Từ thuyết minh phim đến diễn viên lồng tiếng
Thùy Trang là con gái lớn trong gia đình có bốn chị em. Học hết phổ thông, Thùy Trang nộp đơn đi học khóa thương nghiệp để sau này ra bán hàng ở Thương Xá Tax.
Trong lúc chờ được gọi đi học, cậu của chị là trưởng rạp Tháng 8 ở Hà Nội hướng cho theo nghề thuyết minh. Chỉ vì nghe cái tên nghề "thuyết minh" lạ lạ mà chị gật đầu đồng ý.
Lớp tuyên truyền thuyết minh phim do công ty Phát hành phim và chiếu bóng tổ chức năm ấy có gần 400 người dự thi, 16 người được chọn để bổ sung về các rạp của thành phố, trong đó có Thùy Trang. Kết thúc khóa học sáu tháng, Thùy Trang được cậu gửi gắm về rạp Toàn Thắng.
Cả rạp có năm thuyết minh chia nhau làm bảy suất chiếu trong một ngày. Ngày ấy thuyết minh được thương lắm. Chỉ cần ho một tiếng là từ sếp tới nhân viên ai cũng quan tâm chăm sóc.
Theo lời kể của chị, mỗi năm tới ngày 30-4 các rạp ở TP.HCM đều dành một tháng để chiếu phim Việt Nam. Trong tháng đó, thuyết minh được nghỉ nhưng phải trực rạp vì ở không thì không được lãnh lương. Vậy là thuyết minh được bổ sung ra bán vé, hướng dẫn chỗ ngồi cho khán giả.
Bảy năm làm việc ở rạp Toàn Thắng để lại rất nhiều kỷ niệm cho chị, buồn nhiều mà vui cũng không ít. Nhưng Thùy Trang nhớ nhất là quãng thời gian hai năm đi chiếu bóng lưu động ở các tỉnh vùng sâu vùng xa như thủy điện Trị An, Bến Tre...
Thùy Trang - Thành Nhân lồng tiếng trực tiếp phim Anh hùng thành trại.
Thùy Trang kể, ngày đó công ty cấp cho đoàn chiếu bóng lưu động một chiếc ô tô 15 chỗ. Đoàn gồm một lái xe, hai máy chiếu và một thuyết minh đi từ địa phương này tới địa phương khác.
Máy chiếu được dựng giữa một khu đất trống, cũng có khi giữa cánh đồng. Thuyết minh ngồi giữa, khán giả vây xung quanh nhưng... họ không xem phim mà nhìn miệng thuyết minh.
Chị kể: "Tôi nhớ có lần thuyết minh phim "Thầy lang", một anh thanh niên cứ quay xuống nhìn tôi mà không chịu xem phim. Tôi bảo "anh quay lên xem phim đi, đừng nhìn em nữa, em bị phân tâm không đọc được". Anh ta cười nói tại thuyết minh đẹp quá... làm tôi đỏ hết cả mặt".
Mỗi lần như vậy, thuyết minh hoặc bị nói vấp hoặc bị mất cảnh, có khi bỏ nguyên trang giấy nhưng khán giả không ai phàn nàn bởi vì hai bên mải nhìn nhau nên chính họ cũng không biết.
Mỗi lần đi chiếu phim lưu động như vậy thường mất cả tháng nên đoàn phim ăn ở tại nhà dân. Căn nhà Thùy Trang ở nhờ nằm ngay mặt đường làng nên mới 5 giờ sáng chị đã nghe tiếng nói chuyện lao xao của người dân đi chợ ngang qua: "Hồi tối có cô thuyết minh đọc hay mà còn đẹp nữa".
Nghe người ta bàn tán về mình, lòng chị vui phơi phới. Tỉnh dậy, ra chợ ăn sáng, mọi người chỉ trỏ "thuyết minh kìa, thuyết minh kìa", Thùy Trang lại càng vui hơn. Lúc về thành phố, người cho chùm dừa, người cho thùng mận và cả dầu gió xanh Con Ó từ nước ngoài gửi về - một món đồ quý giá ngày ấy.
Cũng chính vì những niềm vui nho nhỏ đó mà bao nhiêu cực khổ, chị đều ráng vượt qua để bám trụ với công việc này.
Thùy Trang và Vân Trang - chủ công ty chuyên làm lồng tiếng phim Song Ngư.
Thùy Trang chia sẻ: "Hồi đó đi chiếu phim lưu động khổ lắm. Không có nhà vệ sinh như bây giờ mà phải đi cầu cá tra, hầm cá vồ. Chỗ tắm được quây bằng lá dừa, không có nóc, gió thổi lồng lộng. 5 giờ xách máy ra chiếu phim thì phải 10, 11 giờ khuya mới được về tắm.
Ngày ấy chưa có điện, người dân dùng đèn dầu. Ở quê, ếch nhái kêu râm ran, nhìn đâu cũng tối thui, ngó lên trời chỉ có trăng sao. Tính tôi nhát, sợ rắn nữa nên chẳng bao giờ dám tắm lâu. Cứ xối nước cái ào cho người đỡ rít mồ hôi rồi thay đồ chạy vô.
Hồi đi chiếu phim ở thủy điện Trị An cũng thế. Vùng ấy hoang dã, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn đủ thứ. Xung quanh toàn công nhân và đều là nam giới, chỉ có mình tôi là nữ nên ngủ mà cứ lo ngay ngáy.
Đi chiếu phim lưu động rất vui nhưng ai cũng sợ vì khổ. Khi nhà nước bỏ hình thức chiếu phim lưu động, có lẽ người mừng nhất là thuyết minh".
Năm 1990, khi phim TVB tràn vào Việt Nam, Thùy Trang là một trong những người đầu tiên tham gia lớp học lồng tiếng do TVB tuyển chọn và đào tạo cùng với những đàn anh đàn chị như Huy Hồ, Nguyễn Vinh, Bích Ngọc, Huy Dũng, Thế Thanh, Thế Phương...
Từ đây, chị bước chân vào con đường lồng tiếng và thành danh. Gần 30 năm, giọng nói của chị được khán giả đặc biệt yêu thích qua các vai diễn của Tạ Tuyết Tâm, Lý Tư Kỳ...
Đường tình duyên ngắn ngủi...
Thùy Trang lấy chồng năm 29 tuổi qua sự mai mối của một người quen vì sợ chị mải làm lồng tiếng mà quên cả kiếm bạn trai. Chồng chị là một người đàn ông quê gốc Nam Định làm nghề buôn bán phụ tùng xe dream. Thấy anh hiền lành dễ mến, chị gật đầu làm đám cưới sau đó không lâu.
Huy Hồ - Thùy Trang lồng tiếng phim "Anh hùng thành trại".
Ngay năm sau, Thùy Trang mang bầu cô con trai đầu lòng và cũng là duy nhất của hai vợ chồng. Khi bụng bầu được 3, 4 tháng chị tính nghỉ, đợi mẹ tròn con vuông rồi đi làm tiếp. Nhưng cũng đúng thời gian đó, công việc của chồng chị không suôn sẻ. Anh liên tiếp thất bại trong chuyện làm ăn khiến kinh tế gia đình sa sút, buộc lòng chị phải tiếp tục tới phòng thu "nhặt từng đồng".
Đi làm, phải ngồi ghế đẩu (ghế gỗ nhỏ và cứng). Ngồi lâu ê ẩm cả người, cấn tức bụng chị lại chuyển thế để làm tiếp.
Cũng trong thời gian này, vì không hiểu luật nên Thùy Trang nhận làm phim lậu. Chị nghĩ đơn giản, nếu có bị công an bắt thì chủ chịu, bản thân chị chỉ là người lồng tiếng thuê... chắc sẽ không sao!
Thế nhưng chị cùng một số đồng nghiệp khác bị bắt và bị tạm giam một đêm ở công an quận Tân Bình. Đêm ấy chị khóc như mưa vì bụng đang mang dạ chửa, sắp đến ngày chờ sinh.
May sao, sau một đêm tạm giữ, công an yêu cầu đóng phạt mỗi người 50.000 đồng rồi thả cho về. Sau lần đó, dù cần tiền, dù thiếu thốn đến đâu chị cũng không bao giờ dám làm phim lậu nữa.
Sinh con được một tháng, chị đã trở lại làm tiếp vì... cần tiền trả thuê nhà, sữa cho con bú lại đủ các khoản chi tiêu trong gia đình như điện nước, ăn uống...
Cuộc sống gặp muôn vàn khó khăn Cũng có lúc buồn giận mà không thể nói ra nên chị bị stress. Nhưng chỉ cần bước chân vào phòng thu, đeo tai nghe, mắt nhìn lên màn ảnh là chị lại thả hồn vào nhân vật. Những muộn phiền trong lòng bỗng dưng tan biến.
Nhưng không phải lúc nào chị cũng làm được vậy. Không phải lúc nào nghề cũng giúp chị quên đi được mọi nỗi đau đớn trong cuộc sống riêng tư!
Diễn viên lồng tiếng Thùy Trang và đàn anh Huy Hồ.
Chuyện xảy ra khi con trai chị được 6 tuổi, ông xã đột ngột qua đời vì tai nạn giao thông. Vụ tai nạn khiến anh vỡ hộp sọ, gẫy xương cổ. Vì trong người không có bất kỳ giấy tờ tùy thân nào nên bác sĩ tiêm cho anh một mũi thuốc hồi sinh để anh đọc số điện thoại bàn của nhà mình.
12 giờ đêm hôm ấy, chị gần như bay vào bệnh viện sau khi nhận cuộc gọi từ các bác sĩ. Vào phòng cấp cứu, ký giấy để bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho anh nhưng vì vết thương quá nặng, anh đã vĩnh viễn rời xa mẹ con chị.
Vì thương con, chị gắng vượt qua nỗi đau. Sau khi vẹn toàn tang lễ cho anh, chị lại tới phòng thu. Đó là quãng thời gian khó khăn nhất trong cuộc đời chị. Nuốt nước mắt vào lòng, chị cố thả hồn vào nhân vật để sống cuộc đời của họ trên màn ảnh.
Nhưng cũng có lúc, chị làm mà hồn phách như để trên mây. Làm bị rớt hoài và không ra nét nhân vật... Khi ấy, anh chị em đồng nghiệp nhắc, chị hoàn hồn lại, cố quên đi những đau đớn trong lòng mình để sống tròn vai với nhân vật đang thể hiện.
Từ đó tới nay đã 17 năm, chị vẫn ở vậy một mình nuôi con. Người ta nói, thời gian sẽ xoa dịu mọi nỗi đau nhưng khi kể lại cú sốc ấy, mọi chuyện với chị như vừa mới xảy ra ngày hôm qua. Nhắc tới chồng, nước mắt chị lại giàn giụa chảy, không sao ngăn lại được...
Sau một hồi trấn tĩnh, chị tâm sự: "Người làm nghề này giống như bị "ếm bùa", cuộc sống riêng tư ít ai suôn sẻ. Người thì độc thân, người lập gia đình thì gặp chuyện này chuyện kia mà không ai lý giải được...
Hoàn cảnh tôi thì như thế. Anh Hồ, chị Ngọc lập gia đình nhưng cũng không ai vui vẻ gì. Chị Minh Hương cũng mất chồng. Anh Vinh thì không lấy vợ...".
Diễn viên lồng tiếng Thùy Trang.
Con trai chị giờ đã 23 tuổi và đang du học bên Mỹ. Căn hộ chung cư ở quận 9 vốn dĩ không quá rộng rãi nhưng ở một mình, nhiều lúc chị cũng thấy trống trải. Nhưng vì nghĩ cho con nên chị một mình giấu nỗi cô đơn để con yên tâm học hành nơi xứ người.