HAGL chưa nằm trong “tâm bão”
Nhiều ý kiến những ngày qua cho rằng vì truyền thông hết ca ngợi thái quá lại “vùi dập” không thương tiếc các cầu thủ HAGL nên đã góp phần khiến lứa trẻ phố Núi bị áp lực tâm lý, dẫn tới thi đấu không tốt.
Nhưng cũng cần phải nhìn nhận rằng trên thực tế, truyền thông Việt Nam vẫn chưa hề đưa HAGL vào tâm bão. Trong quá khứ, đã có không ít cầu thủ từng bị chỉ trích nặng nề hơn trên mặt báo như trường hợp của Công Vinh.
Khi bắt đầu xuất hiện với Thủy Tiên, Vinh đã phải nhận rất nhiều sự dò xét từ báo giới. Rồi khi anh chuyển nhượng từ CLB Hà Nội sang Hà Nội T&T, hoặc sau scandal vái lạy trọng tài, Vinh đã bị chỉ trích rất nhiều.
Song trong tâm bão, Công Vinh vẫn vững vàng vượt qua, khẳng định được bản thân để trở thành chân sút ghi nhiều bàn thắng nhất trong lịch sử V-League, thành tiền đạo không thể thiếu của ĐTQG Việt Nam.
Công Vinh vái lạy trọng tài
Ở Việt Nam là vậy, trên thế giới cũng có không ít các siêu sao bỗng chốc bị truyền thông quay lưng và không ngớt lời chê bai, chỉ trích. Đó là Rooney, Terry, Ryan Giggs... khi vướng scandal ngoại tình.
Từ một biểu tượng của CLB, của đất nước, những siêu sao này bị NHM quay lưng, bị báo giới bới móc thậm chí ảnh hưởng kinh tế khi mất hợp đồng, mất vị trí ở ĐTQG.
Nhưng đến thời điểm này nhìn lại, họ đều đã vượt qua và khẳng định được bản thân mình.
Áp lực của sự nổi tiếng là điều rất tốt để rèn luyện tinh thần?
Nếu một cầu thủ tiềm năng không thể đối phó nổi với áp lực của sự nổi tiếng, anh ta sẽ đối phó thế nào khi trải qua những thời khắc quyết định của các trận cầu lớn?
Ở độ tuổi 19, 20, lứa Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường không còn là những đứa trẻ. Họ đã ăn lương chuyên nghiệp, tự chịu trách nhiệm về các hành vi của mình trước pháp luật và cũng đã trải qua rất nhiều áp lực lớn trên sân cỏ.
Sân chơi V-League với những màn chơi bóng mạnh mẽ thậm chí có thể dẫn tới chấn thương nặng được đánh giá là môi trường rất tốt để rèn luyện các cầu thủ HAGL.
Công Phượng đang cho thấy biểu hiện yếu về mặt tâm lý
Và giới truyền thông Việt Nam cũng sẽ là môi trường cho các em rèn luyện tinh thần, khả năng chịu đựng áp lực.
Tất nhiên cần nhìn nhận thực tế, truyền thông Việt Nam vẫn đang rất ưu ái HAGL và gần như luôn dành cho lớp cầu thủ này tình cảm tốt đẹp, cũng như những góp ý chân thành.
Và nếu một ngày nào đó, các cầu thủ HAGL đọc được những thông tin chỉ trích họ thì có sao đâu, đó là một trải nghiệm để tiếp tục chơi bóng và phấn đấu. Dù có yêu HAGL cách mấy, cũng đừng bao bọc những người đàn ông trong chiếc kén!
“Tôi dám chắc không có đội bóng nào trên thế giới dám cho các cầu thủ trẻ thi đấu giải VĐQG như thế. Tôi có niềm tin mãnh liệt các cháu U19 này.
Sau giải U19 Đông Nam Á tôi có hỏi các cháu có thích đá V.League không và rất bất ngờ khi các cầu thủ đều rất khao khát.
Các cầu thủ của chúng tôi đá thắng các CLB chuyên nghiệp Thái Lan thì chơi V.League ổn thôi. Không chừng năm nay tụi nhỏ vô địch V.League luôn đó…” - bầu Đức phát ngôn trước báo giới.
Với những phát ngôn như vậy, bầu Đức không khiến HAGL rơi vào vòng xoáy của truyền thông mới lạ!
Cách đây ít tháng, HLV Phan Thanh Hùng của Hà Nội T&T cũng từng lên tiếng chỉ trích chính bầu Đức và HAGL đã có phương án truyền thông chưa hợp lý cho lứa trẻ HAGL.
Vì thế mới dẫn đến việc Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường đôi khi nhận quá nhiều lời khen thái quá và dễ bị hụt hẫng khi thất bại.