1 nước xé thỏa thuận, chặn trang bị Nga rồi gửi thẳng Ukraine: Nga cảnh cáo nóng, hé lộ thứ về tay Kiev

Minh Nhật |

Trước đó, nước này được dự đoán có thể đưa 20.000 quân tới Ukraine, đẩy mạnh các nỗ lực chống Nga.

Lithuania chặn lô hàng quân sự Nga, đưa thẳng tới Ukraine

Trang tin Business Insider (Mỹ) ngày 7/10 dẫn thông tin từ các quan chức hải quan Lithuania cho biết, lực lượng của họ đã chặn các lô hàng tiếp tế quân sự đang được vận chuyển bằng đường sắt tới Moscow, sau đó gửi thẳng chúng tới Ukraine.

Trong quá trình làm nhiệm vụ kiểm tra toa tàu ở biên giới tây nam Lithuania từ ngày 27/9 – 2/10, lực lượng này đã tìm thấy các kiện hàng chứa lưới và quân ngụy trang trong 4 lô hàng riêng biệt. Các lô hàng được vận chuyển từ Kaliningrad (vùng lãnh thổ tách biệt của Nga nằm giáp Lithuania và Ba Lan) tới Moscow.

Theo hải quan Lithuania, những lô hàng này được phân loại là hàng quân sự và cần có giấy phép đặc biệt. Họ suy đoán rằng, chúng có khả năng được các nhóm ủng hộ Nga gửi tới để hỗ trợ cho cuộc chiến của Nga tại tại Ukraine.

Tuyến đường sắt qua Lithuania là tuyến đường vận chuyển hàng hóa trực tiếp nhất từ Kaliningrad tới Moscow. Ảnh: BI

Ngoài các lô hàng trên, theo Business Insider, tuyến đường sắt đi xuyên qua Lithuania, nối Kaliningrad với Moscow, gần đây đã ghi nhận một số vụ việc đáng chú ý.

Ví dụ, theo tờ Kyiv Independent, trên thân một toa tàu bỗng xuất hiện chữ "Z" – biểu tượng được quân đội Nga đánh dấu trên các phương tiện quân sự tham chiến ở Ukraine, và một toa khác thì xuất hiện dòng chữ nói rằng thủ đô Vilnius của Lithuania là "thành phố của Nga".

Hiện Lithuania – quốc gia thuộc Liên Xô cũ – là một trong những đồng minh trung thành nhất của Ukraine. Theo Viện Kinh tế thế giới Kiel, khi xét về mức viện trợ gửi tới Ukraine tính theo tỷ lệ phần trăm GDP thì Lithuania chỉ đứng sau Đan Mạch và Estonia.

Cũng theo Kiel, Lithuania đã gửi 812 triệu USD viện trợ quân sự và 110 triệu USD viện trợ nhân đạo cho Ukraine trong khoảng thời gian từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt (tháng 2/2022) đến tháng 6 năm nay, tương đương 1,43% GDP của Lithuania.

Mặc dù Mỹ gửi nhiều hơn - khoảng 75 tỷ USD viện trợ kết hợp quân sự, nhân đạo và tài chính trong cùng khoảng thời gian trên – thì số tiền đó cũng chỉ chiếm khoảng 0,35% GDP của Mỹ.

Vào tháng 3 năm nay, khi trả lời phỏng vấn của Business Insider, Thủ tướng Lithuania Ingrida Šimonytė nhấn mạnh: "Nếu [Tổng thống Nga] Putin không bị ngăn chặn ở Ukraine thì bất cứ điều gì xảy ra tiếp theo đều sẽ trở thành vấn đề của toàn châu Âu".

Tới tháng 5, khi trả lời tờ Financial Times (FT), Thủ tướng Simonyte tuyên bố Lithuania sẵn sàng đưa binh sĩ tới Ukraine tham gia sứ mệnh huấn luyện, bất chấp mối đe dọa hạt nhân từ Nga.

Theo kênh truyền hình Tsargrad TV (Nga), 20.000 binh sĩ Lithuania có thể được đưa tới Ukraine nếu Lithuania đưa ra quyết định chính thức. Chính quyền Vilnius cho biết, họ "chỉ chờ đề nghị từ Kiev".

Lithuania là một trong những đồng minh trung thành nhất của Ukraine (Trong ảnh: Thủ tướng Lithuania Ingrida Simonyte. Nguồn: FT)

Lithuania xé thỏa thuận với Nga

Ngoài chặn lô hàng quân sự của Nga, hãng thông tấn Interfax (Nga) đưa tin, Quốc hội Lithuania vừa hủy bỏ 3 thỏa thuận quốc tế ký kết từ năm 1999 với Nga và Belarus liên quan tới hợp tác kinh tế.

Chúng bao gồm hai thỏa thuận giữa Lithuania với Belarus và Nga về thúc đẩy và bảo vệ đầu tư, cùng một thỏa thuận về tránh đánh thuế lần 2 với Moscow.

90-96 thành viên của Quốc hội Lithuania đã bỏ phiếu "đồng ý" cho mỗi dự luật, 1 thành viên bỏ phiếu "chống" và một số người khác bỏ phiếu trắng.

Trước đó, bằng cách cung cấp các đảm bảo, chống lại việc trưng thu tài sản và thiết lập cơ chế chuyển tiền đầu tư không giới hạn ra nước ngoài, các thỏa thuận này đã tạo cơ sở pháp lý cho 3 nước thuận lợi đầu tư lẫn nhau.

Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Lithuania tuyên bố việc hủy bỏ các thỏa thuận trên sẽ không gây ra hậu quả tiêu cực cho quốc gia này, đồng thời lưu ý, quyết định chấm dứt hiệp định sẽ có hiệu lực sau 12 tháng.

Trong khi đó, với việc Lithuania hủy bỏ thỏa thuận về tránh đánh thuế hai lần đối với thu nhập và vốn (ký kết cách đây 25 năm) thì thuế thu nhập và thuế doanh nghiệp đối với các công dân/doanh nghiệp Nga có nguồn thu từ Lithuania sẽ tăng từ 0-10% lên 20%.

Trước đó, vào tháng 6/2024, Quốc hội Lithuania đã hủy bỏ hiệp ước về hỗ trợ pháp lý với Nga.

Đức chính thức đưa quân tới Lithuania, áp sát biên giới Nga. Ảnh: Euro News

Phô trương sức mạnh trước Nga

Theo tờ Gazeta (Nga), mặc dù từng là một quốc gia thuộc Liên Xô cũ nhưng Lithuania giờ đây là một trong số các quốc gia NATO đang chuẩn bị ứng phó cái mà họ gọi là "cuộc xâm lược từ Nga". Nước này đang tăng cường chi tiêu quân sự và xây dựng tuyến phòng thủ dọc theo biên giới dài 1.000 dặm giữa Nga, Lithuania, Estonia và Latvia.

Trong cuộc phỏng vấn với cổng thông tin Delfi (cập nhật tin tức tại Baltic) ngày 7/10, Trung tá Bas Schillemans, chỉ huy tiểu đoàn Đức-Hà Lan tại Lithuania cho biết, sự hiện diện của lực lượng NATO tại nước cộng hòa Baltic này là "một tín hiệu gửi tới Nga".

Trước đó, vào tháng 4 năm nay, Đức đã chính thức triển khai quân đội tới Lithuania, với nhóm đầu tiên gồm 20 binh sĩ.

Đến cuối năm nay, sẽ có thêm 150 lính Đức được điều tới đây. Dự kiến, tới cuối năm 2027, tổng quân số Đức đóng tại Lithuania sẽ lên tới 5.000 người.

Hôm 3/10, cựu Thủ tướng Lithuania Andrius Kubilius - Ủy viên Quốc phòng tương lai của Châu Âu đã kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) chuẩn bị cho một cuộc đối đầu có thể xảy ra với Nga và kêu gọi thành lập một kho dự trữ đạn dược khẩn cấp cho EU trong trường hợp xảy ra xung đột.

Lithuania thu giữ được 5 chiếc quần ngụy trang. Ảnh: RIA

Phản ứng của Nga

Trả lời trang tin Lenta (Nga) ngày 7/10, Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Duma Quốc gia Nga về các vấn đề quốc tế Alexei Chepa lưu ý, kế hoạch của Lithuania nhằm "phô trương sức mạnh" trước Nga - như một phần trong nỗ lực tăng cường sự hiện diện của NATO tại quốc gia này - "là hành động đe dọa".

Ông Chepa cảnh báo Nga sẽ có các biện pháp liên quan tới động thái của Lithuania và NATO.

"Đây là một mối đe dọa đối với đất nước chúng ta (Nga), và chúng ta sẽ có biện pháp liên quan tới động thái triển khai của NATO. Sự hiện diện của NATO gần biên giới Nga và khả năng Ukraine gia nhập NATO là mối đe dọa đối với an ninh Nga" – Ông Chepa nói.

Chính phủ Nga hiện chưa đưa ra bình luận chính thức nào liên quan tới việc Lithuania chặn lô hàng quân sự chuyển tới Moscow. Tuy nhiên, khi đưa tin về sự vụ này, hãng thông tấn RIA Novosti cho biết, Lithuania chỉ thu được… 5 chiếc quần ngụy trang trong lô hàng.

Trước đó, Thống đốc Kaliningrad Anton Alikhanov chỉ trích chành động của Lithuania nhằm chặn các lô hàng từ Kaliningrad tới Moscow là "vi phạm quy tắc về quá cảnh tự do", đồng thời cáo buộc Vilnius đang tìm cách "bóp nghẹt" khu vực này.

Hãng tin RBC (Nga) lưu ý, Moscow đã nhiều lần yêu cầu Lithuania dỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế và coi chúng là công cụ gây áp lực bất hợp pháp, đồng thời gọi việc tịch thu tài sản của công dân hoặc tài sản nhà nước Nga là "hành vi trộm cắp".


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại