Hai bệnh nhân cùng ngụ tại TP HCM vừa vào cấp cứu tuần qua trong tình trạng rất nguy kịch do toan chuyển hóa nặng là bà Võ Thị Bích L. (59 tuổi) và Đỗ Thị S. (67 tuổi).
Bà L. bị mắc bệnh tiểu đường không khám bệnh tự đi mua thuốc "Tiểu đường hoàn" về uống được 1 năm, nhập viện trong tình trạng đau lưng, tăng huyết áp, mỏi cơ xương khớp. Xét nghiệm cho thấy toan chuyển hóa bệnh nhân rất nặng (PH 6,8), nguy cơ tử vong cao, bệnh nhân được hồi sức, điều trị nội khoa tích cực, sau điều trị 2 ngày, bệnh trạng khá hơn.
Riêng bà S. thì đã không qua khỏi. Bà S. có tiền sử tiểu đường 10 năm qua, nhập viện trong tình trạng lơ mơ, ngủ gà, đau bụng tiêu phân lỏng nhiều.
Tại bệnh viện, bệnh nhân choáng huyết áp tụt, không đo được lượng đường trong máu, toan chuyển hóa nặng. Bệnh nhân phải lọc máu, điều trị tích cực, đặt nội khí quản. Song bệnh trạng quá nặng, diễn tiến nặng, không hồi phục nên gia đình xin về.
Th.BS CKII Hoàng Ngọc Ánh, Phó khoa Hồi sức Tích cực Bệnh viện Thống Nhất, cho biết tình trạng người dân truyền miệng dùng thuốc đông y (dạng viên tễ), thuốc xuất xứ từ nước ngoài trị tiểu đường rất nguy hiểm.
Loại thuốc này chứa Phenphormin sử dụng từ những năm 50 của thế kỷ trước nhưng đến thập niên 80 cấm sử dụng trên toàn thế giới do gây ra biến chứng chết người.
Từ đầu năm đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận 5 trường hợp nhưng có 2 bệnh nhân thì bị biến chứng quá nặng. Tình trạng người dân "gặp họa" do sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc đã cấm nhưng vẫn lưu hành, càng ngày càng nhiều.
Theo các bác sĩ, qua truy xuất bệnh bệnh sử, các bác sĩ phát hiện hai chất thường thấy là Metphormin và Phenphormin có trong các sản phẩm viên tễ trị tiểu đường mà nhiều bệnh nhân đã sử dụng.
Người bệnh sử dụng lúc đầu thì thấy cảm giác khỏe, ăn uống, ngủ ngon nhưng không lường trước tác hại lâu dài như gây đau bụng, đau cơ, yếu cơ, khó thở, mệt, tụt huyết áp, nặng hơn là nguy cơ chết người, tử vong cao.
Việc thiếu sự kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước, kiểm soát lỏng lẻo, thuốc bị tán vào bán cho bệnh nhân, uống thuốc trôi nổi đang để lại hậu quả nghiêm trọng, cướp đi sinh mạng người bệnh. Cần phải có giải pháp tăng cường quản lý, xử lý nghiêm của cơ quan quản lý.
"Về phía người dân, cần tiếp cận thông tin chính thống, có cơ sở khoa học, khi có bệnh nên đi khám bác sĩ, có sự tư vấn của giới chuyên môn khi sử dụng thuốc để tránh tác dụng phụ của thuốc có thể gây chết người.
Ở nhóm bệnh nhân suy thận, suy gan, bệnh lý mạn tính khác, nguy cơ biến chứng, nguy hiểm tính mạng nếu dùng tùy tiện như các trường hợp trên", BS Ánh khuyến cáo.