Cách xử trí thông thường cho bệnh cúm là ở nhà và nghỉ ngơi, uống nhiều nước, giảm đau và hạ sốt bằng các loại thuốc không cần kê toa như paracetamol.
Tuy nhiên, mùa cúm ở thời điểm này đặc biệt trở nên vô cùng đáng sợ đối với các bậc cha mẹ. Ít nhất 53 trẻ em trên toàn nước Mỹ đã chết vì bệnh cúm, và các bậc phụ huynh cần biết khi nào bệnh cúm ở trẻ trở nên tệ hơn - và thời điểm cần đưa trẻ tới bệnh viện gấp.
Đây không phải là một câu hỏi dễ trả lời, các chuyên gia cho biết.
Tiến sĩ William Schaffner, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Đại học Y Khoa Vanderbilt, nói: "Mỗi lần một khác, ngay cả với những trẻ khỏe mạnh, chủng cúm này và những chủng khác có thể làm cho một người mắc bệnh bị suy sụp rất nhanh".
Hầu hết phụ huynh đều biết rằng họ cần theo dõi chặt chẽ trẻ em dưới 5 tuổi, đưa trẻ đến bệnh viện thật nhanh nếu có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy bệnh của trẻ trở nên trầm trọng.
Điều quan trọng là bạn cần phải đặc biệt lưu ý đến trẻ sơ sinh và trẻ dưới 2 tuổi, đảm bảo rằng trẻ đang có đủ nước vì khi bệnh trẻ rất dễ bị mất nước.
Dấu hiệu cảnh báo khẩn cấp ở trẻ em bị cúm
Các triệu chứng sau đây ở trẻ em bị bệnh cúm cần phải được chăm sóc y tế ngay lập tức, theo C.D.C.
• Thở nhanh hoặc khó thở
• Da tái xanh
• Không uống đủ nước
• Ngủ li bì hoặc không phản ứng
• Trẻ khó chịu, quấy khóc, không muốn gần gũi bố mẹ
• Các triệu chứng cúm cải thiện nhưng sau đó trở lại với sốt và ho nặng hơn
• Sốt với phát ban
Các dấu hiệu cho thấy bệnh cúm tiến triển nặng ở trẻ em là sốt cao dai dẳng không giảm
Tiến sĩ Schaffner cho biết, mặc dù phần lớn trẻ em khỏe mạnh có thể tự khỏi bệnh cúm và hồi phục nhanh chóng, tuy nhiên vẫn còn một số ít sẽ tiến triển các biến chứng đe dọa tính mạng và cần được sự chăm sóc y tế ngay lập tức.
Trẻ bị các chứng bệnh bẩm sinh như hen suyễn, tiểu đường, bại não, tim mạch hoặc động kinh cũng có nguy cơ tiến triển các biến chứng của bệnh cúm, và có thể làm trầm trọng thêm các bệnh nền cơ bản của trẻ.
Bạn cần phải theo dõi những gì?
Các dấu hiệu cho thấy bệnh cúm tiến triển nặng ở trẻ em là sốt cao dai dẳng không giảm và sốt chỉ giảm sau khi đứa trẻ dường như đã trải qua giai đoạn trầm trọng của bệnh, các chuyên gia cho biết.
Khi trẻ bị sốt dai dẳng hoặc tái phát có thể trẻ đã mắc phải biến chứng như viêm phổi hoặc phản ứng viêm nguy hiểm, và lúc này các bậc cha mẹ cần phải đưa trẻ đến các trung tâm y tế một cách nhanh chóng.
Bậc cha mẹ cũng nên theo dõi biến chứng nhiễm trùng huyết, một biến chứng nguy hiểm đến tính mạng do sự tấn công ồ ạt của cơ thể chống lại tác nhân gây nhiễm trùng.
Tình trạng này đặc trưng bởi biểu hiện sốt hoặc ớn lạnh, đau đớn, khó chịu, da bị ẩm ướt do ra nhiều mồ hôi, lú lẫn hoặc mất phương hướng, thở nhanh, và tăng nhịp tim.
Tiến sĩ Flor M. Munoz, phó giáo sư về nhi khoa và các bệnh truyền nhiễm thuộc Đại học Y khoa Baylor, Houston nói: "Biến chứng này xảy ra rất nhanh, trẻ sẽ bị suy sụp nhanh chóng về thể trạng trong vòng 48 giờ."
Các triệu chứng mà bạn cần đưa trẻ đến các trung tâm y tế ngay lập tức bao gồm hô hấp của trẻ trở nên nặng nhọc, thở nhanh, thở nông hoặc đau ngực; môi của trẻ trở nên xanh hoặc tím; phản ứng của trẻ lờ đờ hơn mọi ngày; da của trẻ bị lạnh và ẩm ướt; hoặc trẻ từ chối ăn hoặc uống, bị tiêu chảy và nôn mửa, do làm tăng nguy cơ bị mất nước ở trẻ.
Nói chung, nếu một đứa trẻ đặc biệt cáu gắt, quấy khóc, ngủ quá nhiều, lú lẫn, lơ mơ, chóng mặt hoặc có dấu hiệu tri giác, và không hoạt động như mọi ngày, các bậc cha mẹ nên tìm đến sự trợ giúp từ các trung tâm y tế.
Nôn mửa nhiều và co giật cũng là những dấu hiệu nguy hiểm.
Những lưu ý cho trẻ sơ sinh và trẻ đang tập đi
Đối với trẻ em dưới 2 tuổi, cha mẹ phải cảnh giác về việc trẻ có đủ nước hay không, và xem nước tiểu có màu sẫm hay không, nếu có dấu hiệu mất nước thì đó là lúc trẻ cần được chăm sóc y tế ngay lập tức.
Các triệu chứng khác để quan sát ở trẻ sơ sinh là khó thở, không ăn được, tã lót ướt ít hơn bình thường và khóc mà không chảy nước mắt.
Ibuprofen hoặc acetaminophen có thể được sử dụng ở trẻ lớn hơn, riêng acetaminophen là thuốc thường dùng để hạ sốt ở trẻ sơ sinh. Chỉ nên sử dụng với liều lượng thích hợp, theo hướng dẫn trên bao bì (aspirin không nên dùng cho trẻ em).
Mặc dù nghe có vẻ không khoa học, hầu hết các chuyên gia đều nói rằng cha mẹ nên tin vào bản năng của họ.
Họ biết con của họ tốt hơn người khác, và nếu họ nghĩ có điều gì đó không ổn, tốt nhất nên gọi bác sĩ và hỏi ý kiến, hoặc đưa trẻ đến trung tâm chăm sóc khẩn cấp hoặc phòng cấp cứu.
Tiến sĩ Schaffner cho biết: "Khi mẹ thực sự lo lắng, thì đó là lúc không thể xem thường - bác sĩ nhi khoa nên nhìn vào đứa trẻ đó một cách chặt chẽ dựa trên cảm tính của bà mẹ".
Thế nào gọi là bình thường?
Tiến sĩ Shikha Garg, cán bộ y tế thuộc bộ phận Phòng Cúm Gia Cầmcủa C.D.C cho biết, đối với hầu hết trẻ em, một đợt cúm điển hình bắt đầu với nhiệt độ tăng đột ngột, đau họng, ho và đau cơ. Trẻ nhỏ cũng có thể bị buồn nôn và nôn.
Nhưng ở hầu hết trẻ em khỏe mạnh, căn bệnh này sẽ tự khỏi tương đối nhanh chóng. Sốt sẽ giảm sau ba đến bốn ngày, và ho sẽ giảm trong vòng một đến hai tuần, Tiến sĩ Garg nói.
Trong khi trẻ em nhập viện do cúm thường được điều trị bằng thuốc kháng vi-rút như Tamiflu, thì quyết định kê toa cho bệnh nhân ngoại trú là một điều phức tạp đòi hỏi phải cân nhắc cẩn thận những rủi ro và lợi ích vì việc điều trị có thể gây ra các phản ứng phụ, bao gồm buồn nôn, nôn và, hiếm khi là các phản ứng thần kinh, Tiến sĩ Schaffner cho biết.
Các bậc phụ huynh cũng cần phải chăm sóc bản thân mình, đặc biệt là phụ nữ mang thai, những người đặc biệt nhạy cảm với các biến chứng do cúm. Rửa tay thường xuyên và nếu bạn đang bồng một đứa trẻ bị bệnh, giữ cằm của trẻ trên vai để bé không ho vào bạn.
*Theo NYtimes
Xem thêm:
Phân biệt triệu chứng cảm lạnh và cúm