Trong bối cảnh nguồn cung vaccine đang khan hiếm, việc giảm liều lượng vaccine có thể là một phương án tiềm năng. Mặc dù không đạt được miễn dịch đầy đủ nhưng miễn dịch một phần vẫn tốt hơn là không có gì.
Ví dụ, theo WHO, một trận dịch sốt vàng da ở miền nam châu Phi năm 2016 đã được kiểm soát nhờ vào việc chỉ tiêm 1/5 liều vaccine cho mỗi người. Hiện tại, việc giảm liều vaccine vẫn đang được áp dụng đối với vaccine bại liệt bất hoạt (IPV), vaccine dại và vaccine BCG (lao).
Liệu có khả năng việc giảm liều vaccine COVID-19 cũng tạo được hiệu quả giống với miễn dịch tự nhiên sau khi mắc bệnh hay không?
Các nhà nghiên cứu đã so sánh hiệu quả đáp ứng miễn dịch của vaccine Moderna ở những người được tiêm 1/4 liều bình thường và những người đã lành bệnh. Kết quả cho thấy việc giảm liều vaccine cũng có thể tạo ra đáp ứng miễn dịch gần giống với miễn dịch tự nhiên sau khi nhiễm virus SARS-CoV-2.
Càng có nhiều người được tiêm vaccine càng nhanh chóng đạt được miễn dịch cộng đồng. Nguồn: Quanta
Thậm chí, 6 tháng sau khi tiêm liều thứ hai, hầu hết những người được tiêm đều có kháng thể trung hoà ngăn chặn virus xâm nhập vào tế bào hoặc tiêu diệt các tế bào bị nhiễm bệnh.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu vẫn chưa biết được liệu có sự khác biệt nào giữa việc giảm liều và tiêm liều vaccine đầy đủ. Họ cho rằng cần tiến hành thêm các thử nghiệm lâm sàng để có thể xác định.
Dù vậy, việc giảm liều cũng cho thấy các lợi ích tiềm năng, nhất là tiết kiệm được liều lượng và có nhiều người được tiêm hơn. Mặt khác, nó cũng giúp cho việc chia liều lượng vaccine để phù hợp với từng độ tuổi và các nhóm đối tượng.
Nếu nghiên cứu này được áp dụng, vaccine sẽ được sản xuất theo cách mỗi liều chỉ còn chứa một phần tư lượng bình thường đang được sử dụng.