TS Trương Hồng Sơn: “1/3 số bà mẹ có con bị thừa cân mà không biết”

A.D |

Tình trạng trẻ thừa cân béo phì ở Việt Nam nhất là các thành phố lớn thực sự đáng báo động. Nguyên nhân chính ở hành vi thiếu cẩn trọng trong việc lựa chọn dinh dưỡng của cha mẹ.

TS Trương Hồng Sơn: “1/3 số bà mẹ có con bị thừa cân mà không biết” - Ảnh 1.

Đó là lời nhận định của TS Trương Hồng Sơn – Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng, Tổng hội Y học Việt Nam về tình trạng trẻ thừa cân béo phì ở Việt Nam.

Trẻ thừa cân béo phì và suy dinh dưỡng ở thành phố lớn gần bằng nhau

Trẻ thừa cân béo phì đang thay thế con số trẻ suy dinh dưỡng ở Việt Nam và các chuyên gia đều cho rằng dù ở thái cực béo phì hay suy dinh dưỡng thì đều ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ ngay từ khi còn đi học đến lúc trưởng thành. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS Trương Hồng Sơn về bức tranh trẻ béo phì ở Việt Nam hiện nay.

Thưa ông, chúng ta bắt gặp những đứa trẻ béo phì ở các lớp học, trên đường phố cho thấy tỷ lệ này rất nhiều. Theo thống kê tỷ lệ trẻ béo phì vẫn đang tăng rất nhanh? Ông có thể cho độc giả của chúng tôi biết vụ thể hơn về tình trạng trẻ thừa cân béo phì hiện nay không?

Trẻ thừa cân béo phì đang trở thành mối lo không chỉ riêng của Việt Nam mà trên toàn cầu. Hậu quả trực tiếp của béo phì ở trẻ em liên quan đến các hội chứng hen suyễn, hội chứng ngưng đường thở khi ngủ, gây tâm lý trẻ béo phì bị kỳ thị, trẻ thừa cân béo phì lớn lên tiếp tục béo phì và đó là nguy cơ gây bệnh tim mạch, đái tháo đường.

Trước đây 10 năm. ở Việt Nam tình trạng béo phì ở Việt Nam còn hiếm gặp tuy nhiên cho đến thời điểm này ở Việt Nam đã có khoảng 250 nghìn trẻ em dưới 5 tuổi bị thừa cân béo phì.

Ở 8 thành phố lớn ở Việt Nam: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng… số lượng trẻ suy dinh dưỡng nhẹ cân ước tính khoảng 100 nghìn trẻ nhưng trẻ thừa cân béo phì cũng đã xấp xỉ con số đó. Như vậy trẻ thừa cân béo phì và trẻ suy dinh dưỡng ở các thành phố lớn đang gần như ngang nhau.

Mục tiêu của chương trình phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em là khống chế tỷ lệ trẻ béo phì dưới 5 %, và không có tỉnh nào vượt quá 10 % nhưng đến thời điểm này mục tiêu đó đã bị phá vỡ. 

TS Trương Hồng Sơn: “1/3 số bà mẹ có con bị thừa cân mà không biết” - Ảnh 2.

(Ảnh minh họa)

Ở TP.HCM, các kết quả của nhiều nghiên cứu đều chỉ ra số lượng trẻ em thừa cân béo phì đã vượt xa số lượng trẻ bị suy dinh dưỡng. Nghiêm trọng nhất là xu hướng tăng của tỷ lệ thừa cân ở Việt Nam là rất nhanh.

Có thể nói, trẻ thừa cân béo phì là xu hướng đáng lo ngại không chỉ riêng Việt Nam mà trên toàn cầu. Trong khi tỷ lệ suy dinh dưỡng đã được khống chế và giảm nhiều thì cho đến nay chưa có Châu lục hay quốc gia nào thành công trong việc ngăn chặn sự tăng lên của tỷ lệ thừa cân/ béo phì.

Những con số ngạc nhiên về lỗi của bố mẹ

Theo ông, vì sao tình trạng thừa cân béo phì ở nước ta lại tăng nhanh như thế trong khi những năm trước Việt Nam còn đi lo phòng chống suy dinh dưỡng?

Sự phát triển kinh tế, thu nhập gia đình tăng lên kéo theo những thay đổi căn bản về khẩu phần ăn và chế độ chăm sóc/ vận động ở trẻ em.

Trẻ em bị thừa cân béo phì bởi rất nhiều nguyên nhân:

Mất cân bằng năng lượng: Cân bằng năng lượng nghĩa là năng lượng nạp vào ngang bằng với nhu cầu năng lượng của trẻ. Năng lượng nạp vào là lượng calorie mà thu được từ thức ăn và đồ uống, nhu cầu năng lượng của cơ thể là năng lượng mà cơ thể cần sử dụng để thực hiện các quá trình sinh lý, sinh hóa, trao đổi chất, hoạt động thể lực và tăng trưởng phát triển.Thừa cân và béo phì xảy ra khi năng lượng mà trẻ ăn bổ sung nhiều hơn nhu cầu năng lượng mà cơ thể cần.

Khẩu phần ăn không hợp lý, quá nhiều các thực phẩm giàu năng lượng, không cân bằng thành phần protein – lipid – glucid.

Lối sống của trẻ ít vận động vui chơi, trẻ thích xem thích xem ti vi máy tính, đi cầu thang máy…

TS Trương Hồng Sơn: “1/3 số bà mẹ có con bị thừa cân mà không biết” - Ảnh 3.

(Ảnh minh họa)

Đây là những nguyên nhân phổ biến nhất của tình trạng thừa cân béo phì ở trẻ em hiện nay.Ngoài ra còn một số yếu tố khác, như di truyền.

Các nghiên cứu được thực hiện trên những cặp song sinh cho thấy yếu tố gen có ảnh hưởng lớn đến trọng lượng. Thừa cân và béo phì có khuynh hướng di truyền. Bạn sẽ có nguy cơ cao bị thừa cân nếu cha hoặc mẹ hoặc cả hai bị thừa cân, béo phì.

Gen cũng ảnh hưởng đến lượng chất béo cũng như những vị trí dự trữ chúng trong cơ thể. Bởi vì các thành viên trong gia đình có những thói quen vận động và chế độ ăn giống nhau nên cũng có mối liên quan giữa gen và môi trường.

Trẻ em cũng bắt chước những thói quen của cha mẹ chúng. Trẻ có cha mẹ bị thừa cân do có chế độ ăn quá nhiều năng lượng và lối sống ít vận động, cũng tăng nguy cơ bị thừa cân.

Một số trường hợp khác là béo phì do bệnh suy giáp trạng, thiểu năng sinh dục, béo phì do các bệnh về não.

Trẻ bị béo phì, theo ông có lỗi của cha mẹ?

Đúng là có phần của các cha mẹ. Nghiên cứu của tôi và các cộng sự ở Viện Y xã hội học tiến hành năm 2013 đã chỉ ra 1 nguyên nhân là tâm lý của các bà mẹ luôn thích trẻ mập mạp. Quan điểm đồng nghĩa với béo là đẹp và béo là sung túc vì họ ám ảnh về sự thiếu ăn, suy dinh dưỡng.

Nghiên cứu của chúng tôi có đến 1/3 số bà mẹ có con bị thừa cân mà không biết, thậm chí 15% số người có con thừa cân vẫn mong muốn con mình tiếp tục béo hơn nữa.

Đặc biệt, trong số các bà mẹ được nghiên cứu thì chất lượng sản phẩm là ưu tiên hàng đầu của các bà mẹ. Tuy nhiên, tỷ lệ người có kiến thức và quan tâm đọc thành phần dinh dưỡng trên mác còn rất thấp, dưới 3%. Có đến 90% người được hỏi cho biết quyết định mua sản phẩm dựa trên thông tin quảng cáo. Sự tiện lợi của thực phẩm chế biến sẵn khiến nhiều bà mẹ cho con ăn quá mức.

Các bà mẹ thấy con đã béo nhưng vẫn muốn dư thêm một chút để khi nào ốm thì tụt cân xuống là vừa, luôn muốn có số dư như là một giải pháp “để dành”. Điều này là không cần thiết và gây hại cho trẻ. 

Vì trên thực tế, sau khi trẻ ốm thì luôn có giai đoạn phục hồi tăng cân nhanh để bù đắp nếu như có chế độ phục hồi dinh dưỡng phù hợp. Vì thế việc “để dư” cân nặng không có giá trị gì mà chỉ đem lại các hậu quả trực tiếp và lâu dài cho trẻ.

Trẻ béo phì có nguy cơ cao rối loạn tâm lý 

Hậu quả của béo phì rất ghê gớm nhưng nhiều người chỉ thấy béo đơn giản là chậm chạp. TS cho biết béo phì có thể dẫn tới các bệnh gì?

Béo phì ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển của trẻ bao gồm cả vấn đề thể lực, sức khoẻ và tâm lý

Trẻ béo phì có nguy cơ cao rối loạn tâm lý: khi bé bắt đầu đi học, sẽ dễ bị tự ti do bạn bè trêu ghẹo, chế giễu, dẫn đến chán chường, không muốn đi học. Dần dần các em trở nên thụ động, thiếu linh hoạt và cô đơn vì không có bạn.Nếu tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến chứng trầm cảm.

Rối loạn hormone và dễ mắc các bệnh hội chứng chuyển hóa: cụ thể, trẻ béo phì sẽ dễ dậy thì sớm, bé gái dễ bị vô kinh, kinh nguyệt không đều. Ngoài ra, trẻ bị béo phì có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao.

Các giải pháp khuyến khích chế độ ăn hợp lý, lành mạnh và tăng cường hoạt động thể lực là then chốt để phòng chống thừa cân - béo phì. Do đó phòng chống thừa cân - béo phì ở trẻ em không chỉ riêng là trách nhiệm của ngành y tế mà cần có sự phối hợp và sự tham gia tích cực, chủ động của liên ngành và đặc biệt là sự hiểu biết và áp dụng đúng đắn của các bậc cha mẹ và gia đình.

Phòng chống béo phì, thừa cân cho trẻ em: "Lời cảnh báo của chuyên gia"

Đó là tên hội thảo do Hội Dinh dưỡng Việt Nam, Soha.vn - Báo điện tử Trí Thức Trẻ đồng tổ chức ngày 18/10/2017 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, số 11 Lê Hồng Phong, Ba Đình, Hà Nội.

Hội thảo quy tụ 250 nhân vật, gồm chuyên gia dinh dưỡng – y tế hàng đầu, đại biểu, doanh nhân, người nổi tiếng (MC Thảo Vân và NSND Lan Hương) đến Bộ Y tế, Hội Dinh dưỡng Việt Nam, Viện Dinh dưỡng Việt Nam, Bệnh viện Nhi TƯ, Hiệp hội KHKT an toàn thực phẩm Việt Nam, lãnh đạo các trường phổ thông, mầm non, các Hội cha mẹ học sinh và những người quan tâm đến dinh dưỡng.

Hội thảo còn có sự góp mặt những doanh nghiệp nêu cao trách nhiệm xã hội trong phòng chống thừa cân, béo phì như Nestle Việt Nam.

Để đăng ký tham gia Hội thảo, xin gửi e-mail về tuantranvan@vccorp.vn hoặc liên hệ số ĐT: 0931.66.99.89.

Hội thảo phòng chống béo phì thừa cân cho trẻ em - lời cảnh báo từ chuyên gia

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại