Vụ ám sát hụt Che Guevara ở LHQ và câu chuyện phòng họp HĐBA suốt 55 năm không thấy ánh mặt trời

Hồng Anh |

Mãi tới gần đây, phòng họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc mới được vén rèm, kể từ sau vụ việc chấn động năm 1964.

Hồi đầu tháng 4 vừa qua, Phái đoàn đại diện của Đức tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) đã mang ánh mặt trời (theo nghĩa đen) vào một phiên họp của HĐBA bằng một hành động đặc biệt, báo The Guardian đưa tin.

Cụ thể, vào ngày đầu tiên trên cương vị là Chủ tịch tháng của HĐBA, phái đoàn Đức đã có động thái biểu tượng khi yêu cầu nhân viên phụ trách kéo tấm rèm cửa sổ đã được buông kín trong nhiều thập kỷ qua.

Đây cũng là lần đầu tiên phòng họp này được thấy ánh sáng mặt trời kể từ sau vụ khủng bố đầu tiên nhằm vào địa điểm này khi nhà cách mạng Cuba Che Guevara phát biểu vào năm 1964.

Phái đoàn đại diện của Đức cũng đã đăng tải một dòng tweet về sự thay đổi này: "Sự minh bạch và cởi mở đối với các thành viên của LHQ và xã hội dân sự rất quan trọng, không chỉ trên hình thức mà còn cả trong thực chất về uy tín và tính chính đáng".

Cử chỉ mang tính biểu tượng của phái đoàn Đức cũng đã gợi nhớ lại một vụ việc đã gần như đi vào lãng quên nhưng đầy kịch tính trong lịch sử của LHQ.

Khi sông Đông không "êm đềm"

Theo Guardian, những tấm rèm cửa sổ tại phòng họp của HĐBA đã được buông kín kể từ sau lần tòa nhà của LHQ suýt phải hứng quả đạn pháo bắn ra từ một khẩu bazooka bên bờ sông Đông của New York, khi ông Che Guevara đang có bài phát biểu.

Quả đạn pháo không bay tới đích và còn cách mục tiêu gần 200m, tuy nhiên nó đã phát nổ trong lòng sông, tạo ra một cột nước lớn và khiến các cửa kính tại trụ sở của LHQ rung lắc.

Theo một bài báo được đăng trên trang nhất của tờ New York Times hồi tháng 12/1964, vào thời điểm tòa nhà của LHQ bị tấn công, Che Guevara - khi đó vừa là một vị tướng, vừa là Bộ trưởng Công nghiệp của Cuba - vẫn tiếp tục bài phát biểu của mình.

Hành động sau đó của Guevara đã khiến các đại biểu ấn tượng: Trong bộ quân phục màu xanh ô liu và đôi bốt đen bóng, nhà cách mạng này đã mỉm cười, hút xì gà và nói rằng vụ nổ trước đó "đã thêm hương vị cho cuộc họp [tại HĐBA]".

Khẩu bazooka đã được các nhà điều tra tìm thấy trên bãi cỏ bên bờ sông Đông, cùng một bộ phận kích hoạt tự động gắn với chiếc đồng hồ hẹn sẵn thời điểm tấn công vào đúng 12h10' ngày hôm đó.

Vụ ám sát hụt Che Guevara ở LHQ và câu chuyện phòng họp HĐBA suốt 55 năm không thấy ánh mặt trời - Ảnh 1.

Cảnh sát New York chụp hình khẩu bazooka đã được sử dụng để tấn công tòa nhà của LHQ vào năm 1964. Ảnh: Bettmann/Bettmann Archive

Theo trang scprocedure.org, website tổng hợp các diễn biến tại HĐBA, "một cuộc điều tra sau này đã kết luận rằng, nếu khẩu bazooka được ngắm bắn chuẩn xác, thì quả đạn pháo được bắn ra hoàn toàn đủ khả năng xuyên qua tòa nhà của LHQ, nhất là khi nó bắn trúng vào cửa sổ của tòa nhà này".

Vụ việc trên xảy ra đúng vào thời điểm có rất nhiều người Cuba lưu vong giận dữ tổ chức biểu tình ở bên ngoài trụ sở LHQ, theo The Guardian.

Theo New York Times, vào thời điểm lúc bấy giờ, thì các cuộc biểu tình và vụ tấn công nhằm vào trụ sở của LHQ khi ông Guevara đang phát biểu đã đánh dấu một trong những giai đoạn hỗn loạn nhất kể từ khi LHQ chuyển trụ sở tới bên bờ sông Đông vào năm 1952.

Một điều đáng chú ý là tòa nhà không chỉ suýt hứng đạn từ phía bờ đối diện của sông Đông, mà còn bị những người biểu tình giận dữ ném bom vào cửa trước.

Một số người đã đặt ra giả thuyết rằng vụ tấn công bằng bazooka là chiêu đánh lạc hướng nhằm tạo điều kiện cho những kẻ ám sát Guevara xông vào trụ sở LHQ từ cửa trước. Tuy nhiên, cảnh sát New York thời đó đã loại trừ khả năng này.

Trong đám đông biểu tình giận dữ, một người phụ nữ có tên là Molly Gonzales, đã bị cảnh sát New York bắt giữ khi chạy về phía trụ sở LHQ với con dao săn lăm lăm trong tay. Người này sau đó đã khai rằng bà ta muốn "chém chết" nhà lãnh đạo phong trào cách mạng Cuba Che Guevara.

Khi được thông báo về người "suýt" ám sát mình, Guevara đã trả lời bình thản: "Bị phụ nữ dùng dao ám sát còn tốt hơn là trúng đạn của đàn ông".

Vụ ám sát hụt Che Guevara ở LHQ và câu chuyện phòng họp HĐBA suốt 55 năm không thấy ánh mặt trời - Ảnh 3.

Ảnh: AP.

Quyết định thay đổi "truyền thống" sau hơn nửa thập kỷ

Kể từ sau vụ tấn công năm 1964, phòng họp của HĐBA luôn được buông rèm kín để bảo vệ các nhà ngoại giao, đề phòng các mảnh kính vỡ văng vào người họ nếu vụ việc tương tự lại xảy ra.

Đến năm 2013, phòng họp của HĐBA đã được sửa sang và nâng cấp, và loại cửa kính cũ đã được thay bằng kính cường lực chống vỡ vụn, tuy nhiên truyền thống kéo rèm vẫn được tiếp tục duy trì đến khi phái đoàn đại diện của Đức quyết định thay đổi.

Được biết, việc mở rèm cửa không phải là sáng kiến duy nhất của phái đoàn Đức tại HĐBA. Theo The Guardian, Đại sứ Đức tại HĐBA Christoph Heusgen đã chủ trì phiên họp đầu tiên trong vai trò Chủ tịch tháng với một chiếc đồng hồ cát rất lớn, được thiết kế đặc biệt để tính giới hạn 5 phút 30 giây cho phần phát biểu của mỗi đại biểu tại cuộc họp.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại