Thái tử Mohammed bin Salman công du Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan: Hướng Đông để "kích" Tây?

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Chuyến công du 3 nước châu Á liệu có cải thiện được hình ảnh của Thái tử Mohammed bin Salman trong bối cảnh quan hệ giữa Ả Rập Saudi và phương Tây vẫn đang căng thẳng?

Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman đã tiến hành chuyến công du châu Á từ 17-22/2/2018 gồm Pakistan, Ấn Độ và Trung Quốc. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Thái tử sau khi tham dự hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Argentina và cũng là chuyến công du châu Á đầu tiên của Thái tử kể từ khi lên ngôi năm 2015 đến nay.

Chuyến công du này của Thái tử MBS được tiến hành trong bối cảnh quan hệ giữa Ả Rập Saudi với Mỹ và các nước châu Âu vẫn đang ở trong tình trạng căng thẳng sau vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi ngày 2/10/2018. Dư luận chính giới Mỹ và châu Âu cáo buộc Thái tử MBS là người đứng sau vụ sát hại này.

Đặc biệt, Quốc hội Mỹ đã ra nghị quyết buộc MBS phải chịu trách nhiệm về vụ việc này. Trong khi đó chính quyền của Tổng thống Donal Trump vẫn đang tìm cách bào chữa và bênh vực cho MBS để tránh bị điều tra và trừng phạt.

Kết quả chuyến thăm ba nước châu Á của Thái tử Mohammed bin Salman

Tại Islamabad, Thái tử MBS đã ký với Thủ tướng Imran Khan nhiều thỏa thuận hợp tác, đầu tư vào Pakistan với tổng giá trị lên tới trên 20 tỷ USD. Thái tử MBS cũng quyết định thả 2000 tù nhân Pakistan đang bị giam giữ tại các nhà tù của Ả Rập Saudi.

Tại New Dehli, MBS đã ký với Thủ tướng Narendra Modi một loạt biên bản thỏa thuận hợp tác và quyết định thành lập Hội đồng đối tác chiến lược cấp thượng đỉnh. Hội đồng này sẽ họp định kỳ hai năm một lần.

Đáng lưu ý, trong chuyến thăm này Thái tử MBS đã tuyên bố sẽ đầu tư vào nền kinh tế Ấn Độ 100 tỷ USD, trong đó có việc xây dựng một tổ hợp lọc hóa dầu lớn nhất Ấn Độ tại bang Maharashta nằm bên bở Biển Ả Rập trị giá 11 tỷ USD và nhiều dự án trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, công nghiệp và nông nghiệp.

Nhân dịp này, Thái tử MBS đã quyết định thả 850 tù nhân Ấn Độ hiện đang bị giam giữ trong các nhà tù của Ả Rập Saudi.

Thái tử Mohammed bin Salman công du Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan: Hướng Đông để kích Tây? - Ảnh 1.

Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman và Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi. Ảnh: Times of India.

Tại Bắc Kinh, hai bên đã ký 35 thỏa thuận hợp tác với tổng trị giá lên tới trên 28 tỷ USD trong lĩnh vực vận tải, năng lượng, thương mại, đầu tư, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, thành lập công ty liên doanh về hóa dầu...

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định với Thái tử MBS "tiếp tục phát triển mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Trung Quốc và Ả Rập Saudi." Ả Rập Saudi ủng hộ sáng kiến "Vành đai, con đường" của Trung Quốc và Bắc Kinh tuyên bố ủng hộ sáng kiến "Tầm nhìn 2030" của Thái tử MBS nhằm đa dạng hóa nền kinh tế vốn dựa vào dầu mỏ của Ả Rập Saudi.

Đáng chú ý, Thái tử MBS đã tuyên bố ủng hộ Trung Quốc trấn áp các phần tử Hồi giáo cực đoan quá khích người Duy Ngô Nhĩ ở Tây Tạng. Trong cuộc gặp Chủ tịch Tập Cận Bình, Thái tử MBS nói "Trung Quốc có quyền thi hành các biện pháp chống khủng bố và quá khích nhằm bảo đảm an ninh quốc gia".

Tạp chí Newsweek của Mỹ cho biết, Thái tử MBS còn "bày tỏ ủng hộ chính sách của Trung Quốc trong việc thành lập các trại giam những người Hồi giáo Ngô Duy Nhĩ".

Chuyến công du châu Á liệu có cải thiện được hình ảnh của Ả Rập Saudi?

Về hình thức, các phương tiện thông tin đại chúng cho rằng chuyến thăm của Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman tới Pakistan, Ấn Độ và Trung Quốc là rất thành công. Các bên đều tỏ hài lòng về kết quả tích cực của chuyến thăm trên nhiều cấp độ. Chuyến thăm đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ các mối quan hệ song phương giữa Ả Rập Saudi và các quốc gia trên.

Tuy nhiên, các nhà quan sát chính trị trên thế giới đang đặt câu hỏi liệu chuyến đi này có cải thiện được hình ảnh của Thái tử MBS sau vụ sát hại nhà báo J. Khashoggi và những cam kết đầu tư khổng lồ vào các nước đến thăm có thực hiện được không và chuyến công du này liệu có làm cho Mỹ và châu Âu bỏ qua vụ J. Khashoggi hay không?

Thái tử Mohammed bin Salman công du Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan: Hướng Đông để kích Tây? - Ảnh 2.

Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AP.

Việc Mỹ và các nước châu Âu đòi tiến hành điều tra và cáo buộc chính quyền Ả Rập Saudi chủ mưu sát hại dã man nhà báo J. Khashoggi không chỉ ảnh hưởng to lớn đến danh tiếng của Ryadh trên thế giới, mà còn đặt tương lai chính trị của Thái tử Mohammed bin Salman trước nguy cơ bị phế truất, đồng thời tạo ra một tình hình bất ổn chưa từng có trong quan hệ giữa Washington và Riyadh.

Trong bối cảnh đó, thông qua chuyến công du châu Á của Thái tử MBS, Riyadh trước tiên muốn nói rõ với các "đồng minh" của mình ở Mỹ rằng, Vương quốc Ả Rập Saudi còn có nhiều người bạn tốt ở phương Đông, sự kiên nhẫn của họ đối với những tranh cãi trong nội bộ nước Mỹ giữa đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ xung quanh vụ J. Khashoggi là có hạn và thế giới hiện nay đã thay đổi, không còn là thế giới của Mỹ nữa.

Tuy nhiên, đến nay Đảng Dân chủ vẫn tăng cường sức ép đối với Ả Rập Saudi trong vụ nhà báo J. Khashoggi và chống lại Trump, người tìm cách bảo vệ các hợp đồng vũ khí ký với Thái tử Mohammed bin Salman.

Chính sách hướng về phương Đông để kích phương Tây khó đạt được kết quả mong muốn

Việc ve vãn Trung Quốc, một nước mà Trump coi là "Kẻ thù chiến lược số một", có thể sẽ là một việc lợi bất cập hại, làm cho đảng Dân chủ và Cộng hòa xích lại cùng nhau quyết định trừng phạt Ả Rập Saudi.

Tổng thống Trump là người hay thay đổi quan điểm nên không loại trừ khả năng sẽ thỏa hiệp với đảng Dân chủ về vụ nhà báo J. Khashoggi và trừng phạt Ả Rập Saudi để giảm bớt sự công kích của những người dân chủ nhằm vào ông, đặc biệt khi chiến dịch tranh cử Tổng thống đang tới gần.

Ở Mỹ, việc duy trì quyền lực đối với bất kỳ chính trị gia nào cũng quan trọng hơn rất nhiều so với mối quan hệ của họ với các nước, thậm chí là đồng minh.

Tiếp Thái tử MBS, Pakistan, Ấn Độ và Trung Quốc mong muốn tăng cường quan hệ với Ả Rập Saudi nhằm tranh thủ nguồn vốn đầu tư và sự ủng hộ của nước này đối với các mục tiêu riêng của họ. Pakistan, Ấn Độ và cả Trung Quốc đều không thể và cũng không sẵn sàng đứng ra thay chân Mỹ để bảo vệ an ninh cho Ả Rập Saudi, đặc biệt khi cả ba nước này đều có quan hệ tốt với Iran và các đối thủ khác của Ryadh.

Hơn nữa, những năm gần đây nền kinh tế của Ả Rập Saudi suy giảm nghiêm trọng do giá dầu giảm và chi phí lớn vào cuộc chiến Yemen.

Theo hãng thông tấn SPA của Ả Rập Saudi, thâm hụt ngân sách quốc gia trong năm 2019 ước tính khoảng 35 tỷ USD, buộc chính phủ phải cắt giảm nhiều khoản chi phí.

Thái tử Mohammed bin Salman công du Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan: Hướng Đông để kích Tây? - Ảnh 4.

Trước tình hình Ả Rập Saudi đang phải vật lộn với những khó khăn trong nước như vậy, việc Thái tử MBS cam kết đầu tư trên dưới 150 tỷ USD vào Pakistan, Ấn Độ và Trung Quốc sẽ không dễ gì thực hiện.

Nhà bình luận chính trị người Nga Alexander Nazarov ví chuyến công du châu Á của Thái tử MBS giống như trường hợp của một người vợ thấy tình yêu của chồng không còn được mặn mà như xưa nữa, cô ấy bắt đầu vuốt ve những người đàn ông khác để người chồng yêu cô ấy hơn. Việc làm này của người vợ có thể gây ra hậu quả không thể lường trước được.

Trong tình hình hiện nay, có thể nói chuyến thăm châu Á của Thái tử Mohammed bin Salman khó đạt được mục đích mong muốn và Ryadh có lẽ không muốn gây căng thẳng trong quan hệ với Washington.

* Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại