Vụ sập hầm: Vì sao chưa mời chuyên gia cứu nạn quốc tế?

Nguyễn Huệ |

Liên quan tới vụ sập hầm thủy điện ở Lâm Đồng, ông Vũ Thế Chiến cho hay, chúng ta đã trang bị được máy khoan đường hầm, trục khoan… Năng lực mình đảm bảo để cứu nạn.

Khoảng 7 giờ sáng ngày 16/12, tại công trình thủy điện Đa Dâng - Đạ Chomo, xã Lát, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng đã xảy ra vụ tai nạn sập hầm thủy điện khiến 12 công nhân mắc kẹt.

Trao đổi với chúng tôi về công tác cứu nạn tại công trình thủy điện Đa Dâng - Đạ Chomo, ông Vũ Thế Chiến – Phó Chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn cho hay:

“Trong vụ sập hầm này, có điểm phát sinh là nước trong đó dâng lên cao hơn bình thường. Ở đây gặp nhiều khó khăn do địa chất rất khó đào.

Trong hai ngày, lực lượng cứu nạn tập trung khoan đường ống thứ 2 để hút nước ở trong ra. Một đường ống bơm khí và đưa thức ăn vào và một đường ống hút nước ra. Sau đó mới tiến hành mở lối đưa người vào cứu nạn.

Lực lượng cứu nạn xác định đường không khí trong đó vẫn đảm bảo được cho công nhân thở nhưng do ngập nước nên các công nhân bị mắc nạn trong đó sẽ lạnh”.

Nước trong hầm (Ảnh: Lao động)
Nước trong hầm (Ảnh: Lao động)

Đồng thời, ông Chiến cũng nhấn mạnh thêm:

“Khi sự việc vừa xảy ra chúng ta đã xác định được phương án, vị trí, xác định được không khí còn trong đó.

Quy trình của thế giới cũng làm như mình.

Chúng ta đã trang bị được máy khoan đường hầm, trục khoan… Năng lực mình đảm bảo để cứu nạn. Chính vì vậy, hiện nay chúng ta chưa cần đến sự trợ giúp của thế giới.

Hiện tại những cứu hộ, cứu nạn trên biển cũng như vụ sập hầm chúng ta hoàn toàn làm chủ được khả năng này”.

Cũng theo chia sẻ của ông Chiến, Việt Nam đã có một Trung tâm Cấp cứu mỏ. Lực lượng ở đây thường xuyên học tập nâng cao nghiệp vụ đồng thời trao đổi kĩ năng với người nước ngoài.

Ngay sau khi vụ sập hầm xảy ra, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn đã cử một chuyên gia của Trung tâm Cấp cứu mỏ di chuyển từ Quảng Ninh vào đó để hỗ trợ về các phương án.

Đồng thời nhiều thiết bị máy móc liên quan cũng được vận chuyển từ TP. HCM tới hiện trường để hỗ trợ.

Ảnh: Tuổi trẻ
Ảnh: Tuổi trẻ

Trong ngày 17/12, toàn bộ lực lượng của một tiểu đoàn công binh thuộc Quân khu VII đã được điều động lên đó để giúp sức.

Tại khu vực tìm kiếm được trang bị nhiều thiết bị để dò tìm trong hầm, trong đổ nát, thiết bị thổi gió để tạo không khí vào rồi máy hút nước, đèn pha… đảm bảo cho công tác đào hầm thông suốt 24/24.

“Công tác cứu nạn này là vấn đề nhân đạo. Rất nhiều lực lượng, đơn vị đã được huy động.

Sáng 18/12, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn đã có mặt tại hiện trường vụ sập hầm để trực tiếp chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn.

Chúng ta tập trung sớm nhất những gì có trong tay để nhanh chóng cứu những nạn nhân này” – ông Vũ Thế Chiến chia sẻ.

Công tác cứu hộ vẫn liên tục diễn ra…

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại