Vỏ măng cụt có nhiều hoạt chất quý
Măng cụt có tên khoa học là Garcinia mangostana L., thuộc Họ Bứa - Guttfeceae. Măng cụt được trồng nhiều tại Việt Nam, lấy quả ăn, vỏ quả chín dùng làm thuốc.
Nhà khoa học, lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội) cho biết, mọi người thường ăn thịt quả măng cụt, sau đó thường vứt vỏ vào thùng rác. Tuy nhiên, thứ vỏ nhiều người bỏ đi lại là thuốc rất tốt, có tác dụng dưỡng nhan sắc, chống lão hoá, ngừa ung thư…
Trong vỏ trái măng cụt chứa nhiều xanthones, một loại hợp chất có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm. Dùng vỏ măng cụt nấu nước súc miệng giúp giảm hôi miệng.
Hợp chất xanthones trong măng cụt đã được chứng minh có tác dụng làm giảm ảnh hưởng của các cholesterol xấu và chống béo phì hiệu quả, rất thích hợp cho việc giảm cân. Dùng vỏ măng cụt pha trà uống hàng ngày giúp chống lão hoá, kiểm soát tốt cân nặng.
Vỏ măng cụt được dùng làm thuốc (Ảnh nguồn: Internet)
Các nghiên cứu cũng chỉ ra vỏ măng cụt có chứa chất Garcinone E. Nhờ đó, vỏ măng cụt có tác dụng gây cản trở sự hình thành và phát triển của các tế bào ung thư gan, dạ dày và phổi. Hợp chất xanthones trong vỏ quả măng cụt (thuộc nhóm chống oxy hóa) còn có tác dụng phòng ngừa ung thư.
"Tuy nhiên, vỏ ngoài của măng cụt hơi đắng, nên trong Đông y thường kết hợp với một số vị khác để làm thuốc. Có thể kết hợp vỏ măng cụt với hạt mùi, hạt thìa là, cam thảo, vỏ quýt, gừng…", lương y Bùi Đắc Sáng cho hay.
Vỏ măng cụt rất tốt với chị em phụ nữ. Nếu chị em bị rối loạn kinh nguyệt (muộn hoặc không thường xuyên) nên uống nước được nấu từ vỏ măng cụt phơi khô. Lượng dùng 20g mỗi lần sắc uống.
Theo lương y Bùi Đắc Sáng, vỏ măng cụt có tác dụng làm đẹp và chống lão hoá không kém gì mỹ phẩm đắt đỏ. Trường hợp phụ nữ bị nám dùng phần trong của vỏ măng cụt xay nhuyễn trộn với mật ong, chanh giúp trị nám và tàn nhang hữu hiệu.
Không chỉ có tác dụng trị nám, vỏ quả măng cụt còn được dùng điều trị mụn. Dùng phần vỏ bên trong của măng cụt rây nhuyễn, trộn với dầu ô liu, thoa lên mặt để khoảng 20 phút. Một tuần chỉ nên đắp 1 lần giúp giảm tình trạng mụn.
Một số công trình nghiên cứu trên thế giới cho thấy vỏ măng cụt có nhiều chất giúp chống lại các phân tử lão hóa, làm chậm quá trình lão hóa. Cách dùng vỏ măng cụt làm thuốc dưỡng nhan được vị lương y hướng dẫn như sau: Dùng 20g vỏ măng cụt thái nhỏ, phơi khô. Mỗi lần dùng cho một nắm nhỏ vào đun sôi với nước trong 5 phút dùng uống thay trà.
Lương y Bùi Đắc Sáng cho biết: "Vỏ quả măng cụt trong y học cổ truyền có vị chát. Dùng với tác dụng sáp tràng, chỉ tả. Chủ trị: Tả, lỵ; Liều dùng: 10-20g/ngày. Trong vỏ quả măng cụt có chứa nhiều hợp chất loại bỏ các vi khuẩn trong đường tiêu hoá. Do vậy, trong dân gian những trường hợp tiêu chảy thường dùng vỏ măng cụt khô 24g, hạt thì là 2g sắc nước uống giúp điều trị tiêu chảy.
Vỏ măng cụt cũng được dùng trong các trường hợp bị kiết lỵ với bài thuốc đơn giản: vỏ măng cụt 6g, rau má 8g, cỏ nhọ nồi 8g, trà xanh 6g, gừng 3 lát, rau sam 8g, cỏ sữa 8g, trần bì 4g, cam thảo 4g. Sắc lấy nước để uống trong ngày".
Khi dùng vỏ măng cụt làm thuốc cần phải đảm bảo vỏ không bị hư hỏng. Trường hợp phơi vỏ măng cụt khô làm làm thuốc uống cần phải bảo quản tốt để tránh mốc, hỏng.