Đạo diễn lồng tiếng Vân Trang sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn, trong một gia đình có truyền thống làm về nghệ thuật. Ba của Vân Trang là nhà báo nhưng ông còn làm về lĩnh vực in ấn và phim ảnh. Ông chính là biên kịch phim "Lửa cháy thành Đại La", "Thăng Long đệ nhất kiếm" mà hãng phim của NSND Lý Huỳnh sản xuất.
Mẹ của Vân Trang là nghệ sĩ cải lương với nghệ danh Băng Tâm, từng một thời rất nổi tiếng trên Đài phát thanh Giải Phóng trước năm 1975. Bà công tác tại Đoàn văn công miền Nam trước khi chuyển sang ngành y, làm việc tại phòng y tế trực thuộc Sở Văn hóa Thông tin.
Vân Trang đến với nghệ thuật khá muộn. Trước khi trở thành diễn viên lồng tiếng và đạo diễn lồng tiếng, Vân Trang từng công tác trong ngành bưu điện. Nhưng dường như cái gien nghệ thuật và niềm đam mê đã đưa đường, dẫn lối chị vào nghề này như một định mệnh, hay nói đúng hơn, là sự lựa chọn của Tổ nghề.
Diễn viên, đạo diễn lồng tiếng Vân Trang.
Từ cô bé quần chúng trong "Biệt động Sài Gòn" đến đạo diễn lồng tiếng
Vì lớn lên trong môi trường của một gia đình làm về nghệ thuật nên từ bé, Vân Trang đã bạo dạn và có những "duyên ngầm" mà những đứa trẻ khác không có.
Năm 4 tuổi, đang học trong trường mẫu giáo thì người của Nhà xuất bản thành phố tới tìm một em bé để chụp ảnh lịch. Trong mấy trăm đứa trẻ, họ "nhắm" trúng Vân Trang.
Nhiều lần theo cha ra phim trường nên Vân Trang không lạ lẫm gì cảnh người ta đóng phim. Có lần, đạo diễn – NSƯT Thành Trí cần một bé gái làm quần chúng phim "Biệt động Sài Gòn" và nhớ ra ông bạn thân (ba của Vân Trang) có cô con gái xinh xắn, đáng yêu nên bảo đi quay. Vân Trang cũng hăm hở đi ngay.
Mọi người xúi cha của Vân Trang cho con gái đi học diễn viên nhưng ông chỉ... cười trừ! Còn Vân Trang thì nghĩ, mình không làm diễn viên được nên cũng chẳng dám... mơ mộng.
Bẵng đi nhiều năm, Vân Trang thi vào Đại học Mở chuyên ngành Anh văn. Còn đang ngồi trên ghế nhà trường, Vân Trang đã trúng tuyển vào bưu điện thành phố khi đó đang tuyển nhân viên. Nhờ điểm ngoại ngữ cao nhất mà Vân Trang được làm trong tổ tổng đài 108, sau này là tổng đài 1080.
Thời gian sau, nhờ có giọng nói tốt, Vân Trang được chuyển qua tổ Hộp thư thoại, phụ trách chuyên mục Hộp thư âm nhạc và trang điểm. Chương trình này gần giống như Đài phát thanh, chỉ khác là nghe qua điện thoại.
Vì công việc hàng ngày là đọc tin tức nên Vân Trang và một số đồng nghiệp trong tổ mời thầy Xuân Tâm về dạy giọng nói. Cũng nhờ cơ duyên này mà thêm một lần nữa, Vân Trang trở lại nghề... diễn viên quần chúng.
Nghe lời khuyên của thầy, Vân Trang đi đăng ký lớp học diễn viên nhưng vì trễ nên bị từ chối. Đúng lúc này, công ty H3 mở lớp dạy diễn viên lồng tiếng, Vân Trang đăng ký đi học.
Vân Trang thời trẻ
Niềm đam mê nghệ thuật ngày nào trỗi dậy, Vân Trang bỏ làm bưu điện, vừa học lồng tiếng vừa đi làm quần chúng từ sáng tới chiều. Vân Trang ngồi cả ngày chỉ để được xuất hiện vài giây, nói "mời anh chị uống nước" rồi đi vô, mà cũng thấy vui!
Ngay cả ngày nghỉ, thay vì ở nhà, Vân Trang cũng chạy tới đoàn phim xem các anh chị diễn viên làm việc. Ấy vậy mà Vân Trang vẫn không đủ duyên để theo nghề diễn viên mà lại dấn thân vào nghề lồng tiếng phim sau vài dự án đọc... phim lậu - một công việc mà những diễn viên lồng tiếng kỳ cựu ở Việt Nam, không một ai không từng làm.
Và cũng vì quá mê đọc thuyết minh, lồng tiếng, Vân Trang mở luôn một phòng thu tại nhà, chỉ để thỏa "cơn say" của mình.
Tình cờ, một nhóm lồng tiếng tìm đến thuê. Từ từ, Vân Trang mở công ty chuyên về lồng tiếng, thuyết minh phim và trở thành đạo diễn lồng tiếng lúc nào không hay.
Nhờ từng làm tổng đài trong bưu điện nên Vân Trang xin được danh sách các đối tác ở lĩnh vực này. Chị tự gọi điện, gửi email giới thiệu các dịch vụ của công ty.
Vì quá đam mê nên Vân Trang ngùn ngụt một niềm tin "mình làm được". Chị vui vẻ, nhiệt huyết, lăn xả mà không hề nghĩ mình đang... mò kim đáy biển.
Niềm tin đó của Vân Trang đã đúng khi bây giờ, nhắc tới tên chị, người trong giới lồng tiếng phim, không ai không biết. Hầu hết các phim Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Philippines, Hàn Quốc... chiếu trên sóng VTV và rất nhiều đài khác, đều do công ty của Vân Trang lồng tiếng, thuyết minh.
Sau 10 năm, công ty lồng tiếng phim của Vân Trang hợp tác với trên dưới 100 diễn viên, từ gạo cội tới những người trẻ tài năng và thực hiện hàng nghìn bộ phim.
Vân Trang trong phòng thu
VÂN TRANG LỒNG TIẾNG BÉ TRAI TRONG PHIM "CỔ KIẾM KỲ ĐÀM"
Được hãng Diney mời làm đạo diễn lồng tiếng phim hoạt hình
Năm 2019, hãng Disney muốn mở kênh Disney Plus tại Việt Nam để cạnh tranh với Netflix. Sau khi tìm hiểu, họ chọn đích danh Vân Trang làm đạo diễn lồng tiếng mảng phim hoạt hình cho kênh. Vân Trang đã thực hiện một kho phim hoạt hình về Marvel cho hãng Disney lên tới hơn 200 tập phim.
Vân Trang cũng là đạo diễn lồng tiếng cho hãng phim JEE nổi tiếng hàng đầu của Thái Lan tại Việt Nam. Chị phụ trách toàn bộ mảng phim Bollywood (Ấn Độ). Hay mới đây nhất, chị cũng là đạo diễn lồng tiếng phim hoạt hình chiếu rạp SONIC khá rầm rộ.
Vân Trang chia sẻ: "Trong nghề này, có rất nhiều ngôi sao. So về chuyên môn, tôi không giỏi như họ nhưng tôi được Tổ đãi về duyên quản lý và cho mình cái "tai nghe".
Hồi xưa, người ta nhờ tôi đi tìm một tổ lồng tiếng. Trong tổ đó, tôi dở nhất về kỹ năng nhưng vẫn được trao quyền tổ trưởng. Tôi biết nhân vật này sẽ hợp với chất giọng và tính cách của diễn viên lồng tiếng nào. Và phim nào tôi làm cũng thế, từ diễn viên quần chúng tới diễn viên chính đều được chăm chút tới nơi tới chốn.
Mỗi một diễn viên lồng tiếng đều có thế mạnh riêng, sở trường riêng. Ví dụ, anh Huy Hồ làm vai thái giám rất hay. Khi mình biết được sở trường của từng người thì sẽ nhìn ra được tuyến nhân vật nào hợp với họ để đặt vai.
Và để làm điều đó thì tôi là người đầu tiên xem bản phim gốc, phần biên dịch và phân vai cho từng người một cách chính xác nhất".
Đạo diễn lồng tiếng Vân Trang trong một chuyến đi Mỹ công tác.
Sau 10 năm làm nghề này, ở cả vị trí diễn viên và đạo diễn lồng tiếng, hỏi nỗi sợ lớn nhất của Vân Trang là gì, chị nói "là làm xong phim mà khách không trả tiền hoặc chậm tiền".
Từng có một kênh truyền hình nổi tiếng nợ Vân Trang hơn 2 tỉ đồng tiền lồng tiếng phim. Khi họ phá sản, ngoài số tiền này, Vân Trang phải "gánh" thêm cả tiền thuế của hơn 2 tỉ đó. Bởi trước khi đơn vị này tuyên bố phá sản, để được đưa vào danh sách nợ của họ, chị buộc phải xuất hóa đơn đỏ.
Thời điểm đó mới cách đây chừng 3,4 năm. Vân Trang bị stress vì gồng gánh quá nhiều. Tiền của diễn viên lồng tiếng, chị vẫn phải trả mà tiền từ kênh truyền hình kia thì... không lấy được.
Trước kia, Vân Trang chưa bao giờ chậm lương diễn viên. Xong phim nào, chị thanh toán phim đó nhưng từ sau sự cố này, chị bị cụt vốn.
Vì phụ thuộc vào đơn vị mà chị làm phim cho họ nên Vân Trang rơi vào tình huống "chậm" tiền diễn viên. Tuy nhiên, với uy tín của mình trong nghề chục năm qua, chưa bao giờ chị bị diễn viên cằn nhằn hay than thở.
Năm 2019, người đứng đầu đơn vị truyền hình kia trả cho Vân Trang 400 triệu. Họ hứa, mỗi năm sẽ mỗi trả chị một chút. Thế nhưng, Vân Trang nghĩ bụng, nếu mọi thứ ổn, chị sẽ xóa bớt nợ cho họ, nhiều lắm là nhận phân nửa số nợ chứ không lấy hết.
Dù là đạo diễn lồng tiếng nhưng Vân Trang vẫn đảm nhận cả vai trò diễn viên lồng tiếng. Một phần vì đam mê và một phần vì tình hình khó khăn chung của nghề nên chị làm để... giảm bớt chi phí. Vì mình làm cho mình thì... không phải trả lương.
Cũng như các diễn viên lồng tiếng khác, Vân Trang nói được nhiều giọng khác nhau, từ giọng con nít đến giọng người già.
VÂN TRANG LỒNG TIẾNG VAI HOÀNG THÁI HẬU VÀ NỮ TRẺ ĐỐI THOẠI TRỰC TIẾP, PHIM "ĐÔNG CUNG"
Vân Trang cười tâm sự: "Dù U50 rồi nhưng sở trường của tôi lại là giọng con nít. Làm giọng con nít, tôi tự tin hơn cả giọng nữ trẻ. Mấy anh chị lớn trong nghề cũng như các bạn kỹ thuật của phòng thu đều bảo, tôi lồng tiếng con nít dễ thương, giọng trong veo".
Hỏi Vân Trang nhận được gì từ nghề lồng tiếng này, chị bảo, mình được trẻ lại và nhìn cuộc đời một cách bao dung hơn, vui vẻ hơn.
"Nghề này cho tôi những cảm xúc tích cực và cái nhìn sâu sắc hơn về cuộc sống. Vì mình làm nhiều nhân vật, nhiều số phận, mình sẽ hiểu được ở hoàn cảnh đó, họ nghĩ gì và như thế nào. Từ phim ra đời, khi ai làm mình buồn, làm điều sai quấy với mình, mình biết đặt mình vào vị trí của họ để thông cảm với điều họ trải qua và tha thứ", Vân Trang nói.