LTS: Chuyên mục Khen - Chê bóng đá Việt Nam xuất hiện vào sáng thứ Hai và thứ Sáu hàng tuần, với ý kiến bình luận của các chuyên gia hàng đầu.
Mục đích của chúng tôi nhằm mang đến cái nhìn khác biệt, đa chiều xung quanh các sự kiện diễn ra trên sân cỏ trong nước.
Quý độc giả cũng có thể tham gia đóng góp ý kiến trong phần bình luận để chung tay xây dựng nền bóng đá Việt Nam.
Quả bóng vàng và chuyện bỏ người yêu theo túc cầu
Không giống như các hạng mục bầu chọn của bóng đá nam, hầu như không có bất cứ sự tranh cãi nào khi Minh Nguyệt giành danh hiệu QBV.
Điều đó đồng nghĩa với sự thừa nhận tuyệt đối dành cho nữ cầu thủ sinh năm 1986, nhưng mới lần đầu được xướng tên ở vị trí số 1.
HLV Mai Đức Chung nhận xét về cô học trò ở ĐT nữ Việt Nam: “Sau thế hệ của Kim Chi, Văn Thị Thanh thì Minh Nguyệt là một trong không nhiều gương mặt ưu tú của bóng đá nữ khoảng 10 năm qua.
Là người trực tiếp theo dõi quá trình trưởng thành của cháu từ năm 2005, ngoài tài năng thì điều tôi ấn tượng nhất về Minh Nguyệt chính là sự hy sinh hết mình cho bóng đá.
Tôi xin kể lại một câu chuyện mà không nhiều người biết, còn chính tôi cũng chưa gặp lại lần thứ 2 trong đời.
Những ngày đầu đến với bóng đá, Minh Nguyệt bị gia đình và người yêu quyết liệt phản đối. Sự quyết liệt lớn đến mức bạn trai của cháu dứt khoát chia tay nếu Minh Nguyệt vẫn đi đá bóng.
Nhưng vượt qua tất cả, cháu đã quyết định dấn thân theo sự lựa chọn của mình. Với một cô gái trẻ dạo ấy mới chỉ 19-20 tuổi, việc chia tay người yêu là khó khăn không dễ vượt qua.
Nhắc lại kỷ niệm đó để thấy ý chí sắt đá của Minh Nguyệt. Thế nên sau này, khi cháu thành tài, tôi rất mừng”.
Những ai am hiểu về bóng đá nữ đều hiểu chuyện những cô gái dấn thân vào nghiệp bóng banh sau này đều rất khó khăn trong hôn nhân và gia đình. Bên cạnh đó, còn là việc phải "đánh đu" với cuộc sống sau khi giải nghệ.
Ông Mai Đức Chung tiếp tục tâm sự: “Trong 10 năm qua, Minh Nguyệt có thể được xem là ngôi sao của bóng đá nữ. Cháu luôn thi đấu tốt tại giải VĐQG cũng như đóng vai trò trụ cột ở ĐT.
Nhưng vào những thời điểm quyết định thì dường như Minh Nguyệt hơi kém may mắn để cạnh tranh danh hiệu QBV. Vì vậy, danh hiệu này có thể xem là sự tưởng thưởng cho những cống hiến của cháu trong suốt sự nghiệp”.
Ở độ tuổi 29, Minh Nguyệt giờ thuộc lớp cựu binh tại ĐT nữ Việt Nam.
Phong độ và thể lực của cô có thể không còn tốt như vài năm trước, nhưng HLV Mai Đức Chung khẳng định, Minh Nguyệt vẫn sẽ là trụ cột trong kế hoạch của ông tại Vòng loại cuối cùng tham dự Olympic 2016.
Miura, Tuấn Anh và bầu Đức không có gì lấn cấn
Một thông tin rất được NHM quan tâm những ngày qua là việc Tuấn Anh không có tên trong danh sách U23 Việt Nam đăng ký lên AFC để thi đấu tại VCK U23 châu Á.
Điều đó một lần nữa đặt ra nghi vấn rằng, phải chăng HLV Miura đưa Tuấn Anh sang Qatar chỉ để lấy lòng bầu Đức, khi tiền vệ người Thái Bình bị chấn thương từ ở nhà?
Nhưng HLV Mai Đức Chung không đồng tình với suy nghĩ nêu trên: “Nếu muốn lấy lòng bầu Đức thì ông Miura đã có rất nhiều cơ hội để làm điều đó từ rất lâu trước đây, chứ không bày tỏ thẳng thắn quan điểm của mình như thế.
Chúng ta cần phải rạch ròi là ông Miura làm việc cho VFF, chịu trách nhiệm về thành tích thi đấu của ĐT, chứ không phải làm việc cho bầu Đức.
Cũng làm nghề huấn luyện và từng công tác tại Phòng các ĐTQG của VFF, tôi khẳng định việc ông Miura tuyển chọn, sử dụng nhân sự thế nào đều hướng đến mục tiêu phục vụ tối đa cho ý đồ chiến thuật nhằm giành thành tích tốt nhất.
Về trường hợp của Tuấn Anh, tất cả đều ghi nhận cháu có sự tiến bộ khoảng một năm qua. Có thể theo tính toán của HLV Miura, Tuấn Anh sẽ kịp bình phục chấn thương khi sang Qatar.
Nhưng sang đến nơi, tình hình chấn thương của cháu chưa thật ổn thỏa, hoặc phong độ sau chấn thương không đáp ứng được yêu cầu, nên phải chấp nhận ngồi ngoài.
Theo tôi, điều này cũng là bình thường trong công tác huấn luyện. Chúng ta không nên làm trầm trọng hóa vấn đề vì những suy đoán thiếu căn cứ, và đặc biệt là cần tôn trọng công việc của ông Miura”.