Cư dân Zone 9 phản đối việc đóng cửa
Trước thông tin của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo yêu cầu chấm dứt hoạt động kinh doanh, sửa chữa tại khu đất Zone 9 (số 9 Trần Thánh Tông, Hai Bà Trưng, Hà Nội), các hộ có cửa hàng ở đây đều tỏ ra hoang mang.
“Chúng tôi đều rất sốc khi nghe được thông tin Zone 9 đóng cửa. Nếu điều đó xảy ra, hàng loạt doanh nghiệp kinh doanh tại đây đều đứng trước nguy cơ phá sản. Hơn 1.000 người lao động đang làm việc tại Zone 9 cũng sẽ thành người thất nghiệp. Từ trước tới nay, an ninh trật tự ở đây không có gì đáng chê trách, sự kiện vừa rồi khiến chúng tôi quá đau xót”, chị Nguyễn Thị Lý, quản lý cửa hàng cà phê 247 tại khu “art district” Zone 9 chia sẻ.
Hầu hết các hộ kinh doanh tại “chợ nghệ thuật” Zone 9 đều tha thiết đề nghị các cấp thành phố, chính quyền địa phương xem xét để Zone 9 tiếp tục hoạt động vì “đây là vấn đề sống còn của nhiều doanh nghiệp, kiến trúc sư, nhiều họa sĩ, nghệ sỹ, nhiếp ảnh gia…”, chị Lý nói.
Những người đã gắn bó với khu đất đổ nát này từ những ngày đầu, không gian Zone 9 thực sự là nơi cộng hưởng cho những sản phẩm giàu sáng tạo.
Các hộ kinh doanh tại Zone 9 đang đấu tranh để bảo vệ khu "“art district" này.
Với họ, việc xóa sổ Zone 9 thì dễ nhưng xóa bỏ thành quả của bao người đã và đang xây dựng nên Zone 9 là một bất công. Lập luận của họ là không thể vì 10.000 người chết mỗi năm mà đóng cửa những con đường quốc lộ. Hay không thể vì những công nhân bị rơi từ tòa nhà Kengnam mà bỏ hoang tòa nhà cao nhất Hà Nội.
“Zone 9 là một không gian tốt để thăng hoa, là nơi để mọi người thỏa sức đưa ra những ý tưởng, thả hồn cùng cảm xúc. Ở Hà Nội kiếm ở đâu có nhà kho kí gửi, nơi khách hàng không thích mặc quần áo này thì có thể đem ra cửa hàng kí gửi và bán cho người khác. Ở đâu có một quần thể với hàng chuỗi những câu chuyện kinh doanh, thiết kế nội thất, kiến trúc, quy hoạch, những tương tác giữa văn hóa, nghệ thuật với đời sống, kinh doanh “có một không hai”?”, ông Nguyễn Thế Truyền, luật sư – Giám đốc công ty luật Thiên Thanh, đang hoạt động kinh doanh tại khu đất Zone 9 bày tỏ.
Ông Truyền cho rằng: “Dù UBND TP.Hà Nội hay Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Bình An - nhà đầu tư được quyền tiếp cận lô đất rộng tới hơn 11 ngàn m2 này, muốn các hộ ở đây dừng việc kinh doanh thì phải có những giải trình thích đáng với chúng tôi, bởi các hộ đều kinh doanh hợp pháp”.
"Chúng tôi đang cố gắng cải tạo khu đất hoang để xây dựng Zone 9 thành khu vui chơi giải trí lành mạnh, trong sáng, mang tính chất nghệ thuật cao, tại sao lại cấm chúng tôi?”, chị Giang Trang, một chủ cửa hàng kinh doanh cà phê tại Zone 9 thắc mắc.
Zone 9 - nơi "sang chảnh"
Đối với giới trẻ Hà Thành, Zone 9 từ nửa năm nay đã trở thành một điểm hẹn quen thuộc, là điểm đến "sang chảnh" vào mỗi tối bởi họ coi nó là một “Paris thu nhỏ” với đầy đủ các thú vui mà giới trẻ cần, bao gồm: mua sắm, vui chơi, cafe, bar, studio, các lớp học nhảy, múa,...
