1. Sau pha cản phá đối phương ấy, sau khi tiếng còi của trọng tài nổi lên, đồng thời với cái chỉ tay vào chấm phạt đền xác tín cho một quả penalty cho U23 Thái Lan, Đình Trọng giơ tay phân bua, rồi quỳ xuống ngơ ngác. Rất may, thủ thành Bùi Tiến Dũng đã xuất sắc cứu cho người đồng đội cùng U23 Việt Nam khỏi một bàn thua. Song điều qua trọng lại nằm ở tình huống phạm lỗi của cầu thủ mang số 15.
Pha bóng ấy, Đình Trọng hoàn toàn có thể thực hiện động tác tỳ vai với Supachok Sarachat, làm chậm nhịp chạy để đồng đội từ trong chạy ra bọc lót. Thậm chí nếu cầu thủ số 22 của U23 Thái Lan thoát được, thì đấy chưa hẳn sẽ là tình huống quá nguy hiểm, bởi U23 Việt Nam vẫn còn đủ người để phong tỏa khi chỉ có duy nhất một cầu thủ Thái băng xuống phía trong.
Không khó đoán lý do Đình Trọng thực hiện pha bóng ấy, để rồi phản ứng quyết liệt khi vừa bị penalty, vừa nhận thẻ: cầu thủ này không nghĩ hành động như thế là phạm lỗi.
Pha phạm lỗi dẫn đến quả penalty cho U23 Thái Lan của Đình Trọng
Quả tình, không ít những người thường xuyên theo dõi V-League ngạc nhiên và lên án trọng tài trong tình huống ấy. Đấy là tình huống khá quen thuộc ở đấu trường V-League, và có lẽ chưa bao giờ những pha bóng tương tự lại bị thổi phạt trên sân cỏ Việt Nam.
Còn theo luật FIFA, trọng tài chính Ahmad A'qashah đã đưa ra quyết định hoàn toàn chính xác, bởi: "Động tác tỳ vai là phải vai chạm vai, một trong hai chân phảm chạm đất. Luật FIFA quy định một trong hai chân chạm đất, vì nếu không chạm đất sẽ bị xem là nhảy vào người đối phương", cựu trọng tài FIFA Đinh Văn Dũng nhận định.
"Trong tình huống này, Đình Trọng dùng vai húc vào thân trước, chứ không phải vào vai của Supachok Sarachat. Theo quan sát của tôi, đây là lỗi xô đẩy đối phương, một trong những lỗi trực tiếp theo luật bóng đá. Lỗi xô đẩy không phải dùng tay mới là xô đẩy, mà dùng vai hay thân... vẫn được tính.
Trọng tài Đinh Văn Dũng. Ảnh: PLO.
Thêm nữa, khi tỳ vai phải có cơ hội chơi bóng, còn không có cơ hội chơi bóng mà vẫn tỳ vai thì đều xem là phạm luật. Cơ hội chơi bóng ở đây là có khả năng chơi hoặc kiểm soát bóng".
2. Thực ra, việc phổ biến "thêm" luật cho các tuyển thủ quốc gia khi bước ra các sân chơi khu vực và lớn hơn đã từng được VFF thực hiện, lần đầu tiên là sau thất bại ở AFF Cup 2016 với hàng loạt lỗi "chết người" của Nguyên Mạnh (đánh nguội đối phương), hay Quế Ngọc Hải (gây ra hai quả phạt đền từ những pha phạm lỗi trong vòng cấm).
Một năm trước, VFF từng đề nghị các đợt tập trung đội tuyển trong tương lai sẽ mời các chuyên gia về luật bóng đá "giảng giải thêm" cho các tuyển thủ, nhằm "không còn tái diễn những hành vi xấu xí trên đấu trường quốc tế".
Quế Ngọc Hải phạm lỗi dẫn đến penalty
Nói đâu xa, ở SEA Games 29 vừa qua, thủ thành Phí Minh Long đã phạm một lỗi cực kỳ ngớ ngẩn khi ung dung nhặt bóng lên... sau cú trả bóng về của đồng đội, "biếu cho" U22 Thái Lan cú sút phạt trong vòng cấm thành bàn thắng mở đầu trận thắng quyết định tiễn thầy trò HLV Hữu Thắng về nước.
Gần đây nhất, sáng ngày 31/8/2017, trước trận làm khách trước ĐTQG Campuchia ở Phnom Penh, các tuyển thủ quốc gia Việt Nam được HLV Mai Đức Chung cho nghỉ tập để đi nghe giảng viên Đoàn Phú Tấn "cập nhật kiến thức luật" hẳn một buổi.
U23 Việt Nam lần này nói chung, và Đình Trọng (tập trung muộn) nói riêng có thể chưa được trải qua công đoạn cần thiết này, có lẽ vì đây chỉ là một giải giao hữu. Nhưng trước mắt là đấu trường U23 châu Á, mỗi sai lầm có thể sẽ phải trả giá rất đắt, và VFF không thể quên điều này.
Đừng để những giọt nước mắt ấy rơi vì sai lầm thêm lần nữa.
Tuy nhiên, những gì VFF đang làm chỉ là giải pháp tạm thời, bởi mấu chốt của việc luật bóng đá của Việt Nam có "độ chênh" với thế giới là bởi đội ngũ trọng tài V-League chính là những những người tạo ra "sự khác biệt chết người" đó.
Sự dung dưỡng của đội ngũ trọng tài cho những hành động xấu xí, phạm luật của cầu thủ không chỉ khiến V-League xấu đi vì bạo lực, mà còn vô hình chung tạo nên "luật rừng" cho riêng bóng đá Việt Nam, để rồi hết lần này đến lần khác, các tuyển thủ Việt Nam lại "quen tay, quen chân" khi ra đấu trường quốc tế, để rồi nhận những thất bại đáng tiếc.
Đến lúc thực hiện cái điều đã từng rao giảng cả năm về trước rồi đấy, VFF ạ! Đừng để "mất bò mới lo làm chuồng", mà có phải lần đầu đâu chứ!