Các cầu thủ HA Gia Lai vẫn là hàng hot ở các sân bóng và đi đến đâu thì cháy vé đến đó dù càng đá càng thua.
Những cái tên như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường vẫn được người hâm mộ réo gọi và chờ đợi cả giờ đồng hồ chỉ để nhìn tận mặt hoặc tranh thủ chụp ảnh hay được sờ vào người thần tượng.
Về mặt chuyên môn thì thứ hạng 12/14 hiện nay của HA Gia Lai là phản ánh đúng thực lực của đội. Họ quá non nớt so với các đội bóng đàn anh.
Nhìn xuyên suốt quá trình dự V-League của đội bóng này thấy có những thay đổi rất lạ. Đầu mùa họ chơi đúng lối chơi của mình gồm cầm bóng nhiều, phối hợp nhỏ nhuần nhuyễn, từng nhóm, bật tường nhau…
Nhưng khi lối chơi đấy bị phá sản trước các cầu thủ đàn anh giàu kinh nghiệm thì dễ dàng bắt bài thì HLV Graechen Guillaume hay được gọi là Giôm cũng tập tành cho các em thêm những bài bóng dài, không chiến và đổi từ di chuyển nhóm thành di chuyển rộng thích ứng với những đường chuyền trung bình và dài.
Thế là các cầu thủ U-19 vẫn được yêu thích bởi lối đá nhuyễn vốn là đặc sản HAGL - Arsenal JMG dần xa rời cách vốn có của mình.
Xem HA Gia Lai chiều 27-6 thấy rõ là cách chơi của lứa cầu thủ này bắt đầu thẩm thấu những đội ở V-League chứ không còn “đặc sản” U-19 nữa.
Một lối chơi mà những nhà chuyên môn tiếc khi lối đá được yêu thích chuyển qua thực dụng và đánh mất bản sắc của mình.
Sau trận đấu tiền đạo Công Vinh của B. Bình Dương đã nhận xét: “Các em chạy chỗ kém, sức vóc kém, va chạm kém, đứng sai vị trí quá nhiều…”.
Nhận xét trên hoàn toàn đúng bởi cả trận đấu thì HA Gia Lai có đến 80 phút đá kiểu “người lớn” cho đến 10 phút cuối mới quay lại lối đá quen thuộc của mình.
Tất nhiên, một đội bóng được yêu thích bởi bản sắc riêng nhưng khi bản sắc đấy dần bị mai một bởi “hòa tan” thì có còn là U-19 được hâm mộ?
Hình ảnh này giống với trước đây, Thể Công - Viettel từng gửi gần 40 cầu thủ trẻ sang Bulgaria tập huấn bốn năm.
Về nước tập thể này chơi rất hay, lối chơi hiện đại, đập nhả rất nhanh, di chuyển linh hoạt. Tuy nhiên, vì sau đó không có đối thủ cao hơn để tiếp tục nâng tầm nên lứa cầu thủ này cũng hòa tan vào “nền chung”.
Một số dư luận cứ như muốn đổ thất bại trên cho HLV Giôm nhưng công bằng mà nói thì thầy Giôm không có lỗi trong việc này bởi ông được đặt không đúng chỗ cũng như chính các em U-19 bị buộc phải thay cả đội lớn HA Gia Lai mà không có một lộ trình rõ ràng.
Khi bầu Đức quyết thanh lý 27 cầu thủ của đội HA Gia Lai cũ để thay bằng lứa trẻ này thì ông đã tuyến bố có xuống hạng cũng được.
Đó là quyết định táo bạo và có phần liều lĩnh đồng thời cho thấy bên cạnh ông Đức không có những người làm chuyên môn thực thụ như cố vấn Nguyễn Văn Vinh ngày nào.
Và tất nhiên bây giờ thì bầu Đức có trách nhiệm phải cứu lấy lứa cầu thủ đó chứ không phải cứu HA Gia Lai lên hay xuống hạng.
Cứu để các em trở lại lối chơi đúng bản sắc của mình thay vì cứ tìm cách thích nghi để tồn tại ở sân chơi quá tầm và luôn bị các đàn anh nghiên cứu khóa hết các bài.
Bầu Đức vui nổi không?
Sau nửa đường V-League, mộng vô địch của bầu Đức đã tan vỡ và ngược lại còn đối diện với nguy cơ rớt hạng. Nếu điều đó xảy ra HA Gia Lai sẽ mất rất nhiều.
Mất mát lớn nhất khi khả năng cầu thủ lên tuyển U-23 Việt Nam để hiện thực hóa tham vọng vô địch SEA Games hai năm nữa là rất tối trong khi bầu Đức đã đặt cược cả tiền bạc và uy tín rất nhiều vào đấy.
Chỉ có điều bầu Đức luôn đắc thắng về khả năng hấp dẫn khán giả của đám cầu thủ trẻ vẫn là số một trong làng bóng quốc nội, qua việc lấp đầy người trên sân Bình Dương đã là một thành công hiếm có.
Đấy cũng là một nghịch lý của bóng đá Việt Nam khi sản phẩm “lỗi” từ những trận thua tơi tả vẫn bán đắt hàng.
Liệu bầu Đức có thể vui mãi với sản phẩm lỗi ở V-League này?