Vừa rồi, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad có sự thể hiện quan điểm về hai vấn đề rất nhạy cảm cả trên phương diện đối nội cũng như đối ngoại ở Malaysia, mà theo đó thì mối quan hệ của đất nước này với một số đối tác xa trong thời gian tới sẽ bị tác động mạnh mẽ.
Ông Mahathir đề cập đến kết quả điều tra về vụ chiếc máy bay mang phiên hiệu MH17 của hãng hàng không Malaysian Airlines bị bắn rơi ở vùng miền đông Ukraine ngày 17/7/2014, và nói về triền vọng hợp tác với tập đoàn viễn thông vông nghệ cao Huawei của Trung Quốc.
Tháng 5 năm ngoái, Nhóm điều tra chung (JIT) do Hà Lan đứng đầu bao gồm các nhà điều tra của Australia, Bỉ, Malaysia, Hà Lan và Ukraine đã công bố báo cáo kết quả điều tra và cho rằng chiếc máy bay kia bị bắn rơi bởi tên lửa BUK thuộc sở hữu của quân đội Nga.
Khi ấy, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull và bộ trưởng ngoại giao nước này Julia Bishop ra tuyên bố chung cáo buộc Nga liên quan trực tiếp đến vụ bắn máy bay. Mỹ và EU cùng một số nước khác sử dụng kết quả điều tra này để gây căng thẳng trong quan hệ của họ với Nga.
Còn Huawei thì hiện trở thành mục tiêu tấn công của Mỹ và một số nước Phương Tây khác, trong đó có Australia và Hà Lan. Các nước này chủ trương cấm cửa Huawei trên thị trường của họ với cáo buộc thiết bị và công nghệ của Huawei, đặc biệt ở thế hệ viễn thông di động 5G, giúp chính phủ Trung Quốc hoạt động tình báo và phá hoại ở các nước họ.
Thủ tướng Malaysia vừa qua đã công khai bênh vực tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc. Ảnh: China Daily.
Giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn đang dai dẳng cuộc xung khắc thương mại và hai bên cho tới nay đã tiến hành 11 vòng đàm phán, nhưng vẫn chưa nhất trí được với nhau về giải pháp.
Huawei không chỉ là một trong những nội dung đàm phán giữa hai bên mà còn là một trong những chiếc hàn thử biểu về thực trạng hiện tại trong toàn bộ mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc.
Sự thật và lợi ích
Về vụ việc máy bay MH17, ông Mahathir bày tỏ sự hoài nghi về tính trung lập của công cuộc điều tra và tính khách quan của kết quả điều tra, cho rằng tất cả ngay từ đầu đã mang tính chất, động cơ và mục tiêu chính trị là đổ vấy hết trách nhiệm cho Nga.
Ông Mahathir đưa ra một nguyên do mà trên thực tế bóc trần sự không đàng hoàng, minh bạch và vô tư của nhóm tiến hành điều tra JIT.
Thông thường, việc quan trọng và quyết định nhất trong điều tra tai nạn máy bay là xử lý thông tin từ 2 chiếc hộp đen trên máy bay. Ông Mahathir cho biết phía Malaysia tham gia JIT nhưng lại không được tiếp cận trực tiếp tới thông tin từ 2 chiếc hộp đen kia.
Máy bay của Malaysia và Malaysia có chân trong nhóm điều tra, nhưng lại không được tiếp cận thông tin nguồn quan trọng và quyết định nhất.
Chỉ như thế thôi đã đủ để làm cho kết quả cuộc điều tra hoàn toàn không đáng tin cậy, như thế làm sao đảm bảo được yêu cầu về tính khách quan và trung lập của công cuộc điều tra.
Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: EPA-EFE
Ông Mahathir không phủ nhận là tên lửa BUK đã bắn hạ chiếc máy bay này, nhưng không chỉ có quân đội Nga, mà còn cả phe ly khai chống chính phủ ở Ukraine và quân đội chính phủ Ukraine đều có loại tên lửa này. Cho nên không thể vì bằng chứng về tên lửa BUK mà đổ cho Nga đã bắn tên lửa.
Ở đây, ông Mahathir không hẳn vì ủng hộ Nga mà phát biểu như vậy. Nguyên nhân chính là ông Mahathir không hài lòng về cuộc điều tra, không đồng ý với kết quả điều tra và không chấp nhận việc các đối tác kia lợi dụng chuyện máy bay của Malaysia bị rơi để phục vụ cho lợi ích của họ trong quan hệ với Nga.
Một khi đến chính Malaysia còn không tin và chấp nhận kết quả điều tra đã được công bố mà còn có ai đó tin và chấp nhận thì như thế đâu có khác gì "bảo hoàng hơn vua".
"Một nắm khi đói bằng cả gói khi no"
Liên quan đến Huawei, ông Mahathir cho biết Malaysia sẽ không tẩy chay hay cấm cửa mà sẽ tăng cường hợp tác với tập đoàn này và sử dụng sản phẩm công nghệ của tập đoàn này.
Những lý do được ông Mahathir đưa ra để biện minh thật khá thuyết phục: Malaysia có nhu cầu mà trình độ công nghệ của Huawei có thể đáp ứng tốt; giá cả lại hợp lý. Nhưng động cơ mục đích quan trọng và quyết định nhất có lẽ là sự hậu thuẫn chính trị của Malaysia dành cho Trung Quốc trong bối cảnh tình hình quan hệ hiện tại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Khi Trung Quốc gặp khó khăn và khó xử với các đối tác như Mỹ hiện tại, thì sự hậu thuẫn chính trị này của ông Mahathir vô cùng giá trị đối với Trung Quốc, đúng như câu ngạn ngữ "Một nắm khi đói bằng cả gói khi no".
Ông Mahathir chơi con bài bắn đi một mũi tên nhằm tới nhiều đích cùng lúc. Sự lựa chọn đối tác của ông Mahathir vậy là rất rõ ràng, và điều này có tác động đối nội rất lợi cho ông Mahathir ở Malaysia.
Thể hiện bản lĩnh lãnh đạo và có cách tiếp cận lợi ích cũng như chính sách rất thực dụng, ông Mahathir đã chứng tỏ lão luyện như thế nào trong quyền biến giữa đối nội và đối ngoại ở Malaysia.
* Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại.