Mỹ gây sức ép thương mại với các đối tác
Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như vẫn trong men say của xung khắc thương mại. Với Trung Quốc, ông Trump đã đẩy cuộc xung khắc thương mại song phương lên hết đỉnh điểm này tới đỉnh điểm khác.
Với EU và Nhật Bản, ông Trump duy trì cuộc chơi này dài dài vì đàm phán song phương của Mỹ với Nhật Bản về thoả thuận thương mại mới vừa bắt đầu, còn với EU thì đang trong dự định.
Với Canada và Mexico, ông Trump đã xoá sổ thoả thuận ba bên được thực hiện từ năm 1994 về Khu vực mậu dịch tự do Bắc Mỹ (NAFTA) để buộc hai nước láng giềng này phải đàm phán và ký kết thoả thuận thương mại mới với Mỹ (USMCA).
Cũng với chính sách miễn thuế quan hay áp thuế quan làm vũ khí, ông Trump còn đã tung đòn với cả Ấn Độ. Ấn Độ là một trong những quốc gia trên thế giới cho đến nay vẫn được Mỹ dành cho quy chế ưu đãi thương mại chung mà Mỹ áp dụng từ năm 1976 đối với các nước đang phát triển.
TT Trump muốn chuyển bức tường rào biên giới Mỹ-Mexico mà ông muốn xây dựng nhưng tới nay vẫn chưa xây dựng lùi xuống phía nam và lại còn do chính Mexico xây dựng. Ảnh: Reuters
Theo quy chế này, các nước đang phát triển được xuất khẩu miễn thuế quan nhiều dòng sản phẩm nhất định vào thị trường Mỹ. Như thế có nghĩa là tới đây Mỹ sẽ áp thuế quan bảo hộ đối với cả những dòng sản phẩm mà Ấn Độ vốn không bị áp thuế khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ.
Lý do được ông Trump đưa ra để lập luận cho quyết sách này không phải là Ấn Độ tới nay đã phát triển đến mức không còn là nước đang phát triển nữa mà là Ấn Độ gây khó khăn cho doanh nghiệp Mỹ tiếp cận và hoạt động kinh doanh trên thị trường Ấn Độ.
Bản chất cốt lõi chỉ có một
Lúc đầu, xung khắc thương mại mà bản chất cốt lõi của nó là chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch được ông Trump sử dụng nhằm để giảm mức thâm hụt của Mỹ trong trao đổi thương mại với các đối tác.
Nội hàm của khẩu hiệu "Nước Mỹ trước hết" được ông Trump xác định như thế trên phương diện này.
Với Argentina, Brazil, Hàn Quốc hay Nhật Bản và EU đã và hiện vẫn đang như thế. Nhưng với Trung Quốc thì đã bắt đầu khác và với Mexico hay Ấn Độ thì sự khác biệt đã trở nên quá rõ ràng.
Những biện pháp chính sách bảo hộ thương mại được ông Trump sử dụng như một công cụ và vũ khí đa năng phục vụ cho mọi mục tiêu đối nội cũng như đối ngoại, chính trị an ninh cũng như kinh tế đối ngoại.
Đối với Mexico, dự định nói trên của ông Trump là cú đòn rất hiểm hóc và khiến cho đất nước này khó xử trên ba phương diện.
Thứ nhất, ông Trump đòi hỏi Mexico phải đóng cửa biên giới với những nước láng giềng ở phía nam, tức là muốn chuyển bức tường rào biên giới giữa Mỹ và Mexico mà ông Trump muốn xây dựng nhưng cho tới nay vẫn chưa xây dựng được lùi xuống phía nam và lại còn do chính Mexico xây dựng.
Như thế đâu có khác gì ông Trump biến vấn đề chính trị đối nội của Mỹ thành vấn đề của Mexico và mắc mớ lâu nay giữa Mỹ với Mexico thành khúc mắc mới giữa Mexico và các nước ở khu vực Trung Mỹ.
Thứ hai, Mỹ là đối tác kinh tế và thương mại quan trọng nhất của Mexico. Mexico là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Mỹ. Một khi ông Trump áp thuế quan bảo hộ thương mại đối với tất cả hàng hoá của Mexico xuất khẩu vào thị trường Mỹ thì đương nhiên Mỹ cũng bị tổn hại, nhưng Mexico sẽ bị tổn hại còn hơn thế rất nhiều, bên ngoài sẽ rút vốn đầu tư ra khỏi Mexico và tăng trưởng kinh tế, thương mại của Mexico sẽ bị suy giảm không hề không đáng kể. Tình trạng này càng kéo dài thì Mexico càng thêm khó khăn và khó xử.
Thứ ba, ba nước tham gia USMCA hiện trong quá trình phê chuẩn thoả thuận này để nó có hiệu lực chính thức. Ông Trump tung đòn kia với Mexico chỉ vài giờ sau khi trình thượng viện Mỹ phê chuẩn thoả thuận về USMCA.
Qua đó có thể thấy ông Trump không có ý định phế bỏ USMCA nhưng sẵn sàng bất chấp USMCA để thúc thi các biện pháp chính sách bảo hộ thương mại phục vụ cho mục tiêu khác. Cái khó đối với Mexico là vừa phải nỗ lực để duy trì USMCA vừa phải ngăn cản phía Mỹ áp thuế quan bảo hộ.
Rất có thể ông Trump khuấy động xung khắc thương mại với một loạt đối tác kinh tế và thương mại của Mỹ vào thời điểm hiện tại vì sắp tuyên bố chính thức ra tranh cử tổng thống Mỹ một lần nữa và vì thế lại cần triệt để sử dụng và tận dụng tác động dân tuý của khẩu hiệu "Nước Mỹ trước hết".
Việc ông Trump đa năng hoá biện pháp chính sách chuyên dụng như thế chẳng phải rất đúng với câu châm ngôn ở phương Tây "Mục đích thần thánh hoá công cụ" hay sao ? Các đối tác kinh tế và thương mại khác của Mỹ cần phải coi chủ định này của ông Trump với Trung Quốc, Mexico và Ấn Độ là tín hiệu báo động để có cách thích hợp xử lý quan hệ của họ với Mỹ trong thời gian tới.
Tiêu đề do tòa soạn đặt lại.