Điểm đặc biệt ấn tượng, thu hút khiến giới trẻ thích thú đó là không gian cổ kính, xưa cũ có phần đổ nát của Zone 9. Nhiều nhà văn đã từng ghé qua đều công nhận: Zone 9 là một địa điểm đẹp, "đó là một không gian đậm chất nghệ sĩ".
Thậm chí, các hộ kinh doanh tại đây cho biết: Thị trưởng Đức cũng đã từng tổ chức sự kiện tưng bừng 1 đêm tại Zone 9, bên cạnh đó, đại sứ quán Pháp cũng rất ủng hộ, rất thích thú với khu “hợp tác xã nghệ thuật” này.
Mgười đều coi việc kinh doanh tại Zone 9 là một cuộc chơi mà đôi bên cùng có lợi. Kinh doanh tự gắn bó với nghệ thuật, kết nối với văn hóa, giáo dục, mở lối cho du lịch, dần hướng đến chăm sóc sức khỏe tinh thần của cư dân đô thị. Chính quyền không phải chi thêm một nguồn tài chính, chủ đầu tư lớn có một giải pháp tình thế, doanh nghiệp có chỗ kiếm tiền, nghệ sỹ có không gian sáng tạo, người dân có thêm những giá trị gia tăng trong đời sống tinh thần vốn khá eo hẹp và khô khan của mình.
Vậy tại sao lại phải đóng cửa Zone 9?
Chủ tịch UBNDTP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo phân tích: Hoạt động kinh doanh ở nơi không đủ điều kiện, gây hậu quả nghiêm trọng, cho thuê lại linh tinh… đó là lý do mà Zone 9 phải đóng cửa. Đồng thời, ông Thảo cũng nhấn mạnh: Công ty Bình An phải chấm dứt ngay kiểu kinh doanh đó.
Được biết, trước kia, nơi này do chính tay người Pháp xây dựng và đã trở thành nhà kho của Xí nghiệp dược phẩm TW2, số 9 Trần Thánh Tông thuộc phường Bạch Đằng (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Qua thời gian, nhà kho này xuống cấp trầm trọng về cơ sở thiết bị hạ tầng.
Thực hiện chủ trương di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi nội thành, Công ty Dược phẩm Trung ương 2 đã di dời máy móc thiết bị ra khỏi khu vực này.
Sau đó, theo hồ sơ lưu tại Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội, Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Bình An đã trở thành nhà đầu tư được quyền tiếp cận lô đất rộng tới hơn 11 ngàn m2, nằm cạnh Nhà tang lễ Quốc gia này.
“Tôi nghĩ, Công ty dược phẩm Trung ương 2 đã không cần đất nữa thì Nhà nước nên thu hồi lại để xây dựng thành khu trung tâm thương mại một cách tử tế. Để kinh doanh như hiện tại thì không đủ điều kiện về an toàn, công tác phòng chống cháy nổ và cơ sở hạ tầng không đảm bảo sẽ rất nguy hiểm”, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội trao đổi với chúng tôi về việc ủng hộ xóa bỏ Zone 9.
Bởi cách đây không lâu, vào 21/9, một tòa nhà trong khu Zone 9 bị sập lan can làm 2 người rơi từ tầng 4 xuống bất tỉnh.
“Tôi kiến nghị Nhà nước cần thu hồi lại đất vì họ đã cho thuê tức là không còn có nhu cầu sử dụng. Khu Zone 9 cần phải phá toàn bộ để xây lại, xây khu thương mại phục vụ nhu cầu của nhân dân. Đồng thời, cần phân lô rõ ràng, khu nào ăn uống, khu nào vui chơi, khu nào mua sắm,… Đặc biệt nghiêm cấm việc kinh doanh vũ trường bởi vũ trường là nơi dễ phát sinh tiêu cực, phải cẩn thận, không được kinh doanh lẫn với khu thương mại”, ông Phú nhấn mạnh.
Trước đó, Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Bình An dự kiến xây dựng 4 tòa nhà văn phòng trên diện tích 6.699 m2, tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 46,5 ngàn m2 trên diện tích 11.156 m2 của Zone 9.
Tuy nhiên không biết vì lý do gì, cho đến nay, khu đất này vẫn chưa được quy hoạch theo kế hoạch dự kiến đặt ra, mà lại trở thành nơi kinh doanh nhỏ lẻ và tự phát mang Zone 9.