Vì sao Trung Quốc không muốn dính vào xung đột Ấn Độ-Pakistan?

Trung Hiếu |

Trung Quốc là đồng minh thân cận của Pakistan nhưng hiện nay họ đang nỗ lực tránh bị lôi kéo vào xung đột giữa Pakistan và Ấn Độ.

Bắc Kinh đang có nguy cơ bị lôi kéo mạnh vào cuộc khủng hoảng Ấn Độ-Pakistan trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở vùng biên Kashmir giáp Trung Quốc.

Tuần này mối quan hệ ngoại giao giữa các đối thủ lâu năm Ấn Độ và Pakistan đã xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua, sau khi Pakistan tuyên bố không quân nước họ đã bắn rơi 2 máy bay phản lực Ấn Độ trên vùng tranh chấp Kashmir và bắt giữ một phi công quân sự Ấn Độ.

Động thái trên của Pakistan diễn ra chỉ một ngày sau khi quân đội Ấn Độ tuyên bố đã mở các cuộc không kích vào một trại khủng bố trên đất Pakistan – hoạt động đầu tiên thuộc loại này của không quân Ấn Độ kể từ cuộc chiến tranh Ấn Độ-Pakistan vào năm 1971.

Trung Quốc không chỉ có đường biên giới với khu vực Kashmir tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan. Trung Quốc còn có các mối liên hệ quan trọng với cả Pakistan và Ấn Độ mà họ cần phải giữ cân bằng.

Tự kiềm chế

Trung Quốc có mối quan hệ kinh tế, ngoại giao và quân sự gần gũi với Pakistan và là một trong các đồng minh thân cận nhất của Pakistan trong khu vực.

Trong khi đó, cuộc chiến thương mại kéo dài giữa Trung Quốc và Mỹ đã buộc Bắc Kinh phải tìm kiếm các đối tác thương mại thay thế.

Kết quả là, Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng lại quan hệ với cường quốc đối thủ đang trỗi dậy là Ấn Độ và Thủ tướng Narenda Modi của nước này. Năm 2018, Thủ tướng Modi thực hiện hai chuyến thăm Trung Quốc.

Tuần trước, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã kêu gọi cả Pakistan và Ấn Độ “thực hiện tự kiềm chế và tập trung vào hòa bình và ổn định khu vực”.

Trong một cuộc gọi khẩn cấp vào đêm 27/2/2019, Ngoại trưởng Pakistan Shah Mehmood Qureshi đã yêu cầu Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đóng “một vai trò xây dựng trong việc giảm nhẹ tình trạng căng thẳng hiện nay”.

Trong cuộc gọi nói trên, Ngoại trưởng Vương Nghị nhấn mạnh rằng “chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các nước nên được tôn trọng và Trung Quốc không muốn chứng kiến những hành động vi phạm các thông lệ quan hệ quốc tế”.

Steve Tsang, Giám đốc Viện Trung Quốc tại Đại học SOAS London, cho rằng Trung Quốc chẳng thu được lợi lộc nào trên cả hai mặt trận nếu căng thẳng giữa Pakistan và Ấn Độ tiếp tục gia tăng.

Chuyên gia Tsang nhận định: “Trung Quốc không muốn bị xem là bên bỏ rơi Pakistan, nhưng đồng thời họ cũng không muốn bước vào một cuộc chiến với Ấn Độ vì vấn đề này”.

Thế vướng ở Tân Cương

Theo chuyên gia Tsang, thế căng thẳng kéo dài trong khu vực không phải là vấn đề lớn đối với Bắc Kinh, vì tình trạng đó có tác dụng nhắc nhở Islamabad về tầm quan trọng của Trung Quốc với tư cách là đồng minh.

Nhưng đợt căng thẳng trong tuần này thì lại khác và khiến Bắc Kinh ở vào thế khó xử.

Ông Tsang nói: “Họ phải làm gì đó để chứng tỏ họ đang giúp giữ mọi thứ trong tầm kiểm soát nhưng lại phải đồng thời không tạo cảm giác là mình thiếu tin cậy đối với Pakistan trong tư cách đồng minh”.

Nhưng Bắc Kinh không muốn làm nổi bật quá mức sự ủng hộ của mình dành cho Pakistan và đẩy Ấn Độ vào trong vòng tay của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Các vấn đề của Trung Quốc thêm rắc rối khi Ấn Độ tuyên bố họ sẽ đánh lại các phần tử khủng bố ở Kashmir.

Tsang nhận định, Trung Quốc không muốn mạnh tay với Ấn Độ vì bản thân Trung Quốc cũng đang đối đầu với cái mà họ gọi là “chủ nghĩa khủng bố” của các phần tử Hồi giáo ở vùng Tân Cương (Trung Quốc).

Các chuyên gia về Trung Quốc cho rằng lựa chọn tốt nhất dành cho nước này là tham gia cùng Mỹ trong nỗ lực tháo ngòi căng thẳng giữa Pakistan và Ấn Độ.

Giáo sư Han Hua – chuyên gia Nam Á học tại Đại học Bắc Kinh, cho rằng với việc Trung Quốc có ảnh hưởng lớn ở Pakistan còn Mỹ lại có ảnh hưởng với Ấn Độ thì việc Mỹ và Trung Quốc hợp tác sẽ là điều hợp lý.

Theo bà Han Hua, “lợi ích của Trung Quốc nằm ở sự ổn định của Nam Á” và “thông điệp của Trung Quốc là rõ ràng với đôi bên: hãy kiềm chế”.

Thế đu dây của Bắc Kinh ở Nam Á

Trung Quốc đã đạt được một thế cân bằng ngoại giao tinh tế ở Nam Á trong những năm qua, sau khi làm dịu một số căng thẳng trong vùng.

Chẳng hạn hồi tháng 7/2017, có một cuộc đối đầu về lãnh thổ căng thẳng kép dài cả tháng giữa quân Trung Quốc và Ấn Độ ở Doklam , gần biên giới của các nước Ấn Độ, Trung Quốc và Bhutan.

Hai cường quốc này suýt đụng độ quân sự mạnh sau các cáo buộc cho rằng chính quyền Trung Quốc đang xây dựng một con đường bên trong lãnh thổ của Bhutan, đồng minh thân cận của Ấn Độ. Gần đó, Trung Quốc cũng tiến hành tập trận bắn đạn thật cho lực lượng binh sĩ chiến đấu.

Nhưng một cuộc gặp thượng đỉnh thân thiện không chính thức giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi vào tháng 4/2018 đã giúp đưa quan hệ giữa 2 bên trở lại quỹ đạo tích cực.

Tờ China Daily (nhật báo tiếng Anh của nhà nước Trung Quốc) khi đó đăng xã luận với tuyên bố “lợi ích chung của Trung Quốc và Ấn Độ vượt xa các khác biệt giữa 2 nước”.

Trong khi đó, Pakistan là người bạn và đối tác thương mại lâu năm của Bắc Kinh, được các nhà ngoại giao Trung Quốc mô tả là có mối “quan hệ hữu nghị trong mọi điều kiện thời tiết” với nước họ.

Pakistan cũng là một trong những nước nhập khẩu vũ khí Trung Quốc lớn nhất. Từ năm 2008 đến 2017, Islamabad bỏ ra hơn 6 tỷ USD mua vũ khí Trung Quốc, theo tổ chức nghiên cứu CSIS.

Tất nhiên mọi thứ không hoàn toàn xuôi chèo mát mái. Đã nảy sinh nhiều vấn đề về mức nợ lớn mà Pakistan hình thành do việc vay tiền của Trung Quốc và Trung Quốc đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở Pakistan. Nhưng Thủ tướng Pakistan Imran Khan đã quyết tâm giữ cho quan hệ đặc biệt giữa họ và Trung Quốc ở mức độ mạnh. Ông Khan nói như thế này: “Chúng tôi cần Trung Quốc như nguồn cảm hứng đưa người dân chúng tôi ra khỏi đói nghèo”./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại