Ông Nguyễn Bá Thanh và lá thư "bảo lãnh" đặc biệt

Hoàng Đan |

Nhờ lá thư "bảo lãnh" của ông Nguyễn Bá Thanh mà ông Trần Đình Trãi và bà Tôn Nữ Thanh Thu (Q. Cẩm Lệ, Đà Nẵng) mới nên duyên vợ chồng, chung sống hạnh phúc mấy chục năm qua.

>> Ông Nguyễn Bá Thanh và chuyện "sờ túi" bà cụ mù
>> 2 người sẵn sàng hiến tủy, máu cho ông Nguyễn Bá Thanh là ai?
>> Ông Nguyễn Bá Thanh và 300.000 đồng cho người phụ nữ đi chân đất

>> Thêm nhiều người dân sẵn sàng hiến tủy cứu ông Nguyễn Bá Thanh

Lá thư "đặc biệt" của cựu Bí thư Đà Nẵng

Rất nhiều câu chuyện về vị cựu Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh đã được người dân Đà Nẵng chia sẻ với nhóm phóng viên chúng tôi trong suốt những ngày trước và sau khi chuyến bay đưa ông từ Mỹ trở về.

Trong căn nhà nằm tại tổ 31, phường Khuê Trung (Q. Liên Chiểu, Đà Nẵng), cách nhà ông Thanh chừng hơn 300m, chúng tôi được vợ chồng ông Trần Đình Trãi và Tôn Nữ Thanh Thu (58 tuổi) kể lại không ít kỷ niệm sâu đậm về ông Nguyễn Bá Thanh.

Theo lời ông Trãi, ông Nguyễn Bá Thanh học đại học ngoài Hà Nội còn ông học ở Huế. Nhưng sau khi ra trường, cả hai ông đều về công tác chung tại một cơ quan ở tỉnh Quảng Nam cũ (nay tách thành Đà Nẵng và Quảng Nam).

"Lúc đó, chúng tôi làm cùng ở một tổ có 6 người do anh Thanh làm tổ trưởng. Anh em sống với nhau rất chan hòa và anh Thanh thường giúp đỡ, động viên anh em yên tâm công tác.

Sau này, dù chúng tôi đều chuyển công tác nhưng tình anh em vẫn gắn kết, chan hòa như xưa. Anh luôn coi vợ chồng tôi như một người bạn, người em trong nhà", ông Trãi nói.

Cũng theo ông Trãi, do hai gia đình ở gần nhà nhau nên vợ chồng ông cũng có nhiều điều kiện sang chơi bên nhà ông Thanh.

"Trước đây, khi còn làm Bí thư Thành ủy, dù bận nhiều công việc, người dân tìm đến nhà nhờ giúp đỡ rất nhiều nhưng anh Thanh vẫn thường xuyên quan tâm, hỏi thăm đến vợ chồng tôi.

Do ở gần nhau nên chúng tôi cũng thường hay đàm đạo chuyện trồng trọt, nuôi cá, trồng cây cảnh… Anh Thanh mê nuôi cá và trồng cây cảnh lắm!

Anh Thanh sống rất chân thành. Trong khu phố có việc gì, ai đau ốm, ma chay là anh ấy đến thăm, viếng. Anh Thanh giúp nhiều người có hoàn cảnh khó khăn.

Trước lúc ra Hà Nội nhận công tác mới, anh ấy có qua thăm tôi. Đối với tôi, từ xưa tới nay luôn tôn trọng anh Thanh và xem anh ấy như người anh ruột thịt của gia đình”, ông Trãi bày tỏ.

Vợ chồng ông Trãi, bà Thu.

Vợ chồng ông Trãi, bà Thu.

Một câu chuyện đặc biệt với ông Thanh mà cả ông Trãi và bà Thu sẽ không bao giờ quên được, đó chính là nhờ vào lá thư "bảo lãnh" của vị cựu Bí thư Thành ủy mà hai người mới nên duyên vợ chồng.

Bà Thu kể: "Chúng tôi yêu nhau từ năm 1978, nhưng khi học xong, anh Trãi vào đây công tác còn tôi vẫn ở Huế. Gia đình tôi lại đông anh chị em nên má tôi muốn tôi lấy chồng gần để đỡ vất vả.

Cũng vì ở xa nhau, anh Trãi lại ít viết thư nên thời gian đó, tôi cũng nghĩ ngợi, lo là anh ở trong này đã có ai rồi thì sao. Do đó, tôi đề nghị chia tay.

Khi đó, anh Trãi kể lại hết những chuyện đó cho anh Thanh. Sau đó, tôi nhận được một bức thư đặc biệt của anh Thanh gửi ra.

Trong thư, anh Thanh nói, anh cùng ăn ở, cùng làm hàng ngày, hàng giờ với anh Trãi nên không có lý do gì tôi phải sợ anh Trãi không chung thủy.

Anh Thanh cũng viết, xa gần không phải là lý do... và anh là người đứng ra bảo đảm, dù bất cứ tình huống nào thì anh Trãi cũng chung thủy, lo cho tôi.

Bức thư đó chính là động lực để cho tôi quyết tâm đến với anh Trãi và sống hạnh phúc với nhau đến bây giờ".

Và trong đám cưới của hai người sau đó, ông Thanh cũng đứng ra làm người phát biểu cho đại diện họ nhà trai.

"Cho đến giờ, hai gia đình vẫn thường xuyên qua lại, thăm hỏi thân thiết với nhau. Nhiều lần thấy anh Trãi hay tôi lâu không sang, anh Thanh còn gọi điện sang hỏi han.

Còn chị Quý (vợ anh Thanh) cũng hay qua thăm nhà, trò chuyện với chúng tôi. Ngày lễ Tết, chị hay hỏi để biết những hoàn cảnh khó khăn và giúp đỡ. Anh chị sống rất chân thành", bà Thu chia sẻ.

Bà Thu cũng nói thêm, hai năm trước, ngã tư phía gần nhà bà xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông. Khu phố làm đơn gửi lên ông Thanh và một tuần sau, ông đã cho người tới lắp trụ đèn tín hiệu giao thông.

Từ đó, không xảy ra vụ tai nạn nào nữa, cả phố ai cũng mừng và cảm ơn tấm lòng của ông Nguyễn Bá Thanh.

Bà Thu luôn cầu mong những điều tốt lành nhất sẽ đến với người anh Nguyễn Bá Thanh.

Bà Thu luôn cầu mong những điều tốt lành nhất sẽ đến với ông Nguyễn Bá Thanh.

"Cầu mong anh Thanh sớm lành bệnh"

Trong câu chuyện với chúng tôi, bà Thu cũng cho hay, trước khi xây dựng được chiếc cầu quay qua sông Hàn, để có những con số cụ thể, ông Thanh đã nhờ chính vợ chồng ông bà, trong mấy tuần lễ liền đi ra đếm số người thực tế qua sông mỗi ngày.

"Anh Thanh bảo, để xây được cầu qua sông Hàn thì phải có số liệu thực tế để anh báo cáo với cấp trên. Vậy là, anh giao cho hai vợ chồng tôi giúp anh, tôi đứng bên này, anh Trãi sang bên kia, đếm hết số người đi qua mỗi chuyến đò hàng ngày.

Cuối ngày, những con số đó, lại được đưa về báo cáo với anh. Khi xem xong, anh đều nhắc là phải đếm thật kỹ, thật chính xác, không bỏ sót và cũng không được vống lên.

Cũng rất vinh dự cho vợ chồng tôi là đã góp phần nhỏ bé để cùng anh và thành phố xây dựng được chiếc cầu đầu tiên đó", bà Thu nhớ lại.

Bà Thu cũng chia sẻ, khi nghe tin ông Thanh bệnh như vậy, không chỉ gia đình bà mà người dân cả Đà Nẵng ai cũng buồn, cũng thương ông.

"Đợt trước tôi có qua gặp chị Quý và em dâu anh Thanh (chị Thủy), nghe nói anh Thanh đã xạ trị hai đợt ở Mỹ và cũng đỡ bệnh phần nào nên rất mừng. Nhưng sau lần ba thì lại thấy nói có phần yếu hơn.

Giờ thấy anh về đến Đà Nẵng mà vẫn trò chuyện, ăn cháo được, tôi cũng bớt lo lắng hơn. Cầu mong anh Thanh sẽ sớm lành được bệnh để còn trở lại lo việc cho nước, cho dân”, bà Thu tâm sự.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại