Xung đột Ấn Độ-Pakistan: Khó có khả năng 2 nước dồn ép nhau tới mức xảy ra chiến tranh tổng lực

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Một cuộc chiến tranh tổng lực giữa hai nước như ba cuộc chiến tranh trước đây sẽ không có lợi cho cả Ấn Độ lẫn Pakistan.

Quan hệ căng thẳng leo thang giữa Ấn Độ và Pakistan

Quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan đang trở nên hết sức căng thẳng sau một cuộc tấn công đẫm máu của một nhóm thuộc tổ chức "Jaish-e-Muhammad" (Đội quân Mohammad) cực đoan nhằm vào một đoàn xe quân sự của Ấn Độ tại Kashmir ngày 14/2, làm 44 binh sĩ bị chết và 20 người khác bị thương.

Đáp lại hành động này, Ấn Độ đã cho máy bay xuất kích vượt qua biên giới ở bang Kashmir, ném bom căn cứ của Jaish-e-Muhammad bên trong lãnh thổ Pakistan 60 km.

Thiếu tướng Asif Ghafoor, đại diện của lực lượng vũ trang Pakistan cho biết các máy bay chiến đấu Pakistan cất cánh ngay lập tức, bắn hạ hai máy bay của Ấn Độ và bắt sống phi công trước khi các máy bay này tiếp cận mục tiêu. 

Đồng thời, Pakistan cũng cho máy bay ném bom một số căn cứ bên trong lãnh thổ Ấn Độ. Ấn Độ cũng tuyên bố đã bắn rơi một máy bay của Pakistan.

Xung đột Ấn Độ-Pakistan: Khó có khả năng 2 nước dồn ép nhau tới mức xảy ra chiến tranh tổng lực - Ảnh 1.

Quân đội Pakistan đứng cạnh thứ được Islamabad tuyên bố là mảnh vỡ của chiến đấu cơ Ấn Độ.

Cả Ấn Độ và Pakistan đã đóng cửa không phận và nhiều sân bay của mình. Đến nay tình hình vẫn chưa lắng dịu, đẩy hai nước đến nguy cơ bùng nổ một cuộc đối đầu quân sự lớn. Ngày 28/2/2019, cựu tư lệnh không quân Pakistan, tướng Mehmood Hali tuyên bố "nếu bị đẩy vào chân tường, Pakistan sẽ buộc phải trả đũa bằng vũ khí hạt nhân".

Đây là vi phạm nghiêm trọng nhất đối với thỏa thuận ngừng bắn năm 2003 giữa hai nước, dẫn đến việc đóng cửa không phận và nhiều sân bay ở cả Ấn Độ và Pakistan.

Các nhà lãnh đạo Ấn Độ và Pakistan đang hết sức kiềm chế và tìm cách không để tình hình căng thẳng leo thang.

Tuy nhiên, các phần tử cứng rắn, cực đoan của cả hai phía đã lợi dụng các trang mạng xã hội để kích động gây hằn thù lẫn nhau, đặc biệt ở Pakistan các phần tử này đã tố cáo Thủ tướng Imran Khan hèn nhát không dám đánh trả các cuộc không kích của Ấn Độ vào căn cứ của tổ chức "Jaish-e-Muhammad" nằm sâu trong lãnh thổ Pakistan.

Giữa New Dehli và Islamabad đã xảy ra ba cuộc chiến tranh do tranh chấp vùng Kashmir vào những năm 1948, 1965 và 1971, làm hàng chục ngàn người của cả hai phía bị chết và bị thương.

Khó có khả năng bùng nổ cuộc chiến tranh tổng lực

Sự căng thẳng này sẽ tác động tiêu cực đến kế hoạch thu hút đầu tư nước ngoài của Thủ tướng Imran Khan nhằm cứu nền kinh tế của Pakistan đang bị chìm trong khủng hoảng hiện nay. Tình hình có thể sẽ trở nên trầm trọng hơn nếu Ấn Độ cắt nguồn nước từ các con sông Stalj, Beas và Raffi.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng đang phải chịu áp lực rất mạnh từ tất cả các lực lượng yêu cầu chính phủ phải có các hành động kiên quyết chống khủng bố và những người nuôi dưỡng khủng bố, theo quan điểm của Ấn Độ là quân đội và cơ quan tình báo Pakistan, đặc biệt là trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội dự kiến được tổ chức vào tháng Tư sắp tới.

Xung đột Ấn Độ-Pakistan: Khó có khả năng 2 nước dồn ép nhau tới mức xảy ra chiến tranh tổng lực - Ảnh 3.

Bản đồ khu vực xung đột Ấn Độ, Pakistan. Đồ họa: CNN.

Bất kỳ sự leo thang căng thẳng nào cũng sẽ có lợi cho các nhóm Hồi giáo cực đoan đòi sử dụng các biện pháp quân sự để lấy lại toàn bộ vùng Kashmir, nơi đại bộ phận người Hồi giáo sinh sống, trong đó có căn cứ của "Jaish-e-Muhammad" là tổ chức đã tấn công vào Quốc hội Ấn Độ và thành phố Mumbai năm 2001.

Mặc dù các nhà phân tích chính trị cho rằng đảng Bharatiya Janata của Thủ tướng N. Modi có cơ hội thắng cử lớn nhất, nhưng cuộc cạnh tranh sẽ rất quyết liệt. Trong lúc này ông N. Modi không được phép phạm bất cứ sai lầm nào, bởi vì cái giá của sai lầm sẽ rất đắt.

Mặt khác, điều làm phức tạp thêm tình hình là cả Ấn Độ và Pakistan đều có vũ khí hạt nhân.

Xung đột Ấn Độ-Pakistan: Khó có khả năng 2 nước dồn ép nhau tới mức xảy ra chiến tranh tổng lực - Ảnh 4.

Đáng lưu ý là vũ khí hạt nhân ở Pakistan hoàn toàn do quân đội kiểm soát, mà trong quân đội lại có rất nhiều phần tử cực hữu, nếu họ thua trong các trận chiến đấu bằng vũ khí thông thường thì họ không ngần ngại sử dụng vũ khí hạt nhân.

Trong tình hình như vậy, một cuộc chiến tranh tổng lực giữa hai nước như ba cuộc chiến tranh trước đây sẽ không có lợi cho cả Ấn Độ lẫn Pakistan.

Chính vì vậy, chỉ sau vài giờ bắn hạ hai máy bay và bắt sống phi công của Ấn Độ, Thủ tướng Imran Khan của Pakistan đã kêu gọi Thủ tướng Ấn Độ đối thoại để giải quyết tình trạng căng thẳng giữa Islamabad và New Dehli.

Ngoại trưởng Ấn Độ Shusshma Suwaresh cũng tuyên bố Ấn Độ "không muốn căng thẳng leo thang hơn nữa" với Pakistan sau các cuộc không kích vào lãnh thổ Pakistan.

So sánh lực lượng giữa Ấn Độ và Pakistan

Ấn Độ

Pakistan

Quân đội

1,4 triệu người

653.000 người

Đầu đạn hạt nhân

140

130

Bộ binh

1,2 triệu người

560.000 người

Xe tăng

3.565 chiếc

2.496 chiếc

Pháo

9.719 khẩu

4.473 khẩu

Máy bay chiến đấu

814 chiếc

425 chiếc

Hải quân

1 tàu sân bay 16 tàu ngầm, 16 tàu khu trục, 106 tàu tuần tra

8 tàu ngầm, 9 tàu khu trục, 17 tàu tuần tra

Chi phí quân sự năm 2018

58 tỷ USD Tương đương 2,1% GDP

11 tỷ USD

Tương đương 3,6% GDP

Theo Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế Washington (CSIS)

* Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại