Điều khó nói sau QBV lạ lùng nhất lịch sử Việt Nam

Thu Minh |

Bốn trong số 5 cái tên đề cử bầu chọn Quả bóng vàng (QBV) là các học trò của HLV Miura ở ĐTVN, nhưng không người nào giành chiến thắng.

Lịch sử 20 năm bầu chọn QBV Việt Nam ghi nhận một quy luật bất thành văn: Người đăng quang nghiễm nhiên phải là tuyển thủ và có những đóng góp nhất định trong màu áo ĐTQG.

Từ thế hệ của Hồng Sơn, Huỳnh Đức, đến Văn Quyến, Công Vinh sau này thì quy luật nêu trên vẫn không có gì thay đổi.

Với một số trường hợp, thậm chí thành tích tại CLB chỉ là con số không so với phong độ ở ĐTQG và hoàn toàn không để lại chút ảnh hưởng nào tới các lá phiếu bầu.

Ví dụ điển hình của điều này là Thành Lương giành QBV lần thứ 2 (năm 2011) khi CLB Hà Nội ACB của anh bị xuống hạng ở mùa giải đó.

Thế nên, việc Anh Đức đăng quang QBV Việt Nam 2015 mà không phải là tuyển thủ thì phía sau đó hẳn phải là câu chuyện khác.

Hai tuyển thủ Công Vinh và Văn Quyết chỉ xếp sau Anh Đức trong cuộc bầu chọn QBV 2015. Ảnh: Zing
Hai tuyển thủ Công Vinh và Văn Quyết chỉ xếp sau Anh Đức trong cuộc bầu chọn QBV 2015. Ảnh: Zing

Trên thực tế, 2015 không phải là năm thi đấu thành công của ĐTVN.

Khoảnh khắc xuất thần cầm hòa Iraq ở Vòng loại World Cup 2018 của thầy trò HLV Miura không đủ để xóa nhòa sự yếu kém của họ trong 2 cuộc chạm trán Thái Lan.

Và ngay cả khi ĐTVN giành chiến thắng trên sân Đài Loan thì nhà cầm quân người Nhật vẫn phải hứng chịu sự chỉ trích nặng nề, bởi thứ bóng đá “vô hồn, vô chiêu” mà ông áp dụng.

Đó là sự khác biệt hoàn toàn so với cách thầy trò HLV Miura được đón nhận trong năm 2014.

Hai giải đấu đầu tiên của nhà cầm quân người Nhật sau khi bắt tay vào công việc ở Việt Nam là ASIAD và AFF Cup đều được đánh giá khá thành công.

Ba danh hiệu cao quý nhất của bóng đá Việt Nam năm 2014 cũng lần lượt thuộc về 3 học trò của HLV Miura ở ĐTVN là Thành Lương (QBV), Văn Quyết (QBB) và Công Vinh (QBĐ).

Nếu xét về phong độ ở cấp CLB, sẽ rất khó để nói rằng Lương, Quyết và Vinh là những người xuất sắc nhất. Lý do giúp họ “lên đỉnh” chủ yếu nằm ở màn thể hiện tại AFF Cup 2014. Còn ông thầy Nhật Bản thậm chí đã có lúc được ca tụng là “Mourinho của Đông Nam Á”.

Rõ ràng, tâm thế và cái nhìn của người hâm mộ cũng như giới chuyên môn về ĐTVN hoặc cá nhân HLV Miura là hoàn toàn khác nhau giữa 2 năm 2014 và 2015.

Liệu có thể đặt ra câu hỏi rằng, khi lòng tin dành cho HLV Miura đang “lao đáy”, các học trò của ông cũng sẽ khó được “thơm lây”?

Nếu lật lại lịch sử bầu chọn QBV Việt Nam thì năm 2012 cũng là năm ĐTVN thi đấu rất tệ. Thầy trò HLV Phan Thanh Hùng bị loại ngay từ vòng bảng AFF Cup. Nhưng bất chấp thực tế này, tiền vệ Quốc Anh vẫn đăng quang danh hiệu QBV.

Tiền vệ Huỳnh Quốc Anh đăng quang QBV 2012, sau khi ĐTVN thi đấu rất tệ tại AFF Cup. Ảnh: vtv.vn
Tiền vệ Huỳnh Quốc Anh đăng quang QBV 2012, sau khi ĐTVN thi đấu rất tệ tại AFF Cup. Ảnh: vtv.vn

Lúc đó cũng có những ý kiến cho rằng, lý do chủ yếu giúp Quốc Anh giành QBV là thành tích vô địch V-League cùng CLB Đà Nẵng.

Không phủ nhận phong độ của cá nhân Quốc Anh, song đấy lại là chức vô địch hết sức kém thuyết phục của đội bóng sông Hàn, khi phải nhờ đến người anh em Hà Nội T&T cản bước CLB Sài Gòn Xuân Thành.

Quốc Anh chỉ thực sự nổi bật hẳn lên khi được triệu tập vào ĐTVN và chơi ấn tượng bên hành lang cánh trái trong suốt quá trình chuẩn bị.

Có nghĩa rằng, với cầu thủ gốc Quảng Nam hơn 3 năm trước, thương hiệu của đội tuyển vẫn còn có giá. Chứ không phải như bây giờ!

Kết quả bầu chọn các danh hiệu:

1. Quả bóng vàng nam: Nguyễn Anh Đức (Becamex Bình Dương)

2. Quả bóng vàng nữ: Nguyễn Thị Minh Nguyệt (Hà Nội)

3. Cầu thủ trẻ nam xuất sắc nhất: Nguyễn Công Phượng (HAGL)

4. Cầu thủ trẻ nữ xuất sắc nhất: Chương Thị Kiều (CLB TP.HCM)

5. Cầu thủ nước ngoài xuất sắc: Abass (B.Bình Dương)

6. Cầu thủ futsal nam xuất sắc: Trần Văn Vũ (Thái Sơn Nam)

HLV Miura bị học trò cho "ăn hành"

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại