4 mẹ con đi kiếm chỗ sống chung với người chết

Khánh Chương |

Sống với những nấm mồ, cuộc sống của họ gần như là một thế giới đặc biệt mà dòng đời hối hả ngoài kia không thể biết...

Bài 1: Cả gia đình sống 35 năm ở nghĩa địa tại Sài Gòn

Nấn ná ở lại nghĩa trang

Chúng tôi tiếp tục tìm tới khu nghĩa trang Sòng Sơn, ngay kế bên nghĩa trang Bình Hưng Hòa.

Cũng làm cùng công việc chăm sóc mộ như thế, bà Chí phân trần mấy năm nay công việc này ế ẩm. Hồi chưa giải tỏa còn kiếm sống được vì người ta thường xuyên thăm mộ và có nhu cầu vệ sinh mộ, tu sửa mộ.

“Giờ lệnh giải tỏa treo lơ lửng trên đầu, người ta không muốn làm gì nữa. Những người có điều kiện đã hốt cốt, đưa mồ mả đi nơi khác. Những người chưa có điều kiện mới để lại vì chưa nhận được tiền đền bù”, bà Chí ngậm ngùi.


Những người làm công đang vệ sinh mộ

Những người làm công đang vệ sinh mộ

Lợi thế tại khu quản lý của bà Chí là có đóng nước giếng bơm. Tất cả đều được phun nước chà rửa sạch sẽ. Khu này được tiếng là làm vệ sinh sạch sẽ nhất nghĩa trang Bình Hưng Hòa.

“Tôi mượn người thân phụ việc. Đến cuối năm trả lương theo công. Tiền của chủ mộ cho thì tùy tâm chứ không có giá cố định.

Ngày thường mượn nợ ăn dần, tới Tết lấy tiền trả lại. Qua sang năm làm tiếp y vậy. Chẳng biết cái vòng quay này còn kéo dài được bao lâu nữa”, bà Chí tâm sự.

Cùng một tâm trạng, bà Nguyễn Thị Cúc (SN 1963) quản lý khu nghĩa trang thuộc giáo xứ Sa Châu Đồng Hương (trong nghĩa trang Bình Hưng Hòa) cho biết đã ở đây từ năm 1990.

Từ 2011 đến nay, người ta bốc cốt đi nhiều hơn là nhờ chăm sóc. Gia đình bà Cúc gồm 2 vợ chồng, 2 đứa con, 2 đứa cháu nội sống chung trong căn nhà 20m2 trên đất của nhà thờ.

“Ở đây, tôi quản lý khoảng 1400 mộ. Chúng tôi không còn thuê người làm nhiều như trước. Đến Tết thu tiền, cho con cái một ít, còn lại trả nợ. Ngày thường, chồng đi kiếm việc làm thêm, tôi phải mở quán mua bán nước, nhang đèn phục vụ khách quen”.

Căn nhà bà Cúc đang ở cũng có quyết định thu hồi từ 2012 nhưng chưa có tiền đền bù nên còn ở lại.

Theo lời bà, khu nghĩa trang này là đất tư nhân nên người ta đền bù 11 triệu cho một mộ, thêm tiền đất trả riêng là 7,9 triệu cho 11m đất. Tổng cộng trên dưới khoảng hơn 30 triệu. Còn đất nhà nước chỉ đền tiền mộ 11 triệu thôi.

Lại “kiếm chỗ sống chung với người chết”

Chỉ tay sang căn chòi mục nát, tạm bợ ở kế bên, bà Chí cho biết nơi đó có 4 mẹ con chị Kiều Thị Ánh Liên (SN 1973) có hoàn cảnh vào hàng khốn khó nhất khu mả.

Vòng vèo qua nhiều đường mòn, căn nhà của chị Liên ọp ẹp giữa nghĩa trang. Trước mắt chúng tôi là cảnh 4 mẹ con chị đang lúi húi lau chùi bên nhưng ngôi mộ ở gần nhà.

Thấy có khách, chị vội rửa tay mời vào nhà. Đây là mùa xuân thứ 7 mẹ con chị chui rúc nơi này. Kế bên căn phòng 4 mẹ con sinh hoạt, người ta mướn lại để đặt quan tài. Xung quanh nhà toàn mồ mả.

3 đứa con chị lớn lên rồi cũng chỉ biết học tập, chơi đùa quanh mồ mả.

Nói về căn chòi đang ở, chị tâm sự vì khổ quá mà làm liều phải vào đây sống. Cũng nhờ bà Tư Phấn, một người giữ mả lâu năm trong khu đất tư này đã thương tình cho tá túc qua ngày.


Căn nhà tạm bợ, nơi mấy mẹ con chị Liên đang tá túc

Căn nhà tạm bợ, nơi mấy mẹ con chị Liên đang tá túc

Chị Liên quê ở Bình Phước, đã lấy chồng muộn lại bất phước. Nhà nghèo khó quá, người chồng bỏ 4 mẹ con chị ra đi từ khi đứa con út mới mấy tháng tuổi.

Ở quê nhà đất đai cằn cỗi, mẹ thì già yếu, một người em lại bị tâm thần nên mẹ con chị Liên dắt díu nhau xuống TP.HCM, nơi có người em gái đang giữ mả cho bà Tư Phấn.

Chính quyền địa phương xuống hỏi rồi thương tình cho ở lại dù không có giấy tạm vắng tạm trú.

Càng vào sâu bên trong nghĩa địa, những ngôi mộ nguyên vẹn cũng còn nhiều hơn nên người làm công vẫn được nhận tu sửa quét vôi, kẻ chỉ.

Chị Liên cùng với em gái, sau giờ làm lại tranh thủ chiều về phụ sơn sửa, quét vôi mồ mả kiếm thêm tiền nuôi con.

Đứa con trai lớn của chị tên Kiều Minh Được đã lớn tuổi nhưng không có điều kiện nên đi học trễ. Được bị bệnh nhược thị sâu, có thể mù lòa nhưng không có tiền mổ, giờ chỉ nhìn được bằng 1 mắt.

Đứa con giữa và út của chị vì chưa qua hết lớp 5 nên còn được miễn giảm học phí ở trung tâm giáo dục thường xuyên của quận Tân Phú. Thấy mẹ cực khổ, các con chị cứ đòi nghỉ học để kiếm việc đỡ đần.

Bản thân chị Liên cũng mang nhiều chứng bệnh nặng trong người. Chị xin làm lao công trong một trường dòng rồi gắng gượng nuôi con bằng đồng lương còm cõi.

Bệnh tật, gánh nặng mưu sinh rồi nỗi lo mai này nghĩa trang giải tỏa, không biết sẽ về đâu cứ làm cuộc sống chị héo hắt lại.

Chị kể, nhiều lần chính quyền địa phương yêu cầu dọn đi nơi khác. Thế là mấy mẹ con lại nài nỉ, có rời khỏi nghĩa địa này, chắc cũng chỉ biết tìm về nghĩa địa khác mà thôi, đằng nào cũng là kiếm chỗ sống chung với người chết. Thế là họ lại lần lữa cho qua.

Từ mấy tháng nay, căn phòng tềnh toàng của chị Liên lại tiếp nhận thêm vài thành viên nữa: 5 con chó. Con thì tật nguyền, con thì bị bỏ rơi, con thì chủ đòi giết thịt...

“Đồ dùng trong nhà toàn của người ta cho. Gia cảnh đã khốn khó mà cảnh ngộ của chúng cũng không hơn phận mình nên không nỡ đuổi đi”, chị Liên tâm sự.


Chị Liên và các con

Chị Liên và các con

Những ngày cận Tết, mấy mẹ con cứ lúi húi làm lụng quanh các phần mộ. Hết việc, chị lại xin làm mướn bên khu vực của bà Cúc. Gặp lúc chủ mộ cúng cơm, 4 mẹ con lại ăn cùng người quá cố. Cứ quần quật như thế từ sáng đến chiều tối.

3 ngày Tết, người đi viếng mộ thương tình thì lì xì cho ít tiền, có người cho miếng cá, miến thịt thì để dành nấu ăn. Hết Tết, mẹ con mới đùm túm dắt nhau về thăm ngoại vì giá xe giảm.

Năm nào cũng vậy, cứ về thăm Ngoại là mấy mẹ con, bà cháu lại tủi thân ôm nhau khóc. “Các con tôi cứ bảo: không biết lúc nào mình mới được về ngoại đón đón Tết đêm giao thừa?”...

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại