Vụ tiêm nhầm khiến bé 8 tháng nguy kịch, PGS Nguyễn Hữu Đức: "Không chỉ là lỗi cá nhân"!

PGS.TS.DS. Nguyễn Hữu Đức (Trường Đại học Y Dược TPHCM) |

Việc tiêm kali rất nguy hiểm và rất hiếm khi được chỉ định. Qua phân tích, vụ việc ở Đông Anh là do lỗi hệ thống chứ không chỉ riêng lỗi cá nhân.

Mới đây, Bệnh viện đa khoa Đông Anh (Hà Nội) đã báo cáo sự cố nhầm lẫn y khoa nghiêm trọng. Theo báo chí đưa tin, bệnh nhi 8 tháng tuổi được đưa vào bệnh viện vì tiêu chảy, sốt, nôn. Bác sĩ khám và kết luận bé viêm họng cấp, tiêu chảy cấp có mất nước kèm biểu hiện tim to. 

Tuy nhiên, sau khi được lấy máu xét nghiệm và được chỉ định cho sử dụng Kaliclorrid 10%, cháu bắt đầu xuất hiện biểu hiện tím tái. Một điều dưỡng của bệnh viện đã tiêm nhầm (thay vì cho bệnh nhi uống thuốc như chỉ định của bác sĩ) khiến bệnh nhi nguy kịch.

Sau 4 ngày cấp cứu, hồi sức tích cực tại Bệnh viện Xanh Pôn, đến nay tình trạng sức khỏe của bệnh nhi tuy có cải thiện nhưng tiên lượng vẫn rất dè dặt.

Câu hỏi đặt ra ở đây là, trong vụ việc này trách nhiệm thuộc về ai? 

Điều trị tiêu chảy thế nào mới đúng?

Các chuyên gia cho biết, vấn đề hàng đầu được đặt ra trong điều trị tiêu chảy cấp, đặc biệt đối với trẻ nhỏ là phải bù cho thật kịp thời lượng nước và chất điện giải bị mất đi do tiêu chảy. Nếu bù nước không kịp, bệnh nhi bị mất nước và chất điện giải trầm trọng có thể dẫn tới tử vong.

Từ năm 1971 trở về trước, người ta chỉ có thể bù nước và chất điện giải cho bệnh nhi bị tiêu chảy nặng có dấu hiệu kiệt nước bằng đường tiêm tĩnh mạch nhỏ giọt, tức là dùng dịch truyền. Phương pháp này thường chỉ được thực hiện ở bệnh viện.

Tuy nhiên, hiện nay mất nước do tiêu chảy hay bất cứ nguyên nhân nào cũng có thể điều trị hữu hiệu bằng cách cho uống một dung dịch đơn giản gồm đường glucose và các chất điện giải. Dung dịch này được gọi là ORESOL hay ORS (viết tắt của Oral Rehydration Salts, tức là hỗn hợp muối dùng để bù nước qua đường miệng).

Vụ tiêm nhầm khiến bé 8 tháng nguy kịch, PGS Nguyễn Hữu Đức: Không chỉ là lỗi cá nhân! - Ảnh 1.

Bệnh viện Đông Anh nơi xảy ra vụ việc

Khi pha thành dung dịch bù nước và chất điện giải cơ thể có thể hấp thu được. Một gói ORS theo tiêu chuẩn WHO có thành phần như sau: 3,5g NaCl; 1,6g KCl; 2,5g NaHCO3 (ở xứ nhiệt đới ẩm như ở ta, NaHCO3 có thể bị hút ẩm hỏng, do đó được thay bằng 2,9g trinatri citrat) và 20g glucose.

ORS có thành phần như trên là bởi các nhà sinh lý học đã xác định nồng độ các chất điện giải bị mất đi trong phân tiêu chảy cấp. Việc nghiên cứu đã đi đến khẳng định, hoàn toàn có thể bù nước, các chất điện giải qua đường uống bằng dung dịch chứa đường glucose và các ion chất điện giải, miễn sao tỉ lệ các chất này phải thích hợp.

ORS phải được pha theo đúng tỷ lệ: 1 gói pha trong 1 lít nước. Nếu pha loãng muối quá lượng nước bù sẽ không đủ, pha loãng đường quá thuốc sẽ bị kém hấp thu, còn pha đặc quá đối với trẻ sẽ không tốt: thừa các chất điện giải gây nguy hiểm, thừa đường làm tiêu chảy nhiều hơn.

Qua đó cho thấy, nếu bù nước và chất điện giải cho trẻ bị tiêu chảy cấp mà bác sĩ tại Bệnh viện đa khoa Đông Anh chỉ định dùng kali clorid 10%/5ml sử dụng đường uống (mỗi lần uống ½ ống) với bệnh nhân là không phù hợp. Vì trẻ bị tiêu chảy phải bù nhiều chất điện giải khác chứ không chỉ bù kali và clorid.

Sai sót ở Bệnh viện Đa khoa Đông Anh: Lỗi hệ thống chứ không chỉ riêng cá nhân

Riêng kali clorid chỉ dùng trị chứng thiếu kali huyết. Người bệnh bị thiếu kali huyết nhẹ, không có rối loạn nhịp trên ECG, không có triệu chứng lâm sàng nguy hiểm, sẽ được bù kali clorid bằng đường uống.

Còn người bệnh bị thiếu kali huyết nặng có triệu chứng lâm sàng nguy hiểm hay có rối loạn nhịp trên ECG không thể uống được, sẽ được bù kali bằng đường tiêm, thậm chí là tiêm truyền tĩnh mạch.

Như vậy, kali clorid có 2 dạng thuốc: thuốc dạng uống và thuốc dạng tiêm, tùy trường hợp bác sĩ chỉ định dạng thuốc cho thật phù hợp. Khi bác sĩ chỉ định "kali clorid 10%/5ml" có nghĩa bác sĩ đã chỉ định dùng dạng thuốc tiêm (ống 5ml chứa kali clorid 10%) và dùng dạng thuốc này cho trường hợp uống là không phù hợp.

Mặc dù bác sĩ ghi trong đơn thuốc: "sử dụng đường uống (mỗi lần uống ½ ống)" nhưng đối với điều dưỡng là người trực tiếp cấp phát, cho sử dụng thuốc có nguy cơ rất lớn nhầm lẫn tiêm thuốc thay vì cho uống.

Qua phân tích như trên cho thấy, sự cố xảy ra ở bệnh viện đa khoa Đông Anh (Hà Nội) thuộc lỗi hệ thống chứ không chỉ là lỗi cá nhân.

* Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại