"Đường Tăng của VN" và chuyện lạ về pho tượng làm bằng tóc người

Tuấn Anh |

Tượng làm từ tóc của hàng ngàn phật tử có lẽ chỉ duy nhất có ở Việt Nam. Hiện pho tượng lạ lùng này đang ngự trong chùa Tây Tạng (Thủ Dầu Một, Bình Dương).

Một điều đặc biệt nữa, ngôi chùa cổ kính này còn có một vị trụ trì được coi là “Đường Tăng” của Việt Nam bởi ngài đã có hành trình sang Tây Trúc thỉnh kinh gian khổ hệt như Đường Tam Tạng trong tiểu thuyết lừng danh Tây Du ký.

Tâm nguyện lạ thường của "Đường Tăng của Việt Nam"

Chùa Tây Tạng được xem là danh lam ở Bình Dương. Chùa nằm trên ngọn đồi có nhiều bóng mát cây xanh trên đường Thích Quảng Đức, phường Chánh Nghĩa, TP Thủ Dầu Một.

Biết PV tìm hiểu về pho tượng Đức Bồ Đề Đạt Ma được làm bằng tóc, sư cô Diệu Quang, người đã tu hành ở chùa 20 năm rất vui vẻ chia sẻ nhiều câu chuyện liên quan tới pho tượng này.

Sư cô Diệu Quang cho biết, ban đầu chùa Tây Tạng chỉ là một ngôi chùa nhỏ có tên là Bửu Hương do những người dân địa phương xây dựng từ khoảng năm 1930.

Tới năm 1937, thiền sư Minh Tịnh (hay còn gọi là thiền sư Nhẫn Tế) được người địa phương mời về trụ trì chùa và đổi tên chùa thành chùa Tây Tạng.

Thiền sư Minh Tịnh chính là người đã được mệnh danh là “Đường Tăng của Việt Nam" vì đã có một cuộc hành trình đi chiêm bái, nghiên cứu Phật học trong vòng 2 năm ở nhiều nước là xứ sở của Phật giáo như Ấn Độ, Népal và Tây Tạng.

Sinh thời, thiền sư Minh Tịnh luôn tâm niệm, muốn chấn hưng Phật pháp phải biết cội nguồn của Phật pháp. Với ý chí, tư duy đó, ngài đã quyết tâm lên đường xuống bến Nhà Rồng để về xứ Phật vào ngày 17/4/1935.

Từng sự kiện trong cuộc hành trình hơn 2 năm đó đã được thiền sư Minh Tịnh ghi rất đầy đủ, chi tiết trong nhật ký “Tây du Phật quốc” dày hơn 300 trang của mình.


Chùa Tây Tạng, nơi từng có trụ trì được ví như Đường Tăng.

Chùa Tây Tạng, nơi từng có trụ trì được ví như Đường Tăng.

Khổ ải hành trình sang Tây Trúc thỉnh kinh

Theo cuốn nhật ký, sau 15 ngày đêm lênh đênh trên biển, vào ngày 31/4/1935, thầy Minh Tịnh đã đến Ấn Độ. Điểm đầu tiền mà thiền sư tìm tới là thành Ba La Nại ở Lộc Giã Viên, nơi hình thành 3 ngôi Tam Bảo đầu tiên của đạo Phật.

Sau đó thiền sư đến vườn Lộc Giã xin tu tập tại đây 10 tháng. Rồi đến Boudhagaya (nơi đức Phật thành đạo) nơi đây thầy Minh Tịnh chiêm bái và tư duy về sự tu chứng của đức Phật.

Ấn Độ chỉ là nơi đức Phật tu tập và truyền đạo, còn xứ sở băng tuyết Himalaya (Hy Mã Lạp Sơn ) thuộc địa phận Népal mới là nơi thái tử Sĩ Đạt Ta (tức Đức Phật Thích Ca Mâu Ni) ra đời.

Từ Boudhagaya thầy phải mất 6 ngày mới đến được Himalaya, nơi đây mùa đông chỉ toàn là băng tuyết, ít người có thể chịu nổi cái lạnh của xứ này.

Đặc biệt trong chuyến đi đến Népal của thiền sư Minh Tịnh là được chiêm bái ba ngôi đại tháp thờ Xá Lợi Phật lớn nhất ở Népal; tháp Simb-Nath; tháp Boudha-Nath; tháp Nam mo- Bouddha.

Sau nhiều lần dâng lễ thỉnh cầu, thiền sư Minh Tịnh đã khiến vị thượng tọa quản tháp Xá Lợi cảm phục đức hạnh và lòng hiếu đạo của mình nên đã dâng cúng Xá Lợi cho thiền sư đem về nước.


Thiền sư Minh Tịnh

Thiền sư Minh Tịnh

Có thể nói vào những thập niên 30- 40 ở miền Nam Việt Nam, đây là lần đầu tiên Xá Lợi Phật được thỉnh từ Tây Thiên do thiền sư Minh Tịnh mang về.

Sau 12 ngày lưu trú tại xứ sở băng tuyết của Népal, thiền sư Minh Tịnh trở về Bồ Đề Đạo Tràng (Ấn Độ) và sau đó ngài xin tổ chức hội để được đi sang đất Tây Tạng, xứ sở của Phật giáo.

Ngày 27/2/1936 thiền sư Minh Tịnh khởi hành từ Bồ Đề Đạo Tràng đi Tây Tạng. Thiền sư đi bằng tàu hỏa, ngựa và cuốc bộ. Suốt hơn 3 tháng ròng mới đến thành LhaSa, thủ phủ của Tây Tạng.

Trong cuốn nhật ký của mình, thiền sư Minh Tịnh kể về chuyến đi này đầy gian nan, cực khổ. Mùa đông thì băng giá thấu xương, mùa hạ thì khô da cháy thịt, trèo núi băng rừng...


Đường Tăng sang Tây Trúc có các đồ đệ tài giỏi hộ vệ, còn thiền sư Minh Tịnh chỉ có một mình. (Ảnh minh họa: Internet)

Đường Tăng sang Tây Trúc có các đồ đệ tài giỏi hộ vệ, còn thiền sư Minh Tịnh chỉ có một mình. (Ảnh minh họa: Internet)

Ở Tây Tạng, Quốc vương cũng là đại đức Lama. Trong chuyến hành hương này, thiền sư đã được yết kiến Quốc vương Tây Tạng.

Ngày 4/10/1936, thiền sư Minh Tịnh xin được cầu pháp với Lama Quốc vương. Quốc vương chấp thuận và tâm ấn trao cho nhiếp chính vương Lama ngự bút ban đặt cho pháp danh: Thubten- Osall Lama.

Sau hơn 4 tháng nghiên cứu, tu tập, chiêm bái, đạt thành sở nguyện, ngày 29/10/1936 thiền sư Minh Tịnh trở về Bồ Đề Đạo Tràng (Ấn Độ) và trở về Việt Nam vào ngày 14/6/1937.

Với uy tín và đức hạnh của mình, ngay sau khi về nước thiền sư Minh Tịnh đã được thỉnh về trụ trì chùa Bửu Hương và ngài đã đổi tên chùa thành Tây Tạng Tự để đánh dấu chuyến đi hành hương xứ Phật và Tây Tạng của mình.

Thiền sư Minh Tịnh viên tịch năm 1951, thọ 63 tuổi.

Giấc mơ kỳ lạ và pho tượng làm từ tóc người

Pho tượng làm bằng tóc được phác theo chân dung của Đức Bồ Đề Đạt Ma. Sư cô Diệu Quang cho biết, vị nghệ nhân chế tạo bức tượng là ông Nguyễn Khắc Bửu, ở TP. HCM.

Ông Bửu không chỉ là một người đa tài mà con là một võ sư nổi tiếng. Sau một lần đến chùa Tây Tạng chiêm bái đã rất khâm phục cuộc hành trình tới đất phật của thiền sư Minh Tịnh.

Biết thiền sư đã nhận lấy pháp môn chính lý của Đức Bồ Đề Đạt Ma và Đức Bồ Đề cũng chính là người sáng lập võ phái Thiếu Lâm tự nên võ sư Bửu thấy mình như có “căn duyên” với ngôi chùa này.

Ý tưởng tạc tượng Đức Bồ Đề Đạt Ma cũng nhen nhóm từ đó.

Sư cô Diệu Quang kể chuyện chế tác pho tượng làm từ tóc người.
Sư cô Diệu Quang kể chuyện chế tác pho tượng làm từ tóc người.

Sau khi đàm đạo và được sự nhất trí của Hòa thượng Thích Tịch Chiếu (đệ tử chân truyền của thiền sư Minh Tịnh, cũng là trụ trì chùa Tây Tạng) năm 1983, ông Bửu cùng 3 người phụ tác khác của mình bắt đầu chế tác bức tượng.

“Ban đầu pho tượng cũng được ông Bửu làm bằng vôi vữa, mật đường, cốt thép. Tuy nhiên sau nhiều lần chế tác vẫn không thành công nên đành phải nghỉ một thời gian để nghiên cứu thêm về vật liệu”, sư cô Diệu Quang chia sẻ

Cũng theo sư cô Diệu Quang, tình cờ trong một giấc mơ ông Bửu đã mơ thấy rằng cần phải lấy vật liệu chính là tóc người thì mới chế tác được.

Ngay sáng hôm sau ông Bửu đã trình bày ý tưởng lấy tóc của Phật tử để trộn vào làm nguyên liệu chế tác tượng với Hòa thượng Thích Tịch Chiếu và được ông đồng ý.

Vậy là hàng chục bao tải tóc của các phật tử xuống tóc đi tu ở nhiều ngôi chùa được gom lại. Có được “vật liệu” rồi ông Bửu và các phụ tác trộn chung với vôi vữa, mật đường để chế tác tượng.

Nhờ tóc người nên hỗn hợp trên đã vô cùng kết dính và lần này thì ông Bửu đã thành công.

Sư tổ Bồ Đề đã đến Việt Nam?

Sư cô Diệu Quang cho biết, việc lựa chọn tóc làm nguyên liệu chính để chế tác tượng cũng là do tóc nằm ở vị trí cao nhất của một con người nên đạt tới sự tinh khiết, sạch sẽ.

Các phật tử xuống tóc cũng là rũ đi bao nhiêu muộn phiền, bụi trần để đạt tới sự thanh thản tuyệt đối.

Pho tượng Bồ Đề Đạt Ma được đặt trang nghiêm trên một bệ thờ ở trai phòng phía sau chính điện, với hình dáng mũi cao, tóc quăn, râu rậm, lông mày xếch ngược, vầng trán nhăn nhíu, đôi mắt to sáng.

Tượng có chiều cao 2,32m; chiều ngang tính từ túi càn khôn đến hòm kinh Lăng Già là 1,74m.


Pho tượng làm từ tóc của hàng ngàn phật tử.

Pho tượng làm từ tóc của hàng ngàn phật tử.

Thông thường hình ảnh Đức Bồ Đề Đạt Ma thường được tạo tác đứng trên một cành lau lướt đi trên sông, vai mang chiếc gậy quẩy gánh một chiếc giầy.

Thế nhưng, pho tượng Bồ Đề Đạt Ma bằng tóc ở chùa Tây Tạng lại được tạo tác khác với hình tượng thông thường đó.

Ngài mặc 3 lớp áo, trong cùng màu trắng, tới màu lam nhạt và ngoài cùng màu nâu, lưng thắt một dải lụa màu xanh, quần dài ống rộng bó gọn trong giầy cỏ, các nếp nhăn của trang phục được gợi tả khéo léo và tinh tế.

Trên cổ ngài đeo một vòng tràng hạt lớn, phía sau lại kèm theo một chiếc nón rất đặc trưng Việt Nam.

Chiếc gậy của ngài được cải biên gần giống chiếc đòn gánh quen thuộc của người nông dân với một bên là túi càn khôn và một bên là hòm kinh Lăng Già chứ không phải là một chiếc giầy.

Đặc biệt, trên bức tượng còn có cả một chiếc nón lá của Việt Nam.

Theo sư cô Diệu Quang, sở dĩ các nghệ nhân chế tác thêm cả chiếc nón lá này vì có nhiều tài liệu cho rằng, trong hành trình từ Ấn Độ sang Trung Quốc truyền giáo, sư tổ Bồ Để Đạt Ma đã đi qua và truyền giáo ở Việt Nam trước.

Pho tượng đã được công nhận là kỷ lục Việt Nam và đang được đề xuất kỷ lục Châu Á.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại