Sau cái chết của 6 nạn nhân trong vụ hỏa hoạn tại “hợp tác xã” nghệ thuật mang tên Zone 9, khu đất có diện tích 11.227 m2 này đang trở thành đề tài nóng được dư luận quan tâm.
Trao đổi với chúng tôi, bà Phát Lộc, Giám đốc Sàn giao dịch bất động sản Phát Lộc (Hàng Chuối, Hà Nội) cho biết: Do nằm gần trung tâm Tp.Hà Nội, cách khu vực Hồ Gươm không xa nên giá đất tại đường Trần Thánh Tông rất đắt.
“Zone 9 nằm ở khu Đại học Dược gần nhà tang lễ Quốc gia, có 2 mặt tiền, một cổng ở số 9 Trần Thánh Tông, một cổng ở Nguyễn Huy Tự, giá thị trường hiện nay rơi vào khoảng 300 triệu đồng/m2” – bà Lộc nói.
Như vậy, với diện tích 11.227 m2, theo giới bất động sản, giá trị lô đất này có thể lên tới hơn 3.000 tỷ đồng.
Cũng theo đánh giá của giới địa ốc, khu đất Zone 9 có vị trí đẹp, gần vườn hoa Yécxanh (trên đường Lê Quý Đôn), gần Đại học Dược Hà Nội, giao thông thuận lợi nên mỗi tấc đất tại đây đúng là “tấc vàng”. Do vậy, Zone 9 có thể trở thành “mỏ vàng” nếu quy hoạch, xây dựng với mục đích kinh doanh thu lợi nhuận.
Tuy nhiên, “điều đáng ngạc nhiên là: Khu đất này là khoảng đất thuộc quyền sử dụng của Nhà nước, Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương 2 (gọi tắt là công ty Dược 2) chuyển đi, lẽ ra Nhà nước phải thu hồi lại. Tại sao bây giờ lại trở thành khu kinh doanh, buôn bán, vui chơi, giải trí của giới trẻ?”- TS. Phạm Sỹ Liêm - Phó Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Xây dựng thắc mắc.
Bởi theo lý giải của TS.Liêm: “Đất của Nhà nước, nếu công ty Dược 2 chuyển đi chỗ mới thì phải trả chỗ cũ lại cho Nhà nước. Hoặc nếu bán đi thì phải được Thành phố cho phép. Nhưng câu hỏi đặt ra là tại sao Thành phố lại cho phép bán mà không thu hồi?!”.
Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, đối với Zone 9, nếu là khu đất quy hoạch, Nhà nước nên xem xét khu vực đường Trần Thánh Tông nói riêng và quận Hai Bà Trưng nói chung, thiếu nhu cầu gì thì làm công trình phục vụ nhu cầu đó, chứ không phải xây để kiếm lợi nhuận.
Được biết, trước tháng 10/2012, khu đất mang tên Zone 9 được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao cho công ty Dược 2 quản lý, sử dụng. Thực hiện chủ trương di dời cơ sở sản xuất không còn phù hợp ra khỏi nội đô, được sự chấp thuận của cơ quan cấp trên là Bộ Y tế, Tổng Công ty Dược Việt Nam, công ty Dược 2 đã hợp tác với các đối tác thành lập nên công ty Bình An để tạo nguồn lực hỗ trợ Công ty Dược 2 đầu tư xây dựng nhà máy và dây chuyền sản xuất mới tại Khu công nghiệp Quang Minh (Huyện Mê Linh), đồng thời xin cơ quan chức năng cho lập dự án đầu tư tại khu đất di dời (số 9 Trần Thánh Tông) nhằm hoàn vốn cho các đơn vị hợp tác.
Ngày 11/02/2010, UBND Tp.Hà Nội đã ban hành văn bản chấp thuận chủ trương cho công ty Bình An làm chủ đầu tư, lập và triển khai dự án tổ hợp văn phòng làm việc, trung tâm thương mại và nhà ở tại số 9 Trần Thánh Tông.
Ngày 21/05/2013, thừa ủy quyền của UBND Tp.Hà Nội, Sở Quy hoạch – Kiến trúc có văn bản phê duyệt điều chỉnh quy hoạch cục bộ cho phép công ty Bình An chuyển đổi chức năng sử dụng đất làm Tổ hợp công trình văn phòng làm việc, trung tâm trưng bày và giới thiệu sản phẩm.
Việc chuyển nhượng quyền quản lý, sử dụng lô đất từ công ty Dược 2 chuyển qua công ty Bình An rồi chuyển đổi mục đích sử dụng làm Tổ hợp công trình văn phòng làm việc, trung tâm trưng bày và giới thiệu sản phẩm, theo quan điểm của TS.Liêm là không thỏa đáng. “Chắc phải được cơ quan chức năng bật đèn xanh” hoặc phải có sự lo lót, bôi trơn đằng sau những giao dịch này - TS.Liêm nói.
“Mọi việc đang rất rối rắm. Tôi đề nghị thành phố nên thu hồi lại lô đất đó, chứ không thể thừa nhận việc chuyển giao hay mua bán trên. Sau này, lô đất quy hoạch thành khu thương mại hay công trình gì thì cần bán đấu giá để thu vào quỹ cho nhà nước” – TS.Liêm nhấn mạnh.
Ngoài ra, mục đích sử dụng lô đất Zone 9 quy hoạch thành Tổ hợp công trình văn phòng làm việc, trung tâm trưng bày và giới thiệu sản phẩm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Sỹ Liêm cũng cho rằng: Quy hoạch này không hợp lý.
Bởi lẽ, Trung tâm Tp.Hà Nội không thiếu các công trình văn phòng làm việc, trung tâm trưng bày hay giới thiệu sản phẩm, trong khi đó, Hà Nội lại đang rất cần không gian công cộng, khu vui chơi, thể thao hay công viên,...
“Đặc biệt, lô đất tại số 9 Trần Thánh Tông ngay cạnh Đại học Dược, nếu quy hoạch thành khu vui chơi, thể thao cho sinh viên cũng rất tốt. Hoặc cạnh nhà tang lễ luôn khó khăn trong việc tìm chỗ để xe, nếu số 9 Trần Thánh Tông thành bãi giữ xe cho nhân dân thì cũng hay” – TS.Liêm đưa ra ý kiến.