Xét xử Hoàng Công Lương: Làm rõ lời khai "sinh đôi" và cái "vỗ vai" bổ nhiệm

PV |

Tiếp tục phần bào chữa cho các bị cáo vụ chạy thận làm 9 người chết, sáng nay (25/5), luật sư Nguyễn Chiến đưa ra luận cứ bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương.

Lời khai “sinh đôi” cho thấy vi phạm nguyên tắc điều tra

Theo luật sư Chiến, bản luận tội của Viện kiểm sát (VKS) đã chuyển hóa chức năng khám chữa bệnh của bác sỹ Lương sang chức năng quản lý.

Mặc dù bản luận tội của VKS có thừa nhận việc ghi thêm vào sổ giao ban với nội dung phân công bác sỹ Lương có nhiệm vụ quản lý đơn nguyên Thận nhân tạo, nhưng VKS lại không xác định rằng việc ghi thêm này là vi phạm pháp luật.

Việc ghi thêm này nhằm buộc trách nhiệm quản lý của bác sỹ Lương nên cần xác định giá trị pháp lý.

Nội dung ghi thêm này tại phiên tòa đã được người làm chứng, người liên quan khai rõ về sự thật. Họ đã khai không hề nghe, không hề thấy phân công nhiệm vụ quản lý cho bác sỹ Lương, nhưng VKS vẫn đánh giá lời khai đó không phù hợp với lời khai tại cơ quan điều tra.

Xét xử Hoàng Công Lương: Làm rõ lời khai sinh đôi và cái vỗ vai bổ nhiệm - Ảnh 1.

Luật sư Nguyễn Chiến (người đứng) đang bào chữa cho Hoàng Công Lương.

Về lời khai “sinh đôi” được luật sư Chiến đưa ra trong phần xét hỏi (lời khai giống hệt nhau của Hoàng Công Lương và ông Hoàng Đình Khiếu - nguyên Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình), luật sư tiếp tục quan điểm cho rằng cơ quan tiến hành tố tụng đã vi phạm nguyên tắc tố tụng.

“Họ đã khai công khai tại phiên tòa rằng họ không chứng kiến thì rõ ràng họ không biết việc bác sỹ Lương được phân công nhiệm vụ.

Để có lời khai tại cơ quan điều tra, họ đã được cho xem sổ giao ban có nội dung ghi thêm của điều dưỡng Đinh Tiến Công.

Điều tra viên đã không để họ tự khai mà lại đưa ra những tài liệu chứng cứ, vi phạm quy định về pháp luật tố tụng trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ cũng như lấy lời khai”, luật sư Nguyễn Chiến lập luận.

Tuy nhiên, phần luận tội của VKS cho rằng hoàn toàn không nói đến việc 2 lời khai giống nhau.

“Việc này không phải đơn giản liếc qua là thấy mà chúng ta phải phân tích kỹ càng. Việc đưa lời khai của người khác cho bị can xem về nguyên tắc là không được phép”, luật sư Chiến nói.

Lời khai tại cơ quan điều tra về việc giao nhiệm vụ cho bác sỹ Lương, lời khai của ông Khiếu có 8 dòng, 80 chữ tại bút lục 1117.

Lời khai của bác sỹ Lương giống hệt nội dung, cũng 8 dòng, 84 chữ tại bút lục 961. Hai lời khai chỉ lệch nhau có 4 chữ, còn tất cả câu từ, cách sắp xếp giống hệt nhau.

Khác nhau 4 từ ở chỗ, lời khai ông Khiếu có 2 chữ “điều trị”, lời khai của Lương có thêm 2 chữ “chẩn đoán”.

Đây chính là nội dung cáo buộc bác sỹ Lương nhận nhiệm vụ quản lý để đẩy trách nhiệm của ông Khiếu sang cho Lương.

“Cái này rõ ràng không phải tự bác sỹ Lương khai mà là sự chuyển hóa do cán bộ điều tra chuyển đến để thông lời khai của ông Khiếu cho Lương khai nhận, vi phạm nghiêm trọng tố tụng”, luật sư Chiến nói.

VKS xác định ngay từ khi chưa thu được sổ giao ban, bác sỹ Lương đã có lời khai nhận về trách nhiệm của mình là quản lý.

Nhưng luật sư Chiến cho rằng lời khai trước đó đại diện VKS viện dẫn, bác sỹ Lương chỉ khai về trách nhiệm là quản lý về bác sỹ phục vụ nhiệm vụ khám chữa bệnh, không hề có trách nhiệm quản lý chung như ông Khiếu nói.

Chính vì vậy, lời khai của bác sỹ Lương ở những bản khai trước đó có 10 chữ đã được xóa, do không đúng với bản chất.

Trong lời khai này, nội dung thứ nhất là nhiệm vụ của bác sỹ ở khoa là nhiệm vụ chuyên môn khám chữa bệnh. Nhưng còn vế thứ hai, đại diện VKS cho rằng phù hợp với lời khai “sinh đôi” đã được xóa 10 chữ ở lời khai của Lương.

Hoàng Công Lương không thừa nhận việc điều tra viên viết thêm 10 chữ là "nhận nhiệm vụ quản lý phòng vật tư".

Chính vì thấy phù hợp nên bác sỹ Lương đã yêu cầu xóa 10 chữ và điều tra viên đã phải xóa. Bên cạnh lời khai đó có chữ viết của Hoàng Công Lương với nội dung: “Xóa 10 chữ”.

Trong lời khai này, Hoàng Công Lương nhận trách nhiệm của mình là chịu trách nhiệm điều trị và quản lý phân công điều trị cho các bác sỹ, chứ không liên quan gì đến hệ thống lọc nước RO.

“Việc đại diện VKS phản bác chứng minh lời khai sinh đôi của luật sư, cho rằng không có sự giống nhau từng dấu chấm dấu phẩy.

Nhưng xin thưa, không thể giống nhau như bản photo copy, nhưng 80 chữ là trùng lặp đấy. Hai người khai khác nhau không thể có chuyện giống nhau cả 80 chữ như vậy”, luật sư Nguyễn Chiến bào chữa.

Tại bản luận tội, đại diện VKS thừa nhận có nội dung giống nhau ấy và chỉ phản bác rằng không giống đến từng dấu chấm dấu phẩy, nhưng bản chất nội dung của lời khai là giống nhau.

Bổ nhiệm chỉ bằng “một cái vỗ vai”

Luật sư Nguyễn Chiến cũng đòi hỏi phải xem xét trách nhiệm của những người đứng đầu gồm Giám đốc Bệnh viện, các Trưởng - Phó các khoa, phòng.

Ông Chiến cho rằng không thể có chuyện người đứng đầu vô can để cấp dưới phải chịu trách nhiệm.

Đảm bảo nguyên tắc không bỏ lọt tội phạm và không làm oan người vô tội thì VKS hoàn toàn không có đánh giá xem xét về trách nhiệm của những người này. Do vậy, luật sư cho rằng VKS chưa làm hết trách nhiệm.

“Trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc để oan sai, bỏ lọt tội phạm thì như thế nào? Thời gian qua chúng ta xem nhẹ trách nhiệm người đứng đầu nên trên đẩy cho dưới, khi dưới bị đưa ra thì không biết kêu ai.

Xét xử Hoàng Công Lương: Làm rõ lời khai sinh đôi và cái vỗ vai bổ nhiệm - Ảnh 2.

Luật sư Nguyễn Chiến đề nghị phải xem xét trách nhiệm của những người đứng đầu Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình.

Thực tế, BVĐK tỉnh Hòa Bình đang có Phòng vật tư để chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn khi đưa vào sử dụng, chứ không phải là không có Phòng vật tư để bác sỹ phải chịu trách nhiệm thay phòng vật tư.

“Trưởng khoa, Trưởng phòng, Giám đốc, Phó Giám đốc ở đâu để một bác sỹ không được phân công trách nhiệm bằng bất cứ văn bản nào theo đúng luật viên chức lại phải chịu trách nhiệm, rồi cuối cùng cơ quan tố tụng dựa vào phân công miệng ấy để buộc tội.

Việc bổ nhiệm phải có văn bản, quy trình, đề xuất đàng hoàng, chứ không phải chỉ một cái vỗ vai trong cuộc họp giao ban”.

Việc VKS cho rằng bác sỹ Lương buộc phải biết quy trình, luật sư Chiến đặt câu hỏi: “Vậy văn bản nào quy định việc này? Nếu có làm sao để biết được?”

Ngoài các nội dung chính nói trên, tại phần bào chữa của mình, luật sư Chiến cũng đọc lại nội dung phân tích của bác sỹ Bùi Nghĩa Thịnh, một bác sỹ tại TP.HCM về chuyên môn RO.

Theo đó, bác sĩ Thịnh phân tích việc vì sao tháng 2/2017 Bùi Mạnh Quốc vệ sinh hệ thống lọc RO có sử dụng hóa chất HF và HCL nhưng lại không xảy ra sự cố y khoa.

Sự khác nhau giữa hai lần thực hiện là trong lần sửa chữa ngày 28/5/2017, Quốc đã tháo vỏ màng lọc ra để sục rửa nên để lại lượng tồn dư hóa chất trong đường ống.

Về việc không cấm xuất cảnh đối với ông Trương Quốc Dương - Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình, VKS viện dẫn Nghị định 36 để cho rằng không chịu trách nhiệm trong việc để ông Dương xuất cảnh, nhưng luật sư Chiến cho biết Nghị định này đã hết hiệu lực và đã được thay thế tại Nghị định số 07.

Và theo Nghị định 07 thì những người có liên quan đến vụ án đang điều tra sẽ không được phép xuất cảnh.

Kết thúc phần bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương, luật sư Chiến đề nghị HĐXX tuân thủ đúng giờ giấc hành chính, vì các luật sư còn có nhiều việc khác chứ không phải chỉ mỗi việc xét xử như HĐXX.

Trong những ngày qua, HĐXX thường bắt đầu làm việc từ 8h30 và kết thúc vào khoảng hơn 11h trong buổi sáng; buổi chiều làm việc từ 14h30 và kết thúc vào 16h30.

Đặc biệt, trong ngày hôm qua, 24/5, HĐXX bắt đầu làm việc từ 8h45 sáng và kết thúc ngày làm việc vào lúc 16h15.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại