Có một Nguyễn Bá Thanh... hay "cãi"

Hoàng Đan |

Nhà sử học Lê Duy Anh cho rằng, ở ông Nguyễn Bá Thanh toát lên đậm nét tính cách mạnh mẽ, dám nói, dám làm, dám "cãi" của người Đà Nẵng hiện nay và xứ Quảng trước đây.

>> Ông Nguyễn Bá Thanh và lá thư "bảo lãnh" đặc biệt
>> Ông Nguyễn Bá Thanh và chuyện "sờ túi" bà cụ mù
>> Ông Nguyễn Bá Thanh và 300.000 đồng cho người phụ nữ đi chân đất
>> 2 người sẵn sàng hiến tủy, máu cho ông Nguyễn Bá Thanh là ai?

Toát lên cái chất của người xứ Quảng xưa

Trong suốt những ngày qua, dù đi đến đâu ở Đà Nẵng, chúng tôi luôn được mọi người dân kể cho nghe rất nhiều những câu chuyện, những kỷ niệm liên quan đến vị cựu Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh.

Chia sẻ với chúng tôi, tại ngôi nhà riêng nằm trên đường Ngô Quyền, nhà sử học Lê Duy Anh, người được coi là một nhà "Đà Nẵng học" cho rằng, ở con người ông Nguyễn Bá Thanh toát ra rất rõ cái chất của con người Đà Nẵng nay và xứ Quảng xưa.

Cái chất của người Quảng Nam - Đà Nẵng ở ông Nguyễn Bá Thanh, trước hết chính là xuất phát từ ở cái tâm yêu quê hương, yêu đất nước, yêu đồng bào.

Cái chất đó cũng thể hiện ở chính cái dũng khí, cương trực, quyết đoán một cách quyết liệt của ông Thanh.

"Điều đó, như dân gian đã đúc kết đó là "Quảng Nam hay cãi". Xưa kia Quảng Nam (cũ) nghèo, đời sống kinh tế khó khăn. Vì thế, để vươn lên, người Quảng Nam chỉ còn biết phát triển trí tuệ.

Dân Quảng Nam chuyên cần, học giỏi, say mê sách vở, ham hiểu biết. "Cãi" ở đây là một phản ứng của con người trí tuệ. Khi người Quảng Nam cãi, họ vận dụng hết lý lẽ, câu chữ, thái độ để chân lý và sự công bằng được tôn trọng.

Trong mỗi kỳ họp hội đồng nhân dân thành phố hay các cuộc nói chuyện của ông Thanh khi còn ở Đà Nẵng đều thể hiện rõ cái chất đó. Ông luôn thẳng thắn chỉ ra các vấn đề còn tồn tại, còn chưa đúng.

Để từ đó, chấn chỉnh, đưa ra giải pháp vì sự công bằng, phát triển, đi lên của thành phố", nhà sử học Lê Duy Anh chia sẻ.

Nhà sử học Lê Duy Anh.
Nhà sử học Lê Duy Anh.

Cũng theo nhà sử học Lê Duy Anh, cái chất đó còn ở chỗ, ông Thanh dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Với ông Thanh, đã nói thì sẽ làm và làm tới cùng. Trong nhiều sự việc, dù có ý kiến nọ kia nhưng nếu thấy có lợi cho thành phố, cho người dân thì ông sẵn sàng đứng ra làm, sẵn sàng chịu trách nhiệm.

Nhờ vậy, nhiều công trình, dự án, chính sách hợp lòng dân, mang lại lợi ích lớn đã được thực thi, triển khai, giúp Đà Nẵng ngày càng chuyển mình, thay da đổi thịt...

Đồng thời, theo ông Anh, dù cương quyết, mạnh mẽ nhưng khi đưa ra các vấn đề, ông Nguyễn Bá Thanh đều tham khảo ý kiến các chuyên gia, nhà nghiên cứu.

Nhà sử học Lê Duy Anh nhấn mạnh: "Ông Bá Thanh luôn trân trọng những hiền tài và coi đó là nguyên khí, động lực để Đà Nẵng phát triển. Điều này có thể thấy rõ qua các chính sách thu hút người tài của thành phố.

Với riêng cá nhân tôi và nhiều anh em nghiên cứu văn hóa, lịch sử khác cũng thường xuyên được ông, khi còn làm ở Đà Nẵng mời lên nói chuyện, xin ý kiến về không ít vấn đề liên quan đến thành phố".

Đồng quan điểm với nhà sử học Lê Duy Anh, ông Phan Ngọc Mẫn (Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Thái Phiên, Đà Nẵng) cho rằng, cái chất Quảng Nam - Đà Nẵng trong ông Nguyễn Bá Thanh chính là sự quyết đoán, dám làm và làm tới cùng.

Ông Phan Tấn Mẫn.

Ông Phan Ngọc Mẫn.

Theo ông Mẫn, trong cách nói chuyện của ông Thanh bao giờ cũng đi thẳng vào vấn đề, ít quanh co, ít lý sự, không rào trước đón sau, nghĩ gì nói nấy.

"Khi làm việc thì lúc nào cũng vậy, anh luôn mạnh mẽ và quyết đoán vì lợi ích chung chứ không có tính chất lắt léo để giành cái tốt, cái lợi cho mình và đùn đẩy điều xấu cho người khác", ông Mẫn nói.

Được dân trọng vì làm được việc cho dân

Nhà sử học Lê Duy Anh cho rằng, sở dĩ ông Nguyễn Bá Thanh được người dân không chỉ Đà Nẵng mà cả nước mến trọng, chính là do ông đã làm được những việc có lợi cho dân, cho nước.

Thực tế, ai đến Đà Nẵng cũng có thể thấy, một thành phố đẹp, trong lành, rất đáng sống.

Thêm vào đó, phong cách gần gũi của ông Thanh cũng khiến người dân càng thêm trọng. Khi ông còn ở Đà Nẵng, người dân mang đơn đến tận nhà ông để xin giải quyết việc rất nhiều.

Nhà "Đà nẵng học" Lê Duy Anh bày tỏ: "Cánh cửa nhà ông Thanh lúc nào cũng mở để đón chào người dân vào. Ông tiếp mọi người, nghe mọi cuộc điện thoại mà người dân gọi đến, không phân biệt ai cả.

Những người nghèo, không có tiền, đến nhà ông, ông còn sẵn sàng bỏ tiền túi của mình ra cho để họ đi ăn sáng, đi xe ôm về...

Do đó, người dân không chỉ Đà Nẵng mà cả nước luôn kính trọng, quý mến ông".

Ông Phan Ngọc Mẫn cũng cho rằng, chính những việc làm, phong cách gần gũi, hết lòng vì nước, vì dân của ông Thanh là lý do để ông luôn được người dân kính trọng, quý mến.

"Nhìn cảnh người dân ra đón ông về Đà Nẵng trị bệnh có thể thấy rõ điều đó. Chúng tôi cũng mong sao những điều tốt lành sẽ đến với ông, bệnh tật sẽ qua đi để ông trở lại làm việc, giúp dân, giúp nước", ông Mẫn chia sẻ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại