Từ củ mọc dại bờ ao trở thành "rau nhà vua" sốt xình xịch trên phố, không ăn nhanh hết mùa

Tiểu Nhã |

Mỗi năm vào mùa cuối tháng 10, đầu tháng 11, trên các chợ online lại sốt xình xịch mặt hàng củ niễng từ Nam Định đưa lên. Nhiều người cố gắng mùa củ niễng ngắn ngủi tranh thủ ăn.

Đắt vẫn cố ăn

Chị Đỗ Thị Hà Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) kể để có đĩa niễng xào cho cả gia đình 6 người ăn nhà chị mua phải mất 120 nghìn đồng. So với các loại rau khác thì củ niễng được xem như thứ "rau nhà vua" trong mâm cơm gia đình. Năm nào cả nhà chị cũng mong chờ tới mùa củ niễng để được thưởng thức món ăn mát, ngọt và đậm chất "ao bùn" như thế.

Trên các chợ online, củ niễng được rao bán rất nhiều và với giá 30 – 40 nghìn/bó/10 củ. Khi bóc ra thái lát thì ăn tiết kiệm cũng phải mất hai bó mới đủ cho gia đình 3 - 4 người ăn.

Chị Nguyễn Hồng Vinh (32 tuổi, quê Nam Trực, Nam Định) chia sẻ, ngày xưa còn nhỏ ở quê củ niễng mẹ chị mang về chẳng ai ăn, thi thoảng ném ra để cho trâu, bò nhưng khoảng vài năm trở lại đây thì nó thành đặc sản.

Chính vì thế, chị Vinh cũng tranh thủ mùa củ niễng bán cho hàng xóm quanh chung cư và bạn bè đồng nghiệp ở cơ quan. Mỗi củ niễng bán từ 3 đến 4 nghìn đồng tùy to nhỏ. Mỗi ngày chị cũng nhận được cả trăm order mua củ niễng. Mỗi mùa, chị Vinh lại bận rộn với củ niễng.

Từ củ mọc dại bờ ao trở thành rau nhà vua sốt xình xịch trên phố, không ăn nhanh hết mùa - Ảnh 1.

Củ niễng được nhiều bà nội trợ săn mua

Khi đầu mùa củ niễng ngon, xốp nhưng chỉ sau 2 - 3 tuần là già và không còn ngon. Vì thế việc buôn củ niễng hay thưởng thức loại củ này cũng trở nên cấp tập nếu chậm sẽ mất dần vị ngon.

Nguồn gốc của củ niễng vốn có ở Đông Xibia, củ niễng còn được trồng ở Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản và những nước Châu Á. Cây niễng, có nơi gọi là lúa bắp, hình dáng giống cây lau, sậy và thường mọc hoang ở vùng đất trũng.

Với đặc tính ưa nước nên cứ nơi nào nhiều bùn mục như hồ, ao, đầm nước, bãi bồi ven sông thì cây niễng cho củ; còn nơi đất nhiễm chua mặn hoặc cát pha, cây sẽ tốt lá.

Thường cuối tháng chín, đầu tháng mười âm lịch lá niễng sẽ khô lại, phần thân dưới phình to lên thành củ. Người ta sẽ bóc lá niễng khô, rồi bẻ lấy củ niễng xanh đậm hoặc tím ngắt. Nhiều năm gần đây, củ niễng trở thành đặc sản Nam Định ngon và dễ chế biến với các món ăn quen thuộc như xào thịt bò, xào trứng.

Tác dụng của củ niễng

Lương y Vũ Quốc Trung cho biết, trong Đông y củ niễng có tính mát, vị ngọt, béo ngậy và không có độc. Củ niễng thường được dùng để giải nhiệt, thanh nhiệt. Đặc biệt củ niễng rất tốt trong việc giảm mỡ máu, hạ huyết áp, làm đẹp da. Trong các bệnh lý tiêu hoá, củ niễng cũng được xem là bài thuốc tốt.

Y học hiện đại cho rằng, thường xuyên ăn củ niễng có thể phòng bệnh tăng huyết áp, ngăn chặn xơ vữa động mạch, đặc biệt là có hiệu quả trị liệu nhất định đối với bệnh xơ cứng gan, urê máu cao.

Từ củ mọc dại bờ ao trở thành rau nhà vua sốt xình xịch trên phố, không ăn nhanh hết mùa - Ảnh 2.

Củ niễng có nhiều tác dụng chữa bệnh

Trong y học hiện đại, người ta đã nghiên cứu thành phần của củ niễng và nhiều báo cáo cho rằng trong thành phần củ niễng rất có ích cho sức khỏe như: protein, lipid, carbohydrate, cholesterol xơ thực phẩm; các khoáng chất đồng, magne, kẽm, selen, canxi, sắt, photpho, kali, natri, các vitamin A, B1, B2, B6, C, D, E, K, folacin, pantothenic axit, carotene, niacin.

Tuy nhiên, thời gian mùa niễng khá ngắn. Người ta thường dùng củ thái nhỏ ăn sống hoặc xào với rươi hoặc luộc ăn. Lương y Trung cho biết, có thể lấy củ niễng xào với trứng gà và các gia vị đi kèm rất tốt cho bệnh nhân tăng huyết áp.

Một số người bị bệnh đau dạ dạy do nhiệt có thể lấy củ niễng xay nhỏ ra uống nước, ngày 1-2 lần uống liên tục từ 7 tới 10 ngày sẽ giảm các triệu chứng đau dạ dày.

Ngoài ra, người ta còn dùng củ niễng ăn chữa được bệnh về tiêu hóa khác và thường dùng đối với các trường hợp nóng ruột, táo bón, kiết lỵ

Với bệnh nhân bị táo bón, có thể lấy củ niễng, thịt nạc, khoai lang nấu canh ăn. Cách khác lấy thịt thỏ, củ niễng, khoai tây, đu đủ chín tới hầm lên làm canh ăn lúc đói, ăn liên tục 3-4 ngày sẽ giảm triệu chứng táo bón.

Đối với chứng kiết lỵ, đi đại tiện có máu, cách tốt nhất là dùng nắm lá mơ lông, 3-4 củ niễng bóc sạch và giã nát. Sau lấy 2 quả trứng gà đập vào hỗn hợp và đánh cho sánh, đều rồi cho vào chảo đun nhỏ lửa tới chín ăn. Nếu có lá chuối lót lá chuối dưới đáy chảo là tốt nhất.

Những người bị chứng hàn thì không nên ăn củ niễng, không ăn củ niễng với mật ong.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại