đều ít hơn một nửa so với kế hoạch. Theo một số ước tính, điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến chiến dịch tái tranh cử của Trump.

Thỏa thuận nào cũng luôn mang tính chất chính trị. Ông Trump không thể coi số tiền 200 tỷ USD này chỉ là một con số!

Ông Chad Bown - thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, Mỹ

Thỏa thuận thương mại với Bắc Kinh là nhân tố quan trọng trong chiến dịch tái tranh cử của Trump.

Chiến tranh thương mại với Trung Quốc đã gây hậu quả kinh tế với các bang dao động như Ohio và Pennsylvania, do thuế quan làm tăng chi phí sản xuất và khiến nông dân Mỹ phải "đắp chiếu" nhiều tấn nông sản ế hàng do không thể xuất sang Trung Quốc và chưa tìm được đầu ra thay thế.

Lĩnh vực sản xuất của Mỹ cũng rơi vào một cuộc suy thoái nhẹ năm 2019, khi sản lượng các nhà máy giảm 1.3%. Số lượng trang trại gia đình bị phá sản tăng gần 20% so với năm trước đó.

Một số nghị sĩ đảng Cộng hòa Mỹ tin rằng cần có sự kiềm chế hành động mạnh mẽ nhằm vào Trung Quốc, trong thời điểm Mỹ cần Bắc Kinh tuân thủ thỏa thuận để có thể xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ đạo như đậu tương.

Việc cấm vận Trung Quốc trong khi Mỹ phụ thuộc vào thị trường này để xuất khẩu và sản xuất các sản phẩm như thuốc hay thiết bị bảo hộ cá nhân là một hành động sai lầm.

Ông Arlan Suderman - chuyên gia hàng hóa cấp cao tại INTL FCStone - ngày 1/6 nhận định việc đình chỉ mua nông sản Mỹ có thể chỉ là tạm thời.

"Nguồn cung dồi dào trong ngắn hạn nhờ những lô hàng hiện có cho phép Trung Quốc thoải mái đe dọa [Mỹ]," ông nói.

Ông Hao Hong cũng tin rằng nhu cầu của thị trường Trung Quốc với đậu tương Mỹ sẽ tăng trở lại khi nền kinh tế phục hồi trong nửa cuối năm nay, bởi Trung Quốc vẫn là nhà nhập khẩu đậu tương lớn nhất thế giới mà Mỹ là một nguồn cung then chốt.

Mời độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại