Trầm cảm - căn bệnh nguy hiểm không định lượng được: Những nhóm người có nguy cơ cao mắc

PV |

Dưới đây là một số nội dung của tọa đàm "Rối loạn trầm cảm - Làm thế nào để phát hiện và vượt qua?" với sự tham gia của ThS.BSNT Nguyễn Viết Chung, Khoa Sức khoẻ Tâm thần, BV E.

Trầm cảm là một trong những rối loạn tâm thần gây nên cảm giác buồn và mất động lực trong một thời gian dài. Bệnh ảnh hưởng đến suy nghĩ, hành vi của người bệnh và có thể dẫn đến nhiều vấn đề khác về thể chất và tinh thần.

Theo số liệu từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong 20 người sẽ có một người từng bị trầm cảm.

Rối loạn trầm cảm không phân biệt giới tính, độ tuổi, ai cũng có thể mắc. Tuy nhiên, các nghiên cứu thống kê cho thấy, tỷ lệ trầm cảm ở phụ nữ nhiều gấp đôi nam giới.

Rối loạn trầm cảm không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe thể chất và tinh thần của người bệnh mà còn ảnh hưởng tới các mối quan hệ gia đình và xã hội. Đây là căn bệnh cần được quan tâm trong bối cảnh xã hội hiện nay. Tuy nhiên, cách nhận biết và đối phó với trầm cảm lại chưa có nhiều người biết đến.

Để hiểu hơn về vấn đề này, chương trình Chuyện khó có bác sĩ đã tổ chức một buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Rối loạn trầm cảm - Làm thế nào để phát hiện và vượt qua".

Chương trình có sự tham gia tư vấn của ThS.BSNT Nguyễn Viết Chung, Khoa Sức khoẻ Tâm thần, Bệnh viện E và là giảng viên bộ môn Tâm thần - Tâm lý học lâm sàng, Trường Đại học Y Dược, Đại học Quốc Gia Hà Nội.

Trầm cảm - căn bệnh nguy hiểm không định lượng được: Những nhóm người có nguy cơ cao mắc - Ảnh 1.

Dưới đây là một số nội dung của chương trình:

Hỏi: Những năm gần đây, rối loạn trầm cảm là một khái niệm hay được nhắc tới, nhưng không nhiều người thực sự hiểu trầm cảm là gì?

Đáp: Trầm cảm là một trong những bệnh lý không chỉ không được cộng đồng hiểu rõ mà ngay cả những nhân viên y tế cũng có thể chưa hiểu cặn kẽ về vấn đề này. Trầm cảm là một căn bệnh của thời đại, có ảnh hưởng tới nhiều người và gây ra nhiều hậu quả cho cuộc sống và xã hội.

Hỏi: Là bác sĩ làm việc trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần, xin bác sĩ cho biết về thực trạng căn bệnh trầm cảm ở Việt Nam.

Đáp: Cho tới nay, vẫn chưa có nghiên cứu thống kê tổng số người bị trầm cảm tại Việt Nam mà chỉ có thống kê trên một nhóm đối tượng nào đó. Một nghiên cứu tại TP HCM trên nhóm sinh viên y dược cho thấy con số này là hơn 15%. Theo con số được công bố bởi Bệnh viện Tâm thần Trung ương, con số này là khoảng 5%. Tuy nhiên, trên những đối tượng cao hơn nữa, ví dụ như phụ nữ mang thai hay những đối tượng mắc các bệnh lý nghiêm trọng như ung thư, tai biến mạch máu não, sẽ có khoảng 40 - 60% bệnh nhân có các dấu hiệu trầm cảm ở các mức độ khác nhau.

Hậu quả nguy hiểm nhất của trầm cảm là tự sát. Đây là hậu quả đáng tiếc nhất đối với chính bản thân người mắc bệnh, cũng như tổn thương cho cả người thân và gia đình của họ.

Hỏi: Bệnh trầm cảm có nguy hiểm không? Nguy hiểm nhất ở đặc điểm nào?

Đáp: Theo ý kiến cá nhân của tôi, trầm cảm là vấn đề không chỉ ảnh hưởng tới toàn xã hội mà còn ảnh hưởng tới gia đình, tập thể liên quan tới người bệnh. Không những thế, trầm cảm còn có thể gây ra những phản ứng cảm xúc, phản ứng dây chuyền về tâm lý khác nhau, từ đó gây ra nhiều hậu quả lớn chứ không chỉ vấn đề tự sát cho bản thân người bệnh.

Cái nguy hiểm nhất khi nói về trầm cảm đó là trầm cảm là một biểu hiện mà không ai có thể định lượng được. Khi chúng ta bị gãy chân, tăng huyết áp, chúng ta hoàn toàn có thể nhìn thấy điều đó. Nhưng trầm cảm là vấn đề khó có thể định lượng, ngoại trừ những người có chuyên môn. Đặc biệt, trầm cảm còn bị hiểu nhầm với những biểu hiện thông thường khác như lười biếng, giả vờ… Chính những điều này khiến cho tình trạng trầm cảm ngày càng nặng nề.

Hỏi: Rất nhiều người nghĩ trầm cảm chỉ là một trạng thái tâm lý có thể điều chỉnh. Xin bác sĩ cho biết, trầm cảm là vấn đề tâm lý hay bệnh lý? Có cần thiết phải đi khám và điều trị không?

Đáp: Trầm cảm là một rối loạn về sức khỏe tâm thần cần được can thiệp, điều trị, tư vấn để chữa khỏi. Sau khi được bác sĩ chẩn đoán tình trạng bệnh, dù ở mức độ nào, bệnh nhân vẫn cần phải được điều trị. Việc điều trị là cần thiết.

Trầm cảm có những giai đoạn khác nhau. Một đợt trầm cảm có thể kéo dài 6, 9, 12 tháng nhưng cũng có những đợt trầm cảm kéo dài hơn từ 1 - 2 năm. Tuy nhiên, bản thân cơ thể con người có cơ chế tự phục hồi và chính bản thân những người khi nhận thấy mình có các vấn đề về tâm lý họ sẽ tìm cách để phục hồi trở lại. Chính vì vậy, nhiều người nghĩ rằng mình có thể tự hồi phục được khi thấy có các dấu hiệu của trầm cảm. Tuy nhiên, nếu được sự hỗ trợ của các chuyên gia, tình trạng bệnh của họ sẽ được cải thiện nhanh hơn. Lúc đó, bệnh nhân sẽ tiết kiệm được thời gian, chi phí; cuộc sống gia đình, công việc sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều và tránh được những hậu quả nặng nề của trầm cảm.

Thêm vào đó, trầm cảm là vấn đề rất dễ tái phát. Do đó, nếu được điều trị bệnh bởi các chuyên gia, bệnh nhân sẽ biết được nguyên nhân vì sao mình mắc bệnh để từ đó sẽ được các chuyên gia lên các phương án dự phòng tái phát bệnh.

Theo thống kê, một người mắc trầm cảm lần đầu tiên, sau khi khỏi bệnh, nguy cơ mắc lại là 20%; ở lần thứ 2, nguy cơ tái phát là 30%; ở lần thứ 3, nguy cơ tái phát là 80%. Do đó, điều quan trọng ở đây không chỉ là chữa khỏi mà còn là cần lời tư vấn của chuyên gia để dự phòng và không tái phát.

Theo ý kiến của cá nhân tôi, nếu vấn đề trầm cảm chỉ xét trên phương diện cá nhân của một người thì sẽ không có cái nhìn toàn cảnh, dễ gây ra lỗi và những hậu quả đáng tiếc.

Hỏi: Ai cũng có thể có nguy cơ mắc trầm cảm, nhưng có đối tượng nào có nguy cơ mắc trầm cảm cao hơn không?

Đáp: Việc nhận biết nhóm đối tượng có nguy cơ mắc trầm cảm là điều vô cùng cần thiết để từ đó có những phương án dự phòng bệnh.

Phụ thuộc vào nguyên nhân, có 4 nhóm người có nguy cơ cao mắc trầm cảm:

- Những người có yếu tố di truyền.

- Những vấn đề tâm lý được xét trên tính cách và mức độ stress mà họ đang gặp phải. Ví dụ những người quá cẩn thận, chu toàn, hay suy tư hoặc suy nghĩ tiêu cực về mọi thứ sẽ có nguy cơ mắc trầm cảm cao hơn. Thứ 2 là những stress trong cuộc sống trong tất cả giai đoạn của cuộc đời, ví dụ như từ khi còn nhỏ, vị thanh niên, bắt đầu đi làm, mang thai, về hưu…

- Sử dụng chất hướng thần. Đây là nhóm cần phải đặc biệt lưu ý. Có nhiều người đang bị trầm cảm, họ có thể phải sử dụng các chất hướng thần để điều trị bệnh. Nhưng có những người sử dụng rượu, cần sa, ma tuý đá như một cách “chứng tỏ bản thân” mình. Những chất kích thích này có thể ảnh hưởng tới gene và chức năng của não, khiến người sử dụng dễ có nguy cơ bị trầm cảm hơn.

- Những người có tổn thương não như người mắc u não, chấn thương sọ não, tai biến mạch máu não, bệnh về mạch máu não…

Trong quá trình thực hiện lâm sàng, tôi luôn chú ý tới các nhóm mắc các bệnh lý mạn tính như bệnh nhân ung thư, HIV hoặc các bệnh lý không thể chữa khỏi… Những bệnh nhân này nên được khám sàng lọc trầm cảm và đánh giá mức độ trầm cảm.

Một nhóm khác là trẻ vị thành niên. Ở độ tuổi này, trẻ có thể gặp nhiều áp lực khác nhau, nhưng do sự trưởng thành về suy nghĩ, tính cách chưa phát triển ở mức hoàn thiện để có thể đối diện, xử lý những áp lực này. Đối tượng này là đối tượng khá nhạy cảm với trầm cảm.

Một nhóm đối tượng khác cần đặc biệt lưu ý đó là nhóm phụ nữ mang thai và sau sinh. Giai đoạn này, cơ thể người phụ nữ có sự thay đổi hormone hoặc do những khó khăn, bối rối, áp lực của lần đầu tiên làm mẹ. Một phần nhỏ nam giới lần đầu tiên làm bố cũng có thể mắc trầm cảm.

Nhóm hưu trí có những thay đổi về tâm lý, thêm vào đó sức khoẻ trong giai đoạn này kém hơn, cộng với đó là những bệnh lý đi kèm như tiểu đường, huyết áp… có thể khiến họ dễ bị trầm cảm hơn.

Hỏi: Có phải càng ngày càng có nhiều nguyên nhân khác khiến con người mắc bệnh trầm cảm hay không? Những nguyên nhân nào phổ biến?

Đáp: 4 nguyên nhân kể trên là nguyên nhân nền tảng dẫn tới trầm cảm. Ngày nay, càng ngày càng có các chất kích thần khác hoặc những stress khác nhau. Mỗi bệnh nhân lại có một nguyên nhân khác nhau mắc trầm cảm. Trong thời gian vừa rồi, COVID cũng là một trong những yếu tố gây ra bệnh lý trầm cảm.

Để hiểu rõ hơn nguyên nhân nào dẫn tới trầm cảm, bệnh nhân nên tới gặp các chuyên gia để được xác định nguyên nhân để từ đó có cách chữa trị và phòng ngừa phù hợp.

Hỏi: Gầy đây, người ta nói nhiều đến tình trạng trầm cảm ở trẻ em. Trẻ em có dễ mắc trầm cảm không? Làm thế nào để cha mẹ có thể phát hiện ra trẻ em đang có vấn đề về sức khỏe tâm thần?

Đáp: Đây là một thách thức rất lớn. Bất cứ ai cũng đều trải qua giai đoạn tuổi này. Người ta thường nói đây là tuổi “nổi loạn” và chính từ này đã khiến nhiều người có sự không tin tưởng đối với lứa tuổi này và hình thành định kiến xã hội đôi khi “không đẹp lắm” đối với nhóm tuổi này. Do đó, khi độ tuổi này có những hờn dỗi hoặc thay đổi về cảm xúc thì họ sẽ nghĩ rằng những thay đổi này “rồi sẽ qua thôi”, “chỉ là một giai đoạn ngắn, không có gì cả”. Tuy nhiên, vấn đề này có thể để lại nhiều nguy hại. Cá nhân tôi khi thực hiện lâm sàng tôi thấy rằng trầm cảm ở nhóm tuổi vị thành niên thường ở dạng trầm cảm ẩn nhiều hơn.

Những người trưởng thành khi mắc trầm cảm họ vẫn có thể “đọc” được cảm xúc của mình như tôi có buồn, chán, mất quan tâm/hứng thú với cuộc sống hay không. Họ nhận thức được các vấn đề này một cách rất rõ ràng.

Tuy nhiên, ở nhóm tuổi vị thành niên, nhận thức về chính bản thân, cách nhìn nhận thế giới chưa được đầy đủ và rõ ràng. Đôi khi các con có cảm xúc buồn nhưng không biết bày tỏ thế nào; có cảm xúc buồn nhưng không biết mình có nên buồn hay không, mọi người có chấp nhận cảm xúc này của mình hay không? Chính vì vậy, trầm cảm ở trẻ nhỏ và vị thành niên thường là trầm cảm ẩn nhiều hơn và thường được biểu hiện thành các triệu chứng như mệt mỏi kéo dài, khả năng học tập kém đi, mất tập trung nhiều hơn, khó ghi nhớ, đau đầu, khó thở, đau bụng, đau xương khớp hay đau dạ dày… Các triệu chứng thực thể sẽ xuất hiện nhiều hơn là việc các con có thể nói ra được cảm xúc của mình.

Nhiều cháu sẽ lựa chọn cách giải quyết tâm lý này của mình bằng các chất kích thích, tự làm hại bản thân hoặc tự kết liễu cuộc sống của mình.

Hỏi: Dấu hiệu cảnh báo đỏ của trầm cảm ở trẻ vị thành niên?

Đáp: Trầm cảm ở trẻ vị thành có nhiều dấu hiệu về thể chất, cảm xúc hay suy nghĩ. Tuy nhiên, những dầu hiệu mà cha mẹ có thể để ý được và đưa con đi khám đó là:

- Khả năng học tập giảm sút, kém đi mà không rõ nguyên nhân.

- Thay đổi tính cách như buồn hơn, sống nội tâm hơn hoặc khóc mà không có lý do.

- Chậm chạp hơn.

- Giảm quan tâm, hứng thú với những thứ các con đã từng thích.

- Tự làm hại bản thân.

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả là cha mẹ đã quan tâm ĐỦ tới con hay chưa. Cha mẹ nên quan tâm tới con để làm người đồng hành, giúp đỡ các con.

Hỏi: Trầm cảm có phòng ngừa được không?

Đáp: Dựa trên các nhóm nguyên nhân, chúng ta xác định cách phòng ngừa trầm cảm.

Điều đầu tiên chúng ta cần biết là mình có thuộc các nhóm nguy cơ kể trên hay không để biết cách dự phòng.

Những người hay suy nghĩ tiêu cực, quá cầu toàn nên thay đổi, suy nghĩ tích cực hơn về cuộc sống. Thay vì suy nghĩ 1 điều tiêu cực, hãy suy nghĩ về 3 - 4 những điều tích cực, những điều tốt mà người khác đã làm cho mình.

Mọi người nên biết cân bằng cuộc sống, hạn chế stress, dành thêm nhiều thời gian thư giãn cho bản thân, hoạt động thể chất.

Đối với những người có các tổn thương não, hãy tránh tối đa các tổn thương lặp lại. Với những người mắc các bệnh như đái tháo đường, huyết áp nên kiểm soát tốt tình trạng của mình.

Đối với những người sử dụng chất hướng thần, nên dừng sử dụng và đi khám bác sĩ chuyên khoa để được hướng dẫn từ bỏ 1 cách “êm dịu” và không để lại hậu quả sức khỏe.

Theo tôi, ai cũng có những vấn đề tâm lý riêng của mình và yếu tố nguy cơ riêng, do đó, bên cạnh việc khám sức khỏe thể chất, mọi người nên đi khám sức khỏe tâm thần định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm 1 lần để có những dự phòng và phát hiện sớm nếu có nguy cơ mắc trầm cảm.

Hỏi: Khi biết hoặc nghi ngờ mắc trầm cảm, người bệnh cần làm gì?

Đáp: Khi một người có nghi ngờ mình bị trầm cảm thì bản thân người đó nên xem xét xem nguyên nhân trầm cảm đến từ đâu và tốt nhất nên đi tìm 1 bác sĩ tư vấn cho mình. Bác sĩ đầu tiên khám cho bạn có thể không phải là bác sĩ chuyên ngành tâm thần hoặc trị liệu tâm lý nhưng họ có thể có kiến thức và hiểu biết về trầm cảm. Bác sĩ là người mà bệnh nhân có thể chia sẻ một cách cởi mở nhất và từ đó có những tư vấn phù hợp.

Hiện tại có nhiều công cụ sàng lọc trầm cảm online. Bạn có thể tham khảo để biết được mình có nguy cơ bị trầm cảm hay không để sau đó đi khám trực tiếp với các bác sĩ chuyên khoa.

Tuy nhiên, theo tôi, cách tốt nhất là đi khám với bác sĩ tâm thần nếu bản thân thấy mình có dấu hiệu của trầm cảm.

Hỏi: Dấu hiệu trầm cảm ở người lớn là gì?

Đáp: Dấu hiệu trầm cảm ở người lớn sẽ dễ phát hiện hơn vì người lớn hoàn toàn có thể nói ra được những cảm xúc của mình như buồn, chán nản như thế nào.

Dấu hiệu khác nữa của trầm cảm ở người lớn là mệt mỏi, mất quan tâm, thích thú với những hoạt động trong cuộc sống.

Sau đó, họ có thể gặp những triệu chứng như mất hoặc giảm chú ý, hay quên (thậm chí là những sự việc xảy ra trong ngày), bi quan, chán nản, tự ti.

Hỏi: Một số dấu hiệu bác sĩ vừa nói, tôi thấy cũng rất hay gặp. Nhưng khi các vấn đề tâm lý, sức khoẻ đến giới hạn nào thì cần đi khám?

Đáp: Thứ nhất, bản thân người bệnh phải biết được những cảm xúc họ đang gặp là thực, không phải là bị ám ảnh bởi người khác.

Thứ hai, các dấu hiệu họ mắc phải diễn ra hàng ngày và kéo dài trong khoảng 2 tuần.

Thứ ba, các vấn đề này ảnh hưởng tới gia đình, sinh hoạt và cuộc sống của người bệnh.

Hỏi: Người mắc trầm cảm thường có xu hướng nghĩ rằng mình có thể tự điều chỉnh, tự vượt qua được hoặc chìm vào trong tình trạng mất động lực mà không có nhu cầu đi khám và điều trị, có phải vậy không bác sĩ?

Đáp: Một người bị trầm cảm hoàn toàn có thể tự vượt qua được nếu đang ở mức độ nhẹ. Bệnh nhân có thể tự cân bằng cuộc sống để vượt qua. Nhưng những dạng trầm cảm nặng, dai dẳng thì nếu tự điều trị sẽ có thể khiến bệnh chuyển nặng hơn, kéo dài dai dẳng hơn với những cách điều trị chưa được đúng đắn và không biết cách để phòng tránh tái phát.

Do đó, nếu có các triệu chứng của trầm cảm, hãy tới gặp các bác sĩ chuyên khoa để được hướng dẫn điều trị, tránh lãng phí về thời gian, tiền bạc và những hậu quả nguy hiểm có thể có của trầm cảm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại