Ái Như không cần một người để nghe mình kể khổ. Chị cần một người hiểu sân khấu và đủ đồng cảm để chia sẻ, tâm sự cùng chị về cái nghề mà chị trót đắm đuối, trót say mê, trót yêu đến từng tế bào trong người phải rung lên khi nhắc tới.
Đó là lý do duy nhất để chị trút hết nỗi lòng với tôi trong bài viết này...
"Nếu đêm nào cũng ngồi tính xem lỗ bao nhiêu thì sẽ kinh hãi
Mười mấy, hai mươi năm trước, kịch là một trong những "đặc sản" của Sài Gòn. Tới Sài Gòn là phải đi xem kịch. Và thỉnh thoảng, mọi người vẫn nhắc nhớ nhau về ngày đó, cái ngày mà người dân muốn xem kịch phải xếp hàng mua vé dài mấy trăm mét, thậm chí mua trước cả tuần mới có vé. Quá khứ ấy thật đẹp và cũng thật buồn khi nghĩ tới tình hình sân khấu hiện nay?
Bây giờ, ở sân khấu Hoàng Thái Thanh, mỗi đêm diễn, chúng tôi vẫn phải đếm khán giả. Đó là tình hình chung và cũng là quy luật tất yếu, có thịnh phải có suy. Quan trọng là mình cố gắng kéo cái suy đó... chậm lại nhất có thể.
Sân khấu suy thoái cũng có nhiều nguyên nhân. Không có kịch bản hay. Đề tài trong đời sống không thiếu nhưng không viết được. Xem như mình không đủ tài vậy! Cộng thêm tình hình chung là không có tác giả viết cho sân khấu. Làm kịch bản sân khấu mệt mà tác quyền chẳng được bao nhiêu.
Tôi mừng lắm khi nhận được nhiều kịch bản gửi tới nhưng để dựng thành vở diễn thì lại là một vấn đề khác. Đề tài đọc lên, nhiều khi không biết tác giả viết gì. Chúng ta có nhiều trại sáng tác nhưng hầu như kịch bản từ trại sáng tác ra, đề tài không phù hợp với khán giả sân khấu Hoàng Thái Thanh.
Nghệ sĩ Ái Như.
Cũng vì kịch bản nên tuổi thọ của một vở diễn... không dài, đúng không chị?
Ngày xưa, một vở diễn mấy năm, suất nào suất nấy đều rất đông. Còn bây giờ, một vở vẫn diễn mấy năm nhưng khán giả đông chừng 5 suất đầu, sau đó vé bị tuột. Mà một vở mới, chúng tôi không thể chỉ diễn 5 suất rồi ngưng. Ngưng thì kịch bản ở đâu mà làm vở mới và với diễn viên, 5 suất đó mới chỉ vừa... "nóng máy".
Khán giả chỉ đông 5 suất đầu nhưng Hoàng Thái Thanh vẫn diễn và chấp nhận bù lỗ?
Hoàng Thái Thanh hàng tháng lỗ rất nhiều. Dưới 50 vé, chúng tôi buộc phải trả vì lỗ quá nhiều. Phải từ 145 vé trở lên, chúng tôi mới không lỗ. Đó là chưa tính khấu hao. Khoảng cách từ 50 tới 145 vé là một con số rất lớn. Thành ra, 10 năm nay, số vốn chúng tôi đầu tư vào Hoàng Thái Thanh là... chưa bao giờ gặp lại. Và mỗi năm, chúng tôi đều mỗi đầu tư thêm.
Riêng tiền thuê mặt bằng làm sân khấu, kho bãi, 22 nhân viên cố định của Hoàng Thái Thanh, từ kỹ thuật, hậu đài, âm thanh, ánh sáng, thủ quỹ, kế toán, đạo cụ đến phòng vé... mình không thể làm tới đâu, thuê tới đó được, phải có nhân viên cố định.
Rồi trang thiết bị cho một vở diễn, từ thiết kế, cảnh trí, âm thanh tới ánh sáng... mỗi thứ một chút thì chi phí đội lên cao.
Chưa kể, còn lương diễn viên. Lương sân khấu là mức thu nhập khiêm tốn so với nhiều công việc khác của nghệ sĩ, nhưng họ vì yêu thích nên mới đi cùng mình. Người nghệ sĩ đã cố gắng nhiều lắm rồi, nếu mình trả nửa lương thì tội họ. Cho nên, ở Hoàng Thái Thanh, dù 50 vé hay 400 vé, cứ sáng đèn là trả đủ lương.
Chị tội diễn viên thì ai tội chị?
Tôi không cần nghĩ điều đó. Điều tôi mong muốn là nghệ sĩ diễn hết mình hàng đêm. Điều đó sẽ khó nếu mọi thứ đều giảm đi một nửa. Có khán giả xem thì người diễn viên vẫn phải diễn. Vậy tại sao họ lại bị giảm nửa lương? Tự tôi cảm thấy như vậy không được nên không dám làm điều đó.
Nghệ sĩ Minh Nhí, nghệ sĩ Quốc Thảo đi gameshow và tham gia nhiều dự án khác để có tiền làm sân khấu. NSƯT Mỹ Uyên mới đây cũng phải nhận làm quảng cáo, hình ảnh đại diện cho các nhãn hàng, thậm chí cầm giấy tờ nhà để có tiền làm sân khấu. Còn chị dành tất cả thời gian cho Hoàng Thái Thanh, vậy tiền đâu mà chị cứ bù lỗ hết năm này qua tháng nọ như vậy?
Tôi nhận được rất nhiều lời mời đi đóng phim nhưng chỉ biết cám ơn và từ chối. Nếu tôi xách giỏ đi phim thì ít nhất cũng mất 1 tuần, 2 tuần, thậm chí cả tháng trời trên phim trường. Như vậy, tôi sẽ không thể lo được cho sân khấu. Và, nếu tôi không làm đàng hoàng cho sân khấu thì sẽ không thể nói được người khác. Cho nên, cái gì mình cũng phải chọn lựa.
Mỗi khán giả khi đến xem ở một sân khấu nào cũng sẽ có nhận định riêng cho từng sân khấu đó: cảm tình hay mất cảm tình. Tôi không muốn, khi khán giả đã chọn Hoàng Thái Thanh để xem kịch mà họ cảm thấy không hài lòng.
Còn chuyện bù lỗ, cả tôi và anh Thành Hội đều thống nhất với nhau rằng, chúng tôi bỏ vốn vào và quên nó đi. Nếu đêm nào cũng ngồi tính xem lỗ bao nhiêu thì sẽ kinh hãi, không thể chịu nổi.
Những ngày Lễ, Tết, những suất full ghế, có lãi và số lãi đó, chúng tôi cũng không lấy ra dù chỉ một đồng mà bỏ hết vào vốn để làm tiếp. Nhờ vậy mà mình không phải suy nghĩ.
Cuối năm, tổng lại xem lỗ bao nhiêu rồi đóng góp tiếp. Khi hết tiền, lại bỏ thêm vào. Tiền đó là tiền tác giả, tiền đạo diễn của tôi và anh Thành Hội. Dĩ nhiên, tôi vẫn có lương diễn viên chứ không phải làm không công hoàn toàn.
Nếu ai có suy nghĩ, về sân khấu diễn là ban ơn thì không nên về
NSƯT Mỹ Uyên chia sẻ rằng, nhiều diễn viên bây giờ có tư tưởng, về sân khấu diễn là ban ơn cho bầu show vì cát xê quá rẻ. Quan điểm của chị về vấn đề này thế sao, chị có từng gặp tình huống tương tự?
Khi một diễn viên nào muốn về diễn sân khấu, tôi sẵn sàng đón nhận, nếu họ phù hợp. Tôi sẽ nói cho họ về ưu, khuyết điểm của họ theo kinh nghiệm và cảm nhận của mình về sân khấu. Ai cũng thế, để diễn được trên sân khấu, họ phải rèn luyện rất nhiều.
Tôi cũng nói rõ với họ về mức thù lao khiếm tốn của sân khấu. Và nếu họ chấp nhận được thì về diễn, không ai mang ơn ai. Diễn viên thành công, Hoàng Thái Thanh cũng thành công. Chúng tôi đem lại cho họ những trải nghiệm mới trên một lĩnh vực mới hoặc những trải nghiệm mà bản thân họ cần cho chuyên môn của họ. Đó là mối quan hệ bình đẳng.
Hồi xưa, diễn viên chúng tôi có được một vai diễn hay là cảm thấy may mắn, hạnh phúc vô cùng. Nhưng bây giờ, nếu ai có suy nghĩ về sân khấu diễn là ban ơn thì tôi nói thẳng là, không nên về.
Bản thân tôi thưởng chỉ gặp khó khăn về chuyện sắp lịch tập vì hầu hết diễn viên đều có kế hoạch làm việc riêng, trong khi vở diễn phải tập luyện cả tháng.
Nếu diễn viên không sắp lịch được thì chúng ta hẹn nhau vào một dịp khác chứ không cố ép họ vào vở để người khác phải chờ. Chúng tôi cũng không thể tập vài buổi rồi lên diễn, quên thoại và "diễn cương" được. Ở Hoàng Thái Thanh, không cho phép "diễn cương".
Tôi cho rằng, sân khấu cần sự đồng cảm. Những người đi cùng sân khấu cũng vậy. Tôi cần một nghệ sĩ biết rung cảm để đi cùng mình chứ không cần một người ban ơn cho mình. Tôi sẽ rất quý những người có tên tuổi mà vẫn về sân khấu, đi cùng Hoàng Thái Thanh.
Theo chị, có cách nào để hồi sinh sân khấu không?
Nếu có thì tôi làm rồi. Tôi chỉ có thể cố gắng ở phần của mình, làm sao cho cái suy đó chậm lại bằng cách giữ giá trị tác phẩm. Chỉ khi tác phẩm có giá trị, khán giả mới nhớ lâu hơn, rung cảm nhiều hơn và sẽ thuyết phục được họ quay lại sân khấu bằng chính tác phẩm.
Nhưng để giữ giá trị tác phẩm, chúng tôi không làm đại làm bừa được. Tập một tháng khác với tập vài ngày. Mỗi ngày người diễn viên phải "điêu khắc" những thân phận con người qua phân tích và tập luyện. Khán giả Hoàng Thái Thanh không dễ dãi, không thể đánh lừa cảm xúc của họ.
Vậy ở một khía cạnh nào đó, chị có cho rằng, sự dễ dãi của đồng nghiệp ở sân khấu khác là một trong những nguyên nhân khiến sân khấu suy thoái, thưa vắng khán giả?
Nhận định đó không hẳn đã đúng. Sân khấu nào khán giả đó. Có khán giả chỉ xem sân khấu Thế Giới Trẻ, xem chỗ khác, họ thấy chán. Cũng có khán giả chỉ xem kịch ở Hoàng Thái Thanh. Và cũng có khán giả xem đều các sân khấu.
Mình không thể nói, tôi làm kỹ, anh làm không kỹ. Mỗi sân khấu có một phong cách riêng và cần tôn trọng điều đó. Hoàng Thái Thanh kỹ nhưng vẫn ít khán giả đó thôi. Cho nên không thể nói sân khấu nào hay hơn.
Mỗi sân khấu đều có thế mạnh của mình. Ví dụ, Hoàng Thái Thanh không thể làm kịch kinh dị hay như Phú Nhuận. Nhưng nếu Phú Nhuận làm thể loại tâm lý xã hội thì chưa chắc bằng Hoàng Thái Thanh. Mỗi người một cõi. Khán giả thích xem cái gì thì tới nơi đó.
Đối với tôi, đã là nghệ sĩ thì phải xứng đáng với danh xưng đó. Danh hiệu, tiền bạc là cần thiết nhưng nó chỉ có ý nghĩa khi phục vụ cho cái đẹp. Khán giả đến với mình, mới là hạnh phúc. Tôi rất mong sân khấu bền vững lâu dài, không chỉ cho Hoàng Thái Thanh mà cho nền sân khấu chung của nước nhà. Cùng hưng thịnh. Cùng lóng lánh.
Có những lúc, tôi cảm thấy kiệt sức!
Dường như tình yêu sân khấu của chị lớn tới độ, ngay cả những góc xù xì nhất thì vẫn thật đẹp, thật lung linh?
Có lẽ tôi còn mơ mộng được. Nhìn tiêu cực chỉ làm mình mệt thôi. Và đó cũng là xu hướng làm kịch của Hoàng Thái Thanh. Ngay cả lúc bi kịch nhất vẫn có cánh cửa giải thoát cho con người ta sống được, để hướng thiện.
Đó là trên sân khấu, vậy còn chị. Vô tình thôi, nhưng tôi biết, chị phải uống thuốc trị trầm cảm?
Có một dạo, tôi không kìm nén được cảm xúc và cũng không ngủ được. Những hiện tượng đó làm tôi cảm thấy mình bất thường, phải đi điều trị và phải dùng thuốc để điều chỉnh lại cảm xúc.
Có thể, những lo lắng ở tầng đáy tâm hồn làm mình như vậy mà mình không nhận ra. Giống như những hạt bụi mịn trong không khí, nếu không có ánh nắng mặt trời thì mình không thể thấy nên vẫn cảm thấy bình thường. Tôi cũng vậy. Sau khi uống thuốc chừng 7, 8 tháng, tôi đỡ hơn nhiều. Tôi thấy mình bình ổn hơn, không có cảm giác tiêu cực, bi quan nữa.
Lúc còn là một nghệ sĩ tự do, khi có cảm hứng thì tôi dựng vở, thoải mái tung tăng. Nhưng khi có Hoàng Thái Thanh, mình phải đối mặt và giải quyết với rất nhiều nỗi lo. Lo cho cuộc sống của hơn hai mươi nhân viên, lo kế hoạch một năm mấy vở, lo yêu cầu vở mới của khán giả...
Rồi mình phải đối mặt với bài toán, vừa đào tạo xong thì nhân viên nghỉ việc, phải đối mặt với chuyện lương vẫn phải trả mà vé không bán được. Mình bị những nỗi lo đó làm mệt mỏi và có những lúc, mình thấy kiệt sức!
Mọi người gặp tôi vẫn bảo, chị Ái Như trẻ quá nhưng 10 năm nay, sức lực của tôi đã bị tuột đi rất nhiều. Điều đó còn buồn hơn cả chuyện tiền bạc thua lỗ.
Có những lúc mệt mỏi quá, tôi tự hỏi, mình làm vì cái gì? Nếu mình làm vì yêu quý, vì đam mê thì đừng than nữa. Ngồi xuống nghỉ, hết mệt thì đi tiếp. Con đường đó, mình tự chọn, không ai bắt mình cả. Mình muốn có được một nơi để thỏa sức sáng tạo thì phải chấp nhận chuyện đó.
Và khi trả lời được câu hỏi đó, tôi được giải thoát. Dĩ nhiên, đó là sự giải thoát ngắn hạn vì mình vẫn liên tục đối mặt với những khó khăn khác. Quá trình đó cứ trầm tích trong mình. Nhưng nếu đã chọn, mệt thì nghỉ chứ đừng hối hận. Bởi tôi mang ơn sân khấu. Sân khấu đã cho tôi sống tốt hơn, đã cho tôi nuôi sống được bản thân mình và lo lắng được cho gia đình lúc khó khăn.
Cũng nhờ sân khấu, tôi được khán giả yêu thương. Cuộc sống này, có được tình cảm yêu thương là điều không dễ dàng. Cho nên 10 năm nay, tôi luôn lắng nghe, gạn lọc để sân khấu Hoàng Thái Thanh tốt hơn như một cách tôi cảm ơn cuộc đời, cảm ơn khán giả.
Cảm ơn chị đã chia sẻ!
Nghệ sĩ Ái Như có nhiều vai diễn để đời, như bà Hai vở "Nửa đời ngơ ngác", cô giáo Diệu Hoài vở "29 anh về", bé Uyên vở "Người điên trong ngôi nhà cổ", dì Tư vở "Bông hồng cài áo", bà giáo vở "Nửa đời hương phấn", bà Thêm vở "Rau răm ở lại", hay Út Trâm của "Chuyện bây giờ mới kể"...
Dù được khán giả yêu mến nhớ và gọi bằng tên nhân vật như thế nhưng khi hỏi Ái Như về vai diễn chị yêu thích nhất, chị vẫn bảo, vai diễn đó còn ở phía trước. Bởi Ái Như vẫn đang làm nghề, và có thể đêm nay chị hài lòng với vai diễn của mình nhưng đêm khác lại không. Cứ như thế, mấy chục năm nay, chị cứ miệt mài "điêu khắc" hết nhân vật này đến số phận khác, tận tụy "đốt cháy" cả đời mình cho nghệ thuật.