Thí điểm GrabCar: Sẽ "siết” các xe hợp đồng “trá hình” xe khách

GrabCar có 2 chức năng bao gồm phần mềm quản lý và khi trở thành đơn vị kinh doanh thì ứng dụng công nghệ để kết nối với điều kiện kinh doanh vận tải.

Theo đại diện các cơ quan chức năng, Đề án thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (Đề án GrabCar) sẽ giúp đơn vị vận tải tiết kiệm chi phí về quản trị doanh nghiệp và Nhà nước thuận lợi trong việc quản lý về xe hợp đồng trong khi mang đến nhiều sự lựa chọn đa dạng cho hành khách.

Doanh nghiệp giảm phí, Nhà nước quản chặt hơn

Tại Hội nghị triển khai kế hoạch thí điểm xe hợp đồng điện tử GrabCar vào sáng 26/1, theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ, trong thời gian gần đây, ở Việt Nam đã xuất hiện một số ứng dụng phần mềm hỗ trợ việc kết nối giữa hành khách và đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải hành khách như: GrabTaxi, LiveTaxi, TaxiChiềuVề, AdTOS, Vrada hay VinasunApp.

Điều này phản ánh xu thế phát triển của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực giao thông vận tải của quốc tế và Việt Nam.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Thọ cũng đánh giá, hoạt động này cũng bộc lộ một số bất cập, chưa phù hợp với quy định hiện hành về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô.

Trên cơ sở này, Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu và tham mưu trình Chính phủ cho phép ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý xe theo hợp đồng.

Sau đó, Thủ tướng Chính phủ đồng ý và giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì thực hiện thí điểm ở 5 địa phương gồm Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh (từ 2016-2018).

“Kinh doanh vận tải hiện có 5 loại hình là xe buýt, xe taxi, xe hợp đồng, xe du lịch, xe khách chạy cố định. Nếu ứng dụng thành công, Đề án thí điểm này thì sẽ ứng dụng đồng loạt trong lĩnh vực vận tải,” Thứ trưởng Thọ khẳng định.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng, việc triển khai thực hiện Đề án thí điểm GrabCar là căn cứ thực tiễn quan trọng để hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến các dịch vụ công nghệ thông tin hỗ trợ kinh doanh vận tải ôtô, đặc biệt là quản lý hoạt động kinh doanh vận tải theo hợp đồng và vận tải khách du lịch.

“Với ứng dụng này, những thông tin về hợp đồng vận tải sẽ được cung cấp đủ cho các cơ quan quản lý Nhà nước, bảo đảm khả năng giám sát, phân biệt rõ giữa hoạt động vận tải hợp đồng, xe du lịch và xe khách, khắc phục triệt để xe hợp đồng ‘trá hình’ xe khách.

Ngoài ra, ứng dụng sẽ giúp đơn vị vận tải tối ưu hóa hành trình phương tiện, giảm giá thành vận tải, nâng cao sức cạnh tranh đồng thời giảm giá vé cho hành khách...,” ông Hùng nhìn nhận.

Ông Vương Ngọc Tuấn, Phó Tổng thư ký Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đánh giá, Đề án thí điểm xe hợp đồng điện tử của Bộ Giao thông Vận tải là một trong những chính sách đề cao lợi ích người tiêu dùng, lấy người tiêu dùng làm trung tâm.

“Đề án này sẽ giúp thúc đẩy tính cạnh tranh của thị trường vận tải hành khách và mang lại nhiều sự lựa chọn đa dạng cho người tiêu dùng.

Cạnh tranh luôn là động lực tốt nhất để thúc đẩy việc giảm giá, cuối cùng người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi,” ông Tuấn nhấn mạnh.


GrabCar sẽ giúp đơn vị vận tải tiết kiệm chi phí về nhiên liệu, quản trị và xe không phải chạy rỗng khách ngoài đường.

GrabCar sẽ giúp đơn vị vận tải tiết kiệm chi phí về nhiên liệu, quản trị và xe không phải chạy rỗng khách ngoài đường.

Đóng cửa nếu kinh doanh trái luật

Tại hội nghị, đại diện các Sở Giao thông Vận tải địa phương - nơi có Đề án GrabCar thí điểm cho rằng, hoạt động kinh doanh vận tải hành khách cạnh tranh rất quyết liệt, đặc biệt quản lý xe hợp đồng hiện cực kỳ khó khăn.

Xe hợp đồng nhưng chạy chui lủi, gom khách trên nhiều tuyến đường. Việc đưa ra Đề án thí điểm này đòi hỏi phải nâng cao chất lượng phục vụ tốt, sự hài lòng của hành khách và hạ giá thành về vé, thời gian và nhiêu liệu...

Theo ông Nguyễn Văn Dần, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Khánh Hòa, địa phương có 3.000 xe khách, 1.000 chiếc taxi và 8.000 xe tải trong khi cán bộ quản lý vận tải chỉ có hai người, nếu không ứng dụng khoa học công nghệ vào lĩnh vực vận tải thì rất khó quản lý.

Tuy nhiên, ông Dần cho rằng, hiện nay Hợp tác xã kinh doanh vận tải lại có 2 loại hình là Hợp tác xã kinh doanh và Hợp tác xã dịch vụ.

Vậy có nên cho Hợp tác xã dịch vụ tồn tại hay không? bởi trên danh nghĩa giấy tờ, Hợp tác xã dịch vụ có hết nhưng thực tế không phải vậy.

“Tại tỉnh, có nhiều xe vẫn kinh doanh ở Khánh Hòa nhưng lại Hợp tác xã quản lý ở Thành phố Hồ Chí Minh. Vấn đề đặt ra với Grab cũng như vậy. Xe nộp cho Grab một khoản phí ông thích làm gì thì làm là không được,” ông Dần phản biện.

Do vậy, ông Dần kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải cần giao cho Tổng Cục đường bộ Việt Nam sớm có phương án quản lý Hợp tác xã dịch vụ vận tải xem có nên đưa đối tượng này vào thí điểm không?

“Quan điển của Khánh Hòa thì chưa nên cho Hợp tác dịch vụ vận tải thí điểm,” ông Dần nói.


GrabCar sẽ được thí điểm ở 5 địa phương gồm Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh.

GrabCar sẽ được thí điểm ở 5 địa phương gồm Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh.

Trả lời trực tiếp ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng, đơn vị nào hoạt động kinh doanh không thực hiện theo quy định của pháp luật thì sẽ phải “đóng cửa”.

“Trong trường hợp Hợp tác xã nào đó giả danh, mua được phù hiệu hoạt động không đúng luật thì Grab không nên hợp tác vì những Hợp tác xã này chắc chắn sẽ gây nên phiền toái,” ông Hùng khuyến cáo.

Bổ sung thêm, Thứ trưởng Lê Đình Thọ quả quyết, vận tải hành khách phải là mô hình doanh nghiệp hoặc Hợp tác xã, còn hộ cá thể tham gia xe chạy vận tải thì phải tham gia vào hai loại hình kia. Số lượng phương tiện phải có, tránh kinh doanh tự do.

“GrabCar có 2 chức năng bao gồm phần mềm quản lý và khi trở thành đơn vị kinh doanh thì ứng dụng công nghệ để kết nối với điều kiện kinh doanh vận tải.

Không những thí điểm 5 tỉnh này mà còn ở các địa phương khác vì mục tiêu của ta là ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý vận tải và mang lại dịch vụ tốt nhất giữa người sử dụng vận tải,” Thứ trưởng nói.

Liên quan đến thực tế các hãng taxi như Vinasun, Mai Linh cũng triển khai phần mềm này, vậy có phải trình lên Bộ Giao thông Vận tải Đề án thí điểm giống như Grab hay không?

Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết, taxi không cần thí điểm, nhưng với xe hợp đồng thì phải làm. Vinasun là hãng taxi, thay việc gọi cho tổng đài thì hành khách ứng dụng phần mềm để gọi xe nên tất cả các doanh nghiệp đều tự xây dựng phần mềm để ứng dụng.

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Lê Đình Thọ đề nghị các Sở Giao thông Vận tải cùng với Grab triển khai ngay tại địa phương phải đề ra kế hoạch cụ thể, nội dung công việc, trong quá trình triển khai có vướng mắc báo cáo về Bộ, lực lượng Cảnh sát giao thông tăng cường kiểm tra chấp hành pháp luật về vận tải đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc kinh doanh tốt nhất.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